QUAN TÂM XEM XÉT, GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI CÁC KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương, năm 2024, thực hiện nhiệm vụ được giao, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tích cực, chủ động nghiên cứu đóng góp các ý kiến xây dựng pháp luật; đồng thời đổi mới công tác tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan đối với các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 7, Đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào 09 luật và 01 nghị quyết dự kiến được Quốc hội thông qua và 09 dự án luật cho ý kiến lần đầu.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng tổ chức lấy ý kiến góp ý, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng chủ động nghiên cứu đối với 11 dự án luật. Các đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự các hội nghị, hội thảo của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội về việc lấy ý kiến tham gia đối với các dự án luật trình Quốc hội.

Về hoạt động giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương cho biết, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8; Chủ động nghiên cứu tham gia chất vấn và trả lời chất vấn về Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh năm 2024 tại địa phương và tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có buổi giám sát tại huyện Chư Sê về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”

Về việc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan có liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ, tiếp xúc cử tri chuyên đề trước và sau Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Rà soát, đôn đốc các cơ quan có liên quan giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri đã phản ánh trong các đợt tiếp xúc cử tri. Phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đưa tin về hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đăng tải nội dung trả lời kiến nghị của cử tri của các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan ở địa phương.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý đơn và theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thường xuyên tại Trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương, qua thực tế hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đó là việc gửi tài liệu kỳ họp cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu còn chậm trong khi khối lượng tài liệu của mỗi kỳ họp rất lớn, dẫn đến một số vấn đề trong các dự án luật, các báo cáo chưa được đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng.

Việc triển khai các nội dung giám sát chuyên đề do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thường tập trung chủ yếu trong những tháng đầu năm, tiến độ hoàn thành phải theo yêu cầu trong thời gian ngắn, dẫn đến không thể thực hiện giám sát trực tiếp tất cả các nội dung, nên có nội dung phải tiến hành giám sát qua báo cáo.

Các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề thường tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; đại biểu Quốc hội chưa sắp xếp được thời gian để thực hiện chương trình giám sát, khảo sát riêng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đại biểu Siu Hương, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Hoạt động giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng còn hạn chế nhất định, kết quả giám sát đôi lúc hiệu quả chưa cao. Một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của hoạt động giám sát, nội dung báo cáo chưa bảo đảm theo đề cương và gửi báo cáo chưa đúng thời gian theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chất lượng kiến nghị của cử tri ở một số huyện, xã còn hạn chế. Hầu hết các ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã nêu tại hội nghị tiếp xúc cử tri là vấn đề cụ thể ở cơ sở hoặc quyền lợi cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và xã; liên quan việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Có ít kiến nghị về cơ chế, chính sách, pháp luật…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai kiến nghị, ngoài các nội dung giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề các nội dung riêng và có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có liên quan, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết, trả lời của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, nghiên cứu, khai thác, sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri.

Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri trong thời hạn 60 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84789