Quận Tây Hồ phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững

Với mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy những thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, quận sẽ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng.

Nâng tầm các di sản

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận.

Với mục tiêu đó, trong những năm qua, cán bộ và nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa những thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho Tây Hồ.

Quận Tây Hồ có nhiều làng nghề nổi tiếng, đây là tiềm năng, lợi thế để quận phát triển công nghiệp văn hóa.

Tây Hồ có 71 di tích, 1 di sản văn hóa phi vật thể, 5 làng nghề truyền thống, trong đó có các làng nghề nổi tiếng như đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng... Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, quận Tây Hồ chỉ đạo thực hiện rà soát, tổng hợp danh mục dự án tu bổ các di tích xuống cấp, triển khai thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Năm 2023, quận tổ chức các sự kiện văn hóa: Lễ hội xôi Phú Thượng, Hội thi quất cảnh Tứ Liên, đào Nhật Tân nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với các hoạt động vui chơi, văn hóa dân gian thu hút đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Hiện nay, quận đang triển khai thực hiện các Đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống về giấy dó, chè sen, hoa đào, quất cảnh… và tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động không gian văn hóa sáng tạo.

Quận đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”; ra mắt trang thông tin điện tử “Tây Hồ 360°”. Đồng thời, thông qua các phương tiện công nghệ thông tin trực tuyến, tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số trong ngành văn hóa, du lịch, đáp ứng nhu cầu tra cứu thông tin của người dân và khách du lịch.

Đổi mới, tạo dấu ấn, thu hút du khách

Quận Tây Hồ đang đổi mới hoạt động của Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, với điểm nhấn quan trọng nhất là các chương trình nghệ thuật biểu diễn tạo được nhiều dấu ấn đối với du khách, là nơi người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng giá trị văn hóa sẵn có…

Hoạt động văn nghệ quần chúng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn ngày càng hấp dẫn.

Để tiếp tục tăng sức hút với du khách, thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tập trung xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà còn để “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của hồ Tây. Các không gian khi được hình thành sẽ khai thác toàn diện hệ sinh thái tiềm năng tại khu vực này, đặc biệt là những giá trị văn hóa lịch sử, phù hợp điều kiện thực tiễn và xu hướng phát triển hiện nay.

Quận sẽ tổ chức kết nối các địa danh, di tích lịch sử - văn hóa, điểm du lịch xung quanh hồ Tây như bãi đá sông Hồng, thung lũng hoa, không gian văn hóa - phố đi bộ Trịnh Công Sơn để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm…

Bên cạnh đó, quận tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Võng Thị, trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia…

Quận cũng sẽ triển khai đề án “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh hồ Tây”, nhằm nhân rộng và khôi phục những hồ sen Bách Diệp với hương thơm đặc trưng của sen Tây Hồ, góp phần gìn giữ giống sen quý và duy trì nghề ướp trà sen truyền thống tại phường Quảng An... Đó chính là nền tảng để quận Tây Hồ phát triển thêm những không gian văn hóa sáng tạo mới.

“Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian tới, quận Tây Hồ tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận, giai đoạn 2021 - 2025”; Tập trung thực hiện Đề án “Chuyển đổi số và xây dựng quận Tây Hồ thông minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn quận, từ đó tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp văn hóa xứng tầm với lợi thế sẵn có”, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-tay-ho-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-theo-huong-ben-vung-167543.html