Quản trị sự biến động trong một thế giới phân mảnh

Những quyết sách kịp thời của ngành Công Thương trong quản trị biến động, đón bắt mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao nội lực, đẩy mạnh kết nối song phương, đa phương đã góp phần định vị vững chắc Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị phân mảnh.

Ngày 25/01/2022, đoàn Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn đã làm việc và kiểm tra thực tế tại hai tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Từ “thích ứng” đến “quản trị”

Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được thành lập tháng 4/2021 đã phải đương đầu với thách thức mới bởi làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát ngày 27/4/2021. Khi có biến động, hành động đầu tiên là “thích ứng”, hướng toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, có một điều là sự thay đổi luôn diễn ra trong thế giới này. Đó có thể là gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương. Đó cũng có thể là xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại… tác động đến cân đối cung cầu, lạm phát, gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng nguyên liệu, chuỗi sản xuất… Nếu chỉ “thích ứng” sẽ luôn rơi vào tình thế bị động, vì những thay đổi quan trọng khác vẫn đang ở phía trước. Do đó, quản trị biến động là một phần quan trọng được đặt ra trong công tác quản lý điều hành của một Bộ nắm hai trụ cột “Công” và “Thương” của đất nước.

Chiến lược đầu tiên của quản trị biến động là trang bị tinh thần để đón nhận thực tế. Trong các cuộc giao ban hàng tuần, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quán triệt tới toàn bộ cán bộ công chức rằng, biến động là một phần tất yếu của thế giới ngày nay, thay vì lo lắng hãy xem nó như một nội dung trong quy trình hoạt động tiêu chuẩn cần được chuẩn bị trước.

Đây chính là động lực thúc đẩy các đơn vị tham mưu thuộc Bộ xây dựng nề nếp làm việc, luôn đặt các yếu tố biến động, như dịch Covid-19, biến động địa chính trị thế giới, lạm phát, xung đột thương mại giữa các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam… là một hợp phần khi xây dựng các kịch bản tăng trưởng của Ngành. Trong các kịch bản này, những biến động được phân tích, đánh giá mức độ tác động, cách thức kiểm soát, tham mưu cho Bộ hướng dẫn các địa phương ứng phó, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp…

Tới nay, quản trị biến động đã trở thành ý thức thường trực trong cán bộ, công chức ngành Công Thương.

Cần tạo ra các ngành công nghiệp nền tảng để từng bước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu

Đón trước mô hình phát triển mới

Quản trị biến động đã hình thành nên tư duy chiến lược về các xu thế vận động trong tương lai để đưa ra các quyết định vừa ứng phó với biến động trong hiện tại, vừa tiếp cận được những vấn đề căn bản, có khả năng giải quyết nhiều bài toán, nhiều hình thức biến động mới.

Tháng 7/2021, giữa nước sôi lửa bỏng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, tại cuộc họp trực tuyến về quản lý, phát triển cụm công nghiệp giữa Bộ Công Thương với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đặt ra yêu cầu: “Phải tạo ra các ngành công nghiệp nền tảng để từng bước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu, chế biến chế tạo…”.

Tư duy ấy tiếp tục đón trước những mô hình phát triển mới trong một thế giới biến động không ngừng. Tại buổi làm việc với Đại sứ Singapore ngày 17/6/2021, cùng với việc trao đổi cách thức hợp tác thương mại khi dịch bệnh căng thẳng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu hàng loạt vấn đề mà Việt Nam và Singapore cần đẩy mạnh khai thác, trong đó có công nghiệp thông minh.

3 tháng sau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị hỗ trợ những ngành công nghiệp mới của Việt Nam trong buổi làm việc với Tổng giám đốc UNIDO, gồm: Đánh giá tác động của Công nghiệp 4.0 đối với các ngành công nghiệp dệt may, da giày, điện tử; hỗ trợ xây dựng mô hình nhà máy thông minh, xây dựng chiến lược kinh tế tuần hoàn…

Trong các buổi làm việc với Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương kiêm Bộ trưởng Bộ Lao động Singapore; Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Đại sứ Israel tại Việt Nam… vấn đề hợp tác trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số là những nội dung nổi bật.

Gần đây nhất, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị với thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, hai bên sớm thành lập Nhóm công tác trong lĩnh vực bán dẫn. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam muốn xây dựng hệ sinh thái đầy đủ khi thế giới đang bước vào “cuộc đua bán dẫn toàn cầu”.

Đặc biệt trong xây dựng thể chế, vấn đề “đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế thực hiện thí điểm để khơi thông nguồn lực” luôn được Bộ trưởng đặt ra trong các cuộc giao ban, hội nghị, diễn đàn. Tại cuộc họp ngày 02/3/2023 về cấp và nhập khẩu than cho sản xuất điện và đạm, khi các doanh nghiệp báo cáo khó khăn về nhập khẩu than, Bộ trưởng đã giao cho Vụ Thị trường châu Á - châu Phi “tổ chức khảo sát thị trường than của Lào, các tuyến đường vận chuyển than về Việt Nam tối ưu”. Gần 1 năm sau, ngày 05/01/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Nghị quyết số 04/NQ-CP đồng ý về việc đoạn băng tải thuộc dự án xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua đường biên giới Việt Nam - Lào.

Tinh thần “đề xuất với cấp có thẩm quyền các cơ chế thực hiện thí điểm” cũng thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển ngành Dệt may, Da giày; dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm; nhất là trong 4 quy hoạch quốc gia về năng lượng và khoáng sản đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2023.

Trong thế giới phân mảnh

Đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến Israel - Hamas và căng thẳng trên Biển Đỏ cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng, từ đó thúc đẩy nhiều nước chuyển sang giao thương với các nước đáng tin cậy nhằm giảm bớt rủi ro, đã tạo nên xu hướng chuyển từ “toàn cầu hóa” sang “phân mảnh toàn cầu”.

“Phân mảnh toàn cầu” làm cho dòng chảy thương mại (vốn đơn thuần là kinh tế) có thể dẫn đến tình trạng “chia phe” về chính trị; thể hiện qua chủ nghĩa bảo hộ, đưa sản xuất về “cố quốc”, giảm vận chuyển hàng hóa ở khoảng cách xa, kiểm soát vốn đầu tư.

Để hóa giải tình trạng này, ngành Công Thương đã tập trung nâng cao nội lực, cơ cấu lại dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn.

Trong các cuộc làm việc với đối tác quốc tế, như buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc… Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đều mời các đối tác thông qua hợp tác đầu tư hoặc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và chống đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực cũng như trên thế giới.

Công Thương cũng là Bộ đi đầu trong kết nối doanh nghiệp nội địa với các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota triển khai các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Mối liên kết này giúp doanh nghiệp trong nước học những kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và công nghệ - hai yếu tố chính luôn biến động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bộ Công Thương triển khai thông suốt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Bộ Công Thương triển khai thông suốt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình Khuyến công quốc gia, Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối… đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh kết nối song phương, đa phương trong bối cảnh mới của “phân mảnh toàn cầu”. Trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021-2026, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Israel (VIFTA); đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Đồng thời đàm phán nâng cấp FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Australia - New Zeanland, Hàn Quốc…

Những quyết sách kịp thời của ngành Công Thương trong quản trị biến động, đón bắt mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao nội lực, đẩy mạnh kết nối song phương, đa phương đã góp phần định vị vững chắc Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu; làm tiền đề cho năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu trong bối cảnh các năm đầu kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn câùn

Lam Ngọc

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/quan-tri-su-bien-dong-trong-mot-the-gioi-phan-manh-116860.htm