Quan tâm hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa kết thúc đợt giám sát về tình hình triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh giai đoạn 2019-2023.

Ông Phạm Ngọc Công

Báo Phú Yên trao đổi với ông Phạm Ngọc Công, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát xoay quanh nội dung này.

* Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT, đoàn đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT và công tác khám chữa bệnh đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT. Công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ về thẻ BHYT và khám chữa bệnh BHYT. Người dân từng bước ý thức việc tham gia BHYT là để bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình nếu không may bị bệnh, nên đã chủ động tham gia.

Một số kết quả nổi bật, như: Tỉ lệ người dân tham gia BHYT tăng qua từng năm. Công tác phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách đã được các cấp, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Việc quản lý, báo tăng, báo giảm và đề nghị cấp thẻ được thực hiện trên hệ thống dữ liệu quản lý theo địa bàn thôn, buôn. Việc phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh được ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, bao gồm 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến huyện và Bệnh viện Công an tỉnh; 1 phòng khám đa khoa và 1 phòng khám chuyên khoa theo đúng quy định. Ngành BHXH tỉnh đã tuân thủ, thực hiện công tác giám định theo đúng quy định; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trong kiểm tra thủ tục, giải thích các vướng mắc phát sinh về thực hiện khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT nói chung và người DTTS nói riêng. Các cơ sở khám chữa bệnh công lập được ký kết hợp đồng khám chữa bệnh BHYT luôn được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ đầu tư nguồn lực để sửa chữa, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở các trạm y tế xã. Công tác hỗ trợ cho người bệnh là hộ nghèo, người DTTS tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm.

* Thưa ông, bên cạnh những kết quả đạt được, tồn tại những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nào?

- Thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT, toàn tỉnh giảm 31.413 người tham gia BHYT, trong đó người DTTS bị ảnh hưởng không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT là 17.241 người. Sự thay đổi chính sách này đã ảnh hưởng lớn đến đối tượng không còn được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT. Với mức thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS hiện nay còn rất thấp, nếu không được cấp thẻ BHYT thì chi phí dành cho khám chữa bệnh sẽ là gánh nặng của gia đình; nhiều người DTTS không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao, đồng thời ảnh hưởng lớn đến chính sách giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT có lúc, có nơi còn hạn chế do các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Ý thức của một bộ phận người dân, nhất là người đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế, có tư tưởng chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa thật sự tự giác tham gia BHYT. Công tác kiểm tra, rà soát, xác định thông tin cá nhân đối tượng tham gia BHYT của cán bộ cơ sở chưa thật sự chặt chẽ, còn tình trạng sai sót thông tin, dẫn đến phải cấp, đổi lại thẻ BHYT. Nhiều trường hợp người DTTS có thẻ BHYT đi khám bệnh vẫn thường xuyên thiếu giấy tờ tùy thân có ảnh, giấy chuyển viện… gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện; khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh có chất lượng còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực tuy đã được quan tâm đầu tư khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) khám bệnh cho người đồng bào dân tộc. Ảnh: VĂN THÙY

* Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào để khắc phục hạn chế trên?

- Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về BHYT đối với người DTTS thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ BHYT, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh 6 vấn đề.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 146 theo hướng bổ sung hỗ trợ mức đóng BHYT cho người DTTS sống ở các xã khu vực I theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, xã không xác định khu vực tại Quyết định 861; ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp tục được hưởng chính sách BHYT tại các xã, thôn không còn trong danh sách được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ BHYT thuộc Quyết định 861 và Quyết định 612.

Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, quyết liệt, phấn đấu đạt chỉ tiêu về tỉ lệ bao phủ BHYT của tỉnh hàng năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 546.

Thứ ba, chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người DTTS tham gia thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHYT.

Thứ tư, chỉ đạo Sở Y tế tăng cường chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh triển khai các giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ người bệnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Thứ năm, chỉ đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thống kê, lập danh sách đối tượng người DTTS tham gia BHYT đảm bảo kịp thời, thống nhất thông tin cá nhân với các giấy tờ tùy thân, hạn chế tình trạng sai sót thông tin thẻ BHYT; chủ động phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường phát huy cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng và tăng dần tỉ lệ danh mục dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Thứ sáu, đề nghị BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu được tính ưu việt, thấy được sự cần thiết của chính sách BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn; đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót trong công tác thanh quyết toán BHYT ở các địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

PHẠM THÙY (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/308192/quan-tam-ho-tro-bao-hiem-y-te-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html