Quảng Ngãi giải đáp vấn đề xả thải ra biển của Nhà máy Bột-Giấy VNT19

Chiều ngày 14-2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo về các nội dung liên quan đến Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Nhà máy Bột-Giấy VNT19 (đặt tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có công suất thiết kế 350.000 tấn bột giấy/năm (giai đoạn 1) nguyên liệu sản xuất chính là gỗ keo, tiêu thụ tương đương 1,4 triệu tấn dăm gỗ/năm và bằng khoảng 55-60% lượng gỗ dăm đang xuất khẩu qua cảng Dung Quất.

Nhà máy được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 3-2011. Từ đó đến nay, khối lượng, tiến độ triển khai dự án chỉ đạt 75%, dự án kéo dài nhiều năm do chưa được sự đồng thuận của người dân. Đến tháng 1-2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất ra quyết định về chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó điều chỉnh tiến độ Dự án dự kiến đưa công trình đi vào hoạt động cuối Quý IV năm 2024.

Quang cảnh họp báo liên quan đến Nhà máy Bột-Giấy VNT19. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Quang cảnh họp báo liên quan đến Nhà máy Bột-Giấy VNT19. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong dự án này có phần thi công đường ống ngầm xả thải ra biển vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Đây là việc người dân địa phương và dư luận rất quan tâm về xử lý môi trường khi đặt đường ống xả thải ra biển.

Hiện nay, chủ đầu tư không thể triển khai các công tác xây dựng do chưa thể thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thuê giao đất và xin cấp phép xây dựng tuyến đường ống xả thải do chưa đạt sự đồng thuận từ người dân.

Một góc vịnh Việt Thanh

Một góc vịnh Việt Thanh

Đỉnh điểm vào ngày 24-6-2022, các ngành chức năng đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tuy nhiên khi tổ chức thì người dân không đồng tình chủ trương đặt ống ngầm xả thải ra biển.

Ông Ngô Văn Dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, nói: “Trước khi tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, huyện Bình Sơn cùng Liên hiệp các Hội Khoa học tỉnh cùng các đơn vị, địa phương nắm dư luận bà con nhân dân. Nhưng khi tiến hành tổ chức tham vấn, một số bà con đồng tình với chủ trương Nhà nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng họ đề nghị giải thích về xả thải. Chúng tôi đã giải trình nhưng một số người dân quá khích bỏ về, sau đó, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo UBND xã Bình Trị giải thích cho dân nhưng bà con nói không cho xả thải ra. Đến giờ này, huyện đã làm hết trách nhiệm với dân, với tỉnh nhưng bà con vẫn không chịu”.

Đối với vấn đề xả thải ra biển vịnh Việt Thanh, cơ quan báo chí cũng yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ việc này. Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, nói: “Theo quy trình, ý kiến của các chuyên gia, phản biện của các hiệp hội, các dữ liệu về hệ thống xử lý nước thải, cá nhân tôi tin tưởng và tôi cho rằng chúng ta đủ để xem xét đảm bảo”.

Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, trả lời về vấn đề xả thải của nhà máy. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, trả lời về vấn đề xả thải của nhà máy. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Theo ông Tân, dự án Nhà máy Bột-Giấy VNT19 được Bộ TN-MT thẩm định, Bộ TN-MT cấp giấy phép môi trường, trong đó có nội dung về nước thải, nếu không đạt thì Bộ sẽ không cấp và sẽ có thời gian từ 3-6 tháng vận hành thử nghiệm.

Ông Tân nói: “Nếu chúng ta không cho vận hành thử nghiệm thì làm sao biết được đạt tiêu chuẩn hay không và trong thời gian đó Bộ TN-MT sẽ xem xét cấp giấy phép môi trường”.

Trường hợp nước thải nhà máy chưa đạt thì nhà máy này có hồ sự cố và hồ sinh học. Theo báo cáo từ phía chủ đầu thì đã đầu tư phân xưởng xử lý nước thải hoàn toàn mới với công nghệ và thiết bị xử lý từ Châu Âu.

Nước thải trước khi xả ra môi trường tiếp tục được kiểm tra tự động và có camera giám sát tại 2 điểm trước hồ sinh học và sau hồ nuôi cá. Kết quả kiểm tra và hình ảnh được truyền trực tiếp và liên tục 24/7 về Sở TN-MT và Bộ TN-MT.

Chức năng hồ sự cố và hồ sinh học thực hiện khoanh vùng, đóng cửa, không bơm nước ra trước khi giám sát, xử lý chất lượng. Các thông số, chất lượng nước thải đều được hiện lên đèn LED để người dân giám sát.

Ông Tân cũng cho biết, dự án này nằm trong dự án giám sát đặc biệt do vậy sẽ được giám sát liên tục, lấy mẫu liên tục, nhiều chuyên gia đi cùng để thực hiện việc này.

Các nhà báo chất vấn nhiều vấn đề xoay quanh Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Các nhà báo chất vấn nhiều vấn đề xoay quanh Nhà máy Bột-Giấy VNT19.

Các cơ quan báo chí cũng đặt câu hỏi về xử lý nếu như có sự cố môi trường xảy ra khi nhà máy đi vào hoạt động, cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Ông Tân cho biết, tỉnh Quảng Ngãi cũng có kịch bản, triển khai các giải pháp và phía nhà máy cũng tuân thủ để đảm bảo hoạt động của hồ ứng phó sự cố để hồ không thải ra biển khi chưa qua xử lý đúng quy trình, đạt chất lượng tiêu chuẩn. Ông Tân khẳng định: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”.

Còn về vấn đề bụi và khí thải, nhà máy sẽ lọc bụi qua tĩnh điện, tách ra để bản chất mùi hôi và gây độc sẽ không còn nữa.

NGUYỄN TRANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/quang-ngai-giai-dap-van-de-xa-thai-ra-bien-cua-nha-may-bot-giay-vnt19-post678741.html