Quảng Nam chung tay giữ gìn giá trị văn hóa lễ hội Bà Thu Bồn

Hằng năm từ ngày mùng 10-12/2 âm lịch, người dân phía thượng nguồn sông mẹ Thu Bồn ở huyện Nông Sơn và hạ du tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại cùng lúc tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn.

Đây được xem là hình thái văn hóa phi vật thể tín ngường thờ mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa sôi nỗi đã được tổ chức, thể hiện tính cố kết cộng đồng ven sông Thu Bồn, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Cứ đến ngày 11, 12 tháng 2 âm lịch, những người con xa quê lại tìm về huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi thượng nguồn sông Thu, thắp nén hương tưởng nhớ bà mẹ xứ sở và tham dự các hoạt động văn hóa thể thao tại Lễ hội Bà Thu Bồn.

Hàng trăm người dân huyện Nông Sơn, nơi thượng nguồn sông Thu Bồn thực hiện nghi lễ Rước sắc.

Hàng trăm người dân huyện Nông Sơn, nơi thượng nguồn sông Thu Bồn thực hiện nghi lễ Rước sắc.

Bắt đầu là chuỗi các lễ tế được toàn thể dân làng Trung An, xã Quế Trung chuẩn bị chu đáo, các nghi thức lễ tế âm linh, lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ tiên thường… diễn ra trang nghiêm.

Ông Trần Văn Lộc, năm nay 71 tuổi, cho biết, các nghi thức này đã được nhiều thế hệ người dân nơi thượng nguồn sông Thu Bồn gìn giữ. Những bậc cao niên tại làng Trung An được bầu vào các vị trí Chánh tế, bồi tế, lễ sinh; nhiều người trẻ tuổi trong làng cũng tham gia mỗi người một việc, như một sự tiếp nối giữa các thế hệ.

Lễ hội Bà Thu Bồn đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân Quảng Nam gắn với dòng sông Thu Bồn.

Lễ hội Bà Thu Bồn đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân Quảng Nam gắn với dòng sông Thu Bồn.

“Nói đến ngày lễ hội của Bà nhân dân rất hưởng ứng, bời vì tổ tiên, ông bà mình đã gây dựng, thờ phụng để cho con cháu sau này noi theo trên tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam mình. Di tích của Bà chúng tôi luôn bảo vệ, năm vừa rồi chúng tôi cùng đóng cọc tre để bảo vệ bên bờ ni khỏi bị sạt", ông Lộc cho biết.

Tại khu vực lăng Bà Thu Bồn ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, người dân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian.

Tại khu vực lăng Bà Thu Bồn ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, người dân tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian.

Tương truyền Bà Thu Bồn là một nữ tướng có công trạng lớn với đất nước, với nhân dân. Công trạng của bà được nhà Nguyễn ghi nhận và sắc phong là “Bô Bô Phu Nhân Thượng Đẳng Thần”. Trong một lần thất thủ trước quân địch, Bà men theo hướng tây đến Phường Rạnh, nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam gieo mình xuống dòng sông tự vẫn. Thi thể của Bà xuôi về dưới hạ lưu được dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên an táng, thờ phụng và xây dựng lăng Bà ngày nay.

Từ sáng sớm, tại khu vực lăng Bà, dân làng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như hô hát bài chòi, biểu diễn dân ca kịch, hội thi nấu ăn, làm bánh... Chị Huỳnh Thị Kim Anh cùng chị em tại các thôn, tổ đoàn kết ở xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chuẩn bị chu đáo cho Lễ hội Bà Thu Bồn. Đôi bàn tay của phụ nữ khéo léo gói những chiếc bánh được làm từ sản vật và tấm lòng của người dân bên dòng sông Thu dâng cúng Bà.

Chị Huỳnh Thị Kim Anh cho biết: “Cái tâm gửi hết vào từng cây bánh như bánh chưng, bánh rò, bánh ít… Chúng tôi nhào nặn chiếc bánh thành nhiều hình tượng như hình lăng Bà, dâng lên cúng Bà, nhờ bà phù hộ cho dân lành".

Bên cạnh các nghi thức của lễ hội, các địa phương của tỉnh Quảng Nam lồng ghép, tổ chức chuỗi hoạt động như trưng bày, giới thiệu các sản vật, sản phẩm OCOP; tổ chức đua ghe; hội diễn văn nghệ nghệ thuật quần chúng. Sáng nay (14/3), tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn.

Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngường thờ mẫu có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Nam, là hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2022: “Bằng tâm sức và trách nhiệm của mình, người dân đã chung sức, đồng lòng bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia- Lễ hội Bà Thu Bồn. Lễ hội là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2022, trong đó, một trong những nội hàm quan trọng của du lịch xanh đó là bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc"./.

Long Phi/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/quang-nam-chung-tay-giu-gin-gia-tri-van-hoa-le-hoi-ba-thu-bon-post930389.vov