Quan tâm đến công tác lưu trữ ở cấp xã

Tại phiên thảo luận chiều nay, 27.11, về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm đến công tác lưu trữ ở cấp xã trong bối cảnh công tác lưu trữ cấp xã còn nhiều bất cập, không được bảo quản theo đúng quy định, khi cần tìm tài liệu rất khó tìm kiếm, có khi không tìm thấy.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Sáu, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Nhiều tư liệu lưu trữ cấp xã là tài liệu gốc làm cơ sở dữ liệu quốc gia

ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, thực trạng công tác lưu trữ tại cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu rất khó tìm kiếm, có khi không tìm thấy, trong khi cấp xã đang lưu trữ những tài liệu liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu.

ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Do vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị dự thảo Luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ tại cấp xã. Theo đó, nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã; có thể không thành lập một bộ phận chuyên trách nhưng giao cho Văn phòng UBND huyện tổ chức lưu trữ đối với các tài liệu lưu trữ thuộc diện lưu trữ mang tính chất lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến công dân từ cấp xã chuyển lên cấp huyện. Đồng thời cần quan tâm quy định cụ thể hơn về biên chế công chức và nguồn lực vật chất, chế độ chính sách cho người làm công tác văn thư lưu trữ, cơ sở vật chất để lưu trữ tài liệu.

Dự thảo Luật không quy định tài liệu lưu trữ của cấp xã là nguồn nộp lưu tài liệu và lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An), hiện nay ở cấp xã, khối lượng tài liệu hình thành rất lớn, trong đó có nhiều tài liệu gốc làm cơ sở dữ liệu quốc gia như hồ sơ hộ tịch, dân số và tư pháp… Ngoài ra, trong khối tài liệu cấp xã còn có tài liệu thuộc diện mật.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) phát biểu

Trong khi đó, điều kiện quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã chưa bảo đảm, dù có quy định về kho lưu trữ và tổ chức thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ ở cấp xã, nhưng không triển khai được, nguyên nhân chủ yếu do không có kinh phí, mặt bằng và không có nhân lực chuyên trách; hoặc có cán bộ phụ trách nhưng không có chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ. Cùng với đó, theo quy định, kho lưu trữ số không bố trí ở cấp xã, dẫn đến việc bảo quản tài liệu lưu trữ không được đảm bảo. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị, cân nhắc bổ sung quy định tài liệu lưu trữ ở các xã cũng là nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Cân nhắc kỹ quy định về việc hủy tài liệu lưu trữ

Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật quy định việc hủy tài liệu đối với tài liệu lưu trữ hết giá trị, trong đó bao gồm tài liệu lưu trữ bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi. ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, theo quy định này, tài liệu bị hủy có thể bao gồm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, nhưng bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi.

ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, tại Điều 12 dự thảo Luật quy định, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu có giá trị, tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc, quá trình hình thành, xác lập, thực thi chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vật mang tin, hình thức trình bày độc đáo, có tính thẩm mỹ, nghệ thuật, kỹ thuật, phương pháp chế tác độc đáo, tiêu biểu, điển hình cho thời kỳ lịch sử, hình thành trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt về thời gian, địa điểm, tác giả…

Đại biểu Nguyễn Danh Tú nêu quan điểm, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là những tài liệu đặc biệt quan trọng, dù có thể bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi, nhưng những phần còn lại của tài liệu đó vẫn có ý nghĩa, giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, chứng tích, di sản lưu trữ về những giai đoạn lịch sử, sự kiện, con người. Nếu hủy những tài liệu này, sẽ mất mãi mãi những tài liệu quý đó.

"Sẽ rất ý nghĩa nếu trưng bày tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, mặc dù bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi bên cạnh bản tài liệu dự phòng của tài liệu đó, với những thông tin bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác, đầy đủ. Đề nghị, dự thảo Luật cần quy định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, dù bị hỏng nặng, không có khả năng phục hồi, vẫn cần tiếp tục lưu trữ, chuyển sang bảo tàng để lưu giữ, trưng bày, tiếp tục phát huy giá trị của các tài liệu đó và không hủy những tài liệu quý này", đại biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung quy định về Hội đồng thẩm tra tài liệu hết giá trị tại lưu trữ cơ quan và hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật Nhà nước tại lưu trữ cơ quan để các cơ quan, đơn vị có căn cứ thực hiện trong thực tiễn.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quan-tam-den-cong-tac-luu-tru-o-cap-xa-i351773/