Quần thể cây di sản trên núi Bo Trẳm

Nằm trên độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển, trong khu rừng tự nhiên núi đá của xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc), thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông có quần thể 11 cây nghiến đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là quần thể cây nghiến cổ thụ có đường kính từ hơn 1m đến hơn 3m, chiều cao vút ngọn từ 20 - 38m, đường kính tán từ 8 - 30m, tuổi đời từ 663 -1.433 năm, cây to nhất 6 người ôm không xuể.

Nằm trên độ cao khoảng 800 m so với mực nước biển, trong khu rừng tự nhiên núi đá của xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc), thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông có quần thể 11 cây nghiến đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là quần thể cây nghiến cổ thụ có đường kính từ hơn 1m đến hơn 3m, chiều cao vút ngọn từ 20 - 38m, đường kính tán từ 8 - 30m, tuổi đời từ 663 -1.433 năm, cây to nhất 6 người ôm không xuể.

Quần thể cây nghiến di sản trên núi Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) được lực lượng kiểm lâm và người dân chung tay bảo vệ.

Cùng cán bộ kiểm lâm Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông chúng tôi có hành trình khám phá quần thể cây nghiến trên núi Bo Trẳm. Từ UBND xã Ngổ Luông đến núi Bo Trẳm chừng 3 km. Từ chân núi nhìn lên là thấy cánh rừng nghiến vươn mình đón nắng. Song phải mất gần 1 giờ đi bộ, băng qua đoạn dốc thẳng đứng và lởm chởm đá tai mèo, chúng tôi mới tới được khu vực có những cây di sản.

Ông Bùi Văn Cung, xóm Bo Trẳm cho hay: Theo quan niệm và truyền thống của người dân nơi đây, những cây gỗ lớn tồn tại hàng trăm năm tuổi trong rừng được cho là nơi trú ngụ của thần linh hoặc là nơi trú ẩn của linh hồn những người đã khuất. Nhiều năm nay, đối với cộng đồng dân cư xóm Bo Trẳm, quần thể nghiến cổ mang tính biểu tượng cho nét văn hóa đại đoàn kết dân tộc, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người dân nên chúng tôi thường răn dạy con cháu phải biết trân trọng và bảo vệ rừng.

Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông có tổng diện tích tự nhiên 19.254 ha, diện tích quy hoạch khu bảo tồn 16.800 ha, nằm trong địa bàn 6 xã của 2 huyện Lạc Sơn và Tân Lạc. Đây là Khu BTTN có diện tích lớn nhất trong 4 khu BTTN của tỉnh Hòa Bình, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao của vùng Tây Bắc cũng như của Việt Nam. Về động vật có gần 60 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh lục đỏ IUCN (2014). Về thực vật, tổng số có 979 loài thực vật bậc cao, trong đó có 52 loài trong Sách Đỏ Việt Nam, 118 loài có tên trong Nghị định số 84/2021/NĐ-CP; 240 loài trong Danh lục Đỏ của IUCN ở các mức độ nguy cấp khác nhau…

Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích được giao, Ban Quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông đã phối hợp lực lượng kiểm lâm của 2 huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, chính quyền 6 xã, các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức tuần tra phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lập quy hoạch phát triển theo từng giai đoạn, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

Đồng chí Bùi Văn Hùng, Giám đốc Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết: Quần thể cây nghiến là tài sản quý có ý nghĩa về nguồn gen, sinh thái môi trường, cũng như gắn với nét văn hóa của người dân bản địa. Do đó, việc bảo vệ nghiêm ngặt quần thể cây nghiến nhằm bảo vệ nguồn gen, duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái, quần thể các loài thực vật, động vật và giữ được nét văn hóa tâm linh cho người dân trong khu vực là việc làm quan trọng và cần thiết. Từ đó tạo hướng phát triển mới cho người dân như: phát triển du lịch, là điểm tham quan, học tập, nghiên cứu, bảo tồn các giá trị có ý nghĩa khoa học.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của cây di sản đến nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức cùng chung sức bảo vệ rừng. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn người dân vào rừng khai thác, xâm hại đến quần thể cây nghiến nói riêng và rừng đặc dụng nói chung. Đồng thời, tiếp tục điều tra, khảo sát, lập hồ sơ các quần thể, cây gỗ lớn khác đủ tiêu chí công nhận cây di sản Việt Nam đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận để bảo tồn và phát triển.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/186522/quan-the-cay-di-san-tren-nui-bo-tram.htm