Quan tâm đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc

Một trong những nội dung trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2024 là thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc, bên cạnh các hoạt động về đối thoại, thương lượng liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...

Ảnh minh họa.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tháng 5 vừa là Tháng Công nhân, đồng thời là Tháng Hành động về an toàn vệ sinh, lao động – tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.

TUÂN THỦ NGHIÊM CÁC QUY TRÌNH AN TOÀN LAO ĐỘNG

Đặc biệt, sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Yên Bái vừa qua, công tác an toàn lao động tiếp tục cần được thực thi có hiệu quả hơn.

Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết nhìn chung các doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh lao động, và đã có những quy định trong vấn đề này được ban hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, việc tập huấn cũng như tăng cường công tác an toàn lao động vẫn có những gián đoạn, đặc biệt trong thời gian dịch Covid 19, nên còn xảy ra các vụ tai nạn lao động.

Vì thế, trong thời điểm hiện nay, vấn đề an toàn lao động cần được tăng cường hơn nữa, từ thông tin tuyên truyền, huấn luyện, đến kiểm tra giám sát, để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Theo bà Ngân, từ các vụ tai nạn lao động xảy ra đều gắn liền trực tiếp với việc thực hiện công việc, cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc ở một số nơi còn chưa tốt.

Có nhiều nguyên nhân gây ra rủi ro trong quá trình lao động, đặc biệt là ở những ngành nghề có nguy cơ cao như khai khoáng, ngành than, hay thậm chí ngành dệt may. Do đó, ý thức trách nhiệm trong công tác an toàn tại nơi làm việc cần được nâng cao hơn nữa. Đặc biệt trong vận hành các máy móc thiết bị có nguy cơ cao về an toàn lao động, cần đảm bảo nghiêm quy trình vận hành, kiểm tra định kỳ.

"Trong quá trình vận hành này, cũng cần đảm bảo quy trình từ thông báo, biển báo, các bước thực hiện, không có bước thừa trong quy trình kỹ thuật đã đề ra. Người lao động thực hiện không được lơ là, chủ quan, nhất là không làm tắt khâu nào. Cùng với đó, cần tập huấn thường xuyên để nâng cao kỹ năng xử lý các sự cố khi mất an toàn lao động”, bà Ngân lưu ý.

TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cũng thông tin, từ vụ việc xảy ra tại Yên Bái, cho thấy khi một hệ thống công nghệ vận hành phải tuân thủ rất nhiều quy định pháp luật, trước tiên là Luật An toàn vệ sinh lao động, sau đó là quy chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn.

Theo ông Thơ, với những công việc trong không gian hạn chế bắt buộc phải tập huấn, huấn luyện cho người lao động các phương án, kỹ năng, quy trình thành thạo. Bên cạnh đó, buộc phải có phương án khẩn cấp, có giám sát an toàn đứng bên cạnh, khi xảy ra bất kỳ sự cố nào đều phải khắc phục, kiểm soát được ngay.

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM DOANH NGHIỆP TRONG THỰC THI CÔNG TÁC AN TOÀN LAO ĐỘNG

Lãnh đạo Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động cũng nhìn nhận, với những vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian qua, cho thấy dù hệ thống pháp luật đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên ở đâu đó công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khả năng tài chính hạn chế, không đủ phương tiện, hệ thống công nghệ chất lượng để đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường lao động, khắc phục được những yếu tố hiểm họa cho người lao động. Hơn nữa, sau nhiều năm, các hệ thống công nghệ sử dụng bắt đầu xuất hiện những rủi ro thường trực.

Vì thế, để đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Hồ Thị Kim Ngân, cho biết trong Tháng Công nhân cũng như Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm nay, tổ chức Công đoàn đã ban hành hướng dẫn thực hiện đến tất cả các cấp công đoàn, tăng cường truyền thông.

Đây là tháng hành động cao điểm để chăm lo cho người lao động cả về vật chất và tinh thần, cũng như đảm bảo vấn đề sức khỏe an toàn cho người lao động, trong đó có các chương trình như: Chăm lo sức khỏe cho người lao động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về công tác an toàn lao động để người lao động hiểu được các quy định pháp luật, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện công tác này, từ đó nâng cao ý thức hơn nữa.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng tổ chức các tọa đàm, đối thoại chuyên đề về tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tập huấn các kỹ năng cần thiết để xử lí khi gặp sự cố; tiếp xúc cử tri giữa các đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương với công nhân lao động, nhằm lắng nghe các ý kiến, nguyện vọng của người lao động để truyền tải đến Quốc hội, cũng như trong quá trình tham gia xây dựng luật.

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường các đối thoại, thương lượng liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động tại nơi làm việc.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quan-tam-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-lao-dong-tai-noi-lam-viec.htm