Quan tâm nâng lương cho giáo viên hợp đồng định mức

Mặc dù đã chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024 nhưng nhiều trường chưa hợp đồng được với giáo viên, nhân viên, nguyên nhân là do mức thuê khoán còn thấp.

Trường Mầm non số 1 Hóa Thượng (Đồng Hỷ) phải thuê thêm một số giáo viên hợp đồng để đảm bảo việc dạy học và chăm sóc trẻ.

Để đảm bảo việc dạy học và chăm sóc trẻ, năm học 2022-2023, Trường Mầm non thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) phải thuê khoán 10 người (5 giáo viên, 5 nhân viên nấu ăn). Trong số 5 giáo viên thuê khoán có 2 cô là giáo viên đã nghỉ hưu.

Năm học 2023-2024, Nhà trường dự kiến tăng khoảng 10 học sinh so với năm học trước. Trong khi đó, 2 giáo viên nghỉ hưu dạy hợp đồng định mức năm trước đã xin nghỉ. Song đến nay, Trường mới có 1 giáo viên xin dạy hợp đồng trong năm học mới.

Cô Đặng Hồng Phúc, giáo viên xin dạy hợp đồng tại Trường Mầm non thị trấn Sông Cầu từ năm học này, bày tỏ: Tôi ký hợp đồng với mức lương thuê khoán 4,9 triệu đồng/tháng, được trả 10 tháng/năm, nghỉ hè không có lương. Như vậy, sau khi trừ chi phí xăng xe, tiền ăn uống, tiền đóng bảo hiểm tự nguyện 300 nghìn đồng/tháng, tôi không có tích lũy.

Còn tại Trường Mầm non Quang Trung (TP. Thái Nguyên), cuối năm học 2022-2023, Nhà trường có 2 giáo viên nghỉ hưu và hiện còn 33 biên chế. Theo định mức năm học mới, Trường sẽ phải hợp đồng với 31 giáo viên, nhân viên nấu ăn.

Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung, cho hay: Giáo viên thuê khoán chỉ nhận được tiền công 10 tháng/năm, không được hỗ trợ đóng bảo hiểm, nghỉ hè không có lương. Vì thế, nhiều trường hợp khi tìm được công việc khác sau nghỉ hè, họ không quay trở lại trường làm việc, khiến các cơ sở giáo dục rất bị động trong thực hiện kế hoạch dạy học.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, từ nguồn ngân sách, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ trên 367 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, với 5.775 định mức giáo viên và 1.914 định mức nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non. Song hiện nay, biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh còn thiếu khoảng 4.201 biên chế. Do vậy, để đủ giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục, thì cơ chế thuê khoán vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người lao động thực hiện nhiệm vụ dạy học, nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, phổ thông công lập, ngày 27/6/2023, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc xây dựng nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND tỉnh.

Theo đó, đề xuất sửa đổi Điều 2 trong Nghị quyết số 24, nâng mức hỗ trợ kinh phí đối với giáo viên hợp đồng tại các cấp học và nhân viên nấu ăn tại cấp học mầm non từ tổng hệ số nhân với 1,49 triệu đồng (mức lương cơ sở cũ) lên mức lương cơ sở hiện hành 1, 8 triệu đồng. Mong mỏi lớn nhất của đông đảo cử tri là việc sửa đổi Nghị quyết này sớm được thông qua giúp đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng định mức tăng thêm thu nhập, gắn bó với nghề.

Theo Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập, hiện nay, một định mức khoán giáo viên mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo) được hỗ trợ 4,9 triệu đồng/tháng; một định mức khoán giáo viên tiểu học được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/tháng; giáo viên THCS, THPT được hỗ trợ 5,3 triệu đồng/tháng; một định mức nấu ăn được hỗ trợ 3,5 triệu đồng/tháng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202308/quan-tam-nang-luong-cho-giao-vien-hop-dong-dinh-muc-bc40dfe/