Quang Linh Vlog mời bạn châu Phi ăn món đặc sản 'vừa ăn vừa sợ'

Quang Linh Vlog dẫn bạn người châu Phi đi ăn mực nhảy, đoạn video cho thấy người bạn rất sợ hãi nhưng Quang Linh thản nhiên cầm con mực còn sống nhúng vào bát nước mắm cầm trên tay rồi ăn ngon lành.

Quang Linh Vlog ăn "mẫu" món gỏi mực còn nhảy

Trong chuyến về Việt Nam mới đây của nam vlogger Quang Linh có Lindo - người bạn thân ở Angola của Quang Linh. Sau đó, trên mạng xã hội lan truyền clip Quang Linh Vlog dẫn bạn người châu Phi đi ăn mực nhảy, clip cho thấy người bạn rất sợ hãi khi nhìn thấy Quang Linh thản nhiên cầm con mực nhảy nhúng vào bát nước mắm cầm trên tay. Sau nhiều lời khuyến khích của mọi người xung quanh, Lindo cắn miếng râu mực nhưng không dám nuốt.

Hình ảnh Quang Linh Vlog ăn mực còn tươi sống.

Hình ảnh Quang Linh Vlog ăn mực còn tươi sống.

Một số nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Quốc… thường coi món gỏi mực sống là món đặc sản, ngoài người dân địa phương thì không ít du khách cũng gật gù khen món gỏi mực tươi chấm mắm giòn và ngọt. Món mực nhảy được chế biến nhiều món như hấp nguyên con, cuốn lá lốt chấm với xì dầu mù tạt hoặc nước mắm nguyên chất thêm gừng và ớt. Đối với món gỏi, thường được làm sạch sẽ nội tạng, thái miếng, để ráo nước rồi ngâm với nước chanh, chấm với xì dầu hoặc nước mắm. Theo nhiều người, món này không tanh, trái lại có vị ngọt, dai, ăn rất mát.

Nhưng món mà không nhiều người dám thử chính là món gỏi mực còn sống, thực khách cầm con mực vẫn đang nhảy tanh tách chấm mắm ớt tỏi cay.

Nhiều video ăn gỏi mực trên TikTok

Đối với rất nhiều người, ăn gỏi không phải là một việc dễ dàng vì khi chưa từng ăn, cảm giác ăn sống có thể gây sợ hãi, chưa kể họ sợ món ăn có thể gây đau bụng hoặc nhiễm ký sinh trùng từ thực phẩm còn tươi sống đó.

Trên thực tế, đây là một nguy cơ hiện hữu không loại trừ bất kỳ ai khi ăn gỏi vì có những rủi ro tiềm ẩn từ thực phẩm.

Theo dõi một số video ẩm thực trên TikTok của Thái Lan có nhiều nội dung người làm Tik Tok trực tiếp ăn các món gỏi cá, cua, tôm, mực còn tươi rói, nhảy tanh tách. Điều đáng nói là những video này thu hút rất nhiều người xem và yêu thích, trong đó có video ăn "squid shots". Đây là món mực sống được ngâm vào ly đựng nước sốt hải sản chanh ớt đặc trưng của Thái Lan. Người ăn sẽ để mực ngấm nước sốt rồi ăn sống bằng cách cắn vào đầu rồi đến thân hoặc nuốt cả con mực nếu con mực nhỏ.

Mực còn sống được nhúng sâu trong cốc gia vị là món ăn ở Thái Lan được lan truyền trên TikTok.

Mực còn sống được nhúng sâu trong cốc gia vị là món ăn ở Thái Lan được lan truyền trên TikTok.

Tiến sĩ Suwanchai Wattanayingjaroenchai, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Y tế Thái Lan cho biết: Ăn hải sản sống sẽ tạo điều kiện cho vibrio parahaemolyticus xâm nhập vào cơ thể. Đây là một loại vi khuẩn chủ yếu được tìm thấy trong bùn biển. Nó có thể gây đau bụng, tiêu chảy và ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây loét dạ dày và ruột. Bên cạnh vi khuẩn, hải sản sống như mực, tôm và động vật có vỏ có thể chứa ký sinh trùng, chẳng hạn như Anisakis (giun tròn) và Diphyllobothrium (sán dây cá). Ở Thái Lan, hai loại ký sinh trùng này đã được tìm thấy trong hơn 50 loại hải sản. Khi ăn phải thực phẩm chứa các loại ký sinh trùng này, người bệnh sẽ bị đau bụng, chướng bụng, buồn nôn và các triệu chứng khác giống như viêm dạ dày.

Vòng đời chung của họ Anisakidae.

Vòng đời chung của họ Anisakidae.

Bệnh do ấu trùng giun họ Anisakis

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.Hồ Chí Minh: Ký sinh trùng Anisakis thuộc giới Animalia, ngành Nematoda, lớp Secernentea, bộ Ascaridida, họ Anisakidae, giống Anisakis và gồm có nhiều loài khác nhau như Anisakis pegreffii, A. physeteris, A. schupakovi, A. simplex, A. typica, A. ziphidarum, Anisakis simplex.

Bệnh do Anisakis (bệnh Anisakis) là một bệnh nhiễm ký sinh trùng ở đường tiêu hóa do người ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín có chứa ấu trùng giun Anisakis simplex.

Chu trình phát triển của Anisakis simplex (Nguồn: CDC)

Chu trình phát triển của Anisakis simplex (Nguồn: CDC)

Nhiễm trùng có thể xảy ra khi ăn cá hoặc mực nước mặn sống hoặc nấu chưa chín; ấu trùng xâm nhập vào niêm mạc của đường tiêu hóa. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là đau bụng, buồn nôn, nôn, chướng bụng, tiêu chảy, có máu và chất nhầy trong phân và sốt nhẹ. Phản ứng dị ứng với phát ban và ngứa, hiếm khi xảy ra sốc phản vệ.

PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh – Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa vi sinh - Ký sinh trùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: trung gian truyền bệnh giun Anisakis simplex thường gặp là các loài cá, mực và giáp xác.

Trong trung gian truyền bệnh, ấu trùng phát triển nhưng không tới giai đoạn trưởng thành. Khi các loài động vật biển có vú như hải cẩu, sư tử biển, cá heo, cá voi... ăn cá, động vật giáp xác, ấu trùng phát triển thành những con giun trưởng thành. Ở người, ấu trùng không thể hoàn thành sự phát triển của chúng và thành nguyên nhân gây nhiễm. Các triệu chứng của bệnh Anisakiasis bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn. Trong một số trường hợp, các kháng nguyên có trong Anisakis simplex có thể gây phản ứng dị ứng và quá mẫn.

Một con giun tròn cuộn tròn trong một miếng phi lê cá tuyết (ảnh bên trái); Hình ảnh đầu giun tròn chụp dưới kính hiển vi; Giun ký sinh được lấy ra sau một ca phẫu thuật (ảnh bên phải).

Một con giun tròn cuộn tròn trong một miếng phi lê cá tuyết (ảnh bên trái); Hình ảnh đầu giun tròn chụp dưới kính hiển vi; Giun ký sinh được lấy ra sau một ca phẫu thuật (ảnh bên phải).

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ nếu con người ăn cá hoặc mực bị nhiễm bệnh sống hoặc nấu chưa chín, có nguy cơ ăn phải ấu trùng giun tròn. Khi vào trong cơ thể người, ấu trùng có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa. Cuối cùng, ký sinh trùng chết và tạo ra một khối viêm ở thực quản, dạ dày hoặc ruột. Ngoài ra, một số người cảm thấy ngứa ran sau hoặc trong khi ăn cá, mực sống hoặc nấu chưa chín hẳn. Đây thực chất là con giun đang di chuyển trong miệng hoặc cổ họng. Những người này thường có thể lấy giun ra khỏi miệng bằng tay hoặc ho để tống giun ra ngoài và ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, một số người có triệu chứng nôn mửa và điều này thường có thể trục xuất giun ra khỏi cơ thể.

Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh thường được tìm thấy nhiều nhất ở những khu vực phổ biến ăn cá sống, chẳng hạn như Nhật Bản. Tuy nhiên, vì việc ăn cá nấu chưa chín ngày càng trở nên phổ biến, đã có những trường hợp được phát hiện ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ và các khu vực khác trên thế giới. Bất cứ ai ăn cá hoặc mực chưa nấu chín hoặc sống đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tiền sử ăn cá hoặc mực chưa nấu chín là cơ sở đầu tiên trong chẩn đoán. Chẩn đoán thường được thực hiện bằng nội soi, chụp X quang hoặc phẫu thuật nếu giun đã ký sinh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh này là tránh ăn hải sản sống như cá hoặc mực sống chưa được nấu chín.

Hoàng Nam

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-linh-vlog-moi-ban-chau-phi-an-mon-dac-san-vua-an-vua-so-169230821194116117.htm