Quảng cáo thực phẩm sức khỏe tràn lan trên mạng, bác sĩ bức xúc

Nhiều nghệ sĩ, KOL tận dụng sự nổi tiếng để thổi phồng công năng của các loại thực phẩm chức năng, thuốc, sữa.

 Thực phẩm chức năng, thuốc, sữa... thường được nhiều KOL quảng cáo khá nhiều trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Thực phẩm chức năng, thuốc, sữa... thường được nhiều KOL quảng cáo khá nhiều trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Sự phát triển mạnh của bán hàng trực tuyến với lợi nhuận cao, dẫn đến việc một số người nổi tiếng bất chấp quảng cáo những sản phẩm không đạt chất lượng.

Tuy nhiên, mặt hàng chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa... liên quan trực tiếp đến người dân, đặc biệt trẻ em. Do đó, với những quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, lời xin lỗi là khó chấp nhận được.

Đau bụng, tiêu chảy vì uống sữa Tiktoker bán

Hồi cuối tháng 11, VTV đăng tải 2 phóng sự vạch trần hàng loạt điểm bất thường trong sản phẩm sữa tăng cân mà Yona Cươn quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Loại sữa tăng cân này được niêm yết 495.000 đồng/hộp, song mỗi phiên livestream lại được giảm giá đến 50%. Sau nhiều buổi live của nữ Tiktoker này, có đến hơn 10.000 hộp sữa được bán ra.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đã chia sẻ họ bị đau bụng, thậm chí có người còn phải đến bệnh viện kiểm tra sau khi sử dụng sữa này. Vấp phải nhiều chỉ trích và bị bóc mẽ, cô gái này đã lên tiếng xin lỗi, xóa các clip liên quan đến sản phẩm.

Đây không phải là trường hợp duy nhất người sáng tạo nội dung quảng cáo sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sau đó lên tiếng xin lỗi.

 Diễn viên Cát Tường bị khán giả phản ứng trái chiều vì quảng cáo sữa điều trị tiểu đường không đúng sự thật. Ảnh: cắt từ clip.

Diễn viên Cát Tường bị khán giả phản ứng trái chiều vì quảng cáo sữa điều trị tiểu đường không đúng sự thật. Ảnh: cắt từ clip.

Một tài khoản có tên L.B. với 1,2 triệu người theo dõi cũng từng quảng cáo thạch canxi giúp tăng chiều cao cho trẻ.

Nhưng sản phẩm này nhanh chóng bị phát hiện không có giấy phép nhập khẩu, tên công ty cũng không phải sản xuất sản phẩm cho trẻ em. Chủ kênh L.B. cũng lên tiếng xin lỗi.

Nhiều nghệ sĩ như diễn viên Cát Tường, Vân Trang, Diệu Nhi... cũng từng xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật hiệu quả của thực phẩm chức năng.

Gánh nặng cho ngành y tế

Trước vô vàn quảng cáo liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng… không đảm bảo chất lượng, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), khuyến cáo người dân cần xem xét thật kỹ những sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Thực tế, khi thăm khám tại bệnh viện, bác sĩ Vũ gặp rất nhiều trường hợp biến chứng vì tự sử dụng, hoặc điều trị bệnh theo thông tin trên mạng. Họ đến bệnh viện thì tình trạng đã nặng, điều trị tích cực cũng khó hồi phục, thậm chí là tử vong.

“Cuộc đời chỉ có một, chúng ta hãy trân trọng sức khỏe của chính mình. Nếu bị bệnh, hãy giao sức khỏe cho thầy thuốc”, bác sĩ Vũ nói.

Mọi người cần hiểu rằng thực phẩm chức năng, sữa hay bất kỳ một loại sản phẩm nào, chỉ để bổ trợ cho cơ thể, không thể điều trị hết bệnh.

Khi có bệnh thì nên đến khám, điều trị ở các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ sẽ đánh giá trực tiếp trên từng người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Bác sĩ Vũ nhấn mạnh người bệnh không nên nghe theo thông tin hướng dẫn trên mạng. Bởi thông tin trên mạng xã hội là “thượng vàng hạ cám”, chỉ bác sĩ mới biết thông tin y khoa nào là “vàng”, thông tin nào là “cám”.

Cuộc đời chỉ có một, chúng ta hãy trân trọng sức khỏe của chính mình. Nếu bị bệnh, hãy giao sức khỏe cho thầy thuốc

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ

Ví dụ, trên mạng quảng cáo rất nhiều về thuốc tăng chiều cao, nhưng theo nghiên cứu một người trưởng thành đến độ tuổi 25, họ gần như ngừng phát triển chiều cao. Uống sữa tăng chiều cao ở lứa tuổi này là không hợp lý.

Như tại Nhật Bản, có các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày, trộn vào cơm để để góp phần tăng chiều cao, cân nặng. Nhưng cơ thể của người sử dụng phải huy động toàn thể hệ thống, và dùng sản phẩm này trong nhiều năm, từ nhỏ đến lớn chứ không phải trong một giai đoạn nhất định.

"Muốn tăng chiều cao, cân nặng cần một quá trình dài chứ không thể tăng đột ngột bằng phương pháp nào, hay loại thực phẩm chức năng", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trên mạng xã hội cũng có nhiều người tự xưng là bác sĩ, họ muốn kiếm tiền bằng việc điều trị cho người khác nhưng không qua đào tạo bài bản thì rất nguy hiểm. Đây là gánh nặng cho ngành y tế.

Do đó, người dân cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định tin tưởng bất kỳ ai.

“Trên mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, sinh hiệu, xét nghiệm sự thiếu đủ các chất của cơ thể… để tư vấn phương pháp điều trị, bổ sung chất phù hợp. Không có phương thuốc, hay sản phẩm nào có thể phù hợp với mọi người”, bác sĩ Vũ cho hay.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://znews.vn/quang-cao-thuc-pham-suc-khoe-tran-lan-tren-mang-bac-si-buc-xuc-post1451948.html