Quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được các cấp, ngành liên quan của tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực. Qua đó giúp bà mẹ, trẻ em được tiếp cận các dịch vụ CSSK hiện đại, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS.

Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn tiến hành lấy máu gót chân cho trẻ

Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn tiến hành lấy máu gót chân cho trẻ

CSSK cho bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS là một trong những mục tiêu quan trọng đề ra theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững sau năm 2015. Lạng Sơn có trên 80% bà con là người DTTS, những năm qua, các cấp, ngành quan tâm đã quan tâm đầu tư, dành nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nâng cao sức khỏe cho người dân, trong đó có công tác CSSK bà mẹ, trẻ em với các giải pháp như: thực hiện hoạt động bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về CSSK cho mẹ và bé, tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế; tầm soát, sàng lọc bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho trẻ…

Theo đó, hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em; duy trì bổ sung đa vi chất hoặc viên sắt cho phụ nữ mang thai; theo dõi tăng trưởng, bổ sung vitamin A, viên đa vi chất cho trẻ dưới 5 tuổi…

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều tham mưu với cấp trên ban hành các kế hoạch để thực hiện chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Hiện, 11/11 huyện, thành phố triển khai bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Từ đầu năm 2022 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với các huyện triển khai bổ sung đa vi chất cho gần 2.900 trẻ em; bổ sung vitamin A cho gần 42.000 trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi; trên 14.200 phụ nữ có thai được bổ sung viên đa vi chất; 12.300 phụ nữ mang thai được tiêm phòng uống ván…

Công tác CSSK bà mẹ, trẻ em vùng DTTS còn được thực hiện thông qua đề án “Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh”. Theo đề án, phụ nữ mang thai, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, DTTS, miền núi được sàng lọc trước sinh miễn phí, trẻ em được sàng lọc sơ sinh miễn phí gói 4 bệnh như: thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh… Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có trên 14.600 bà mẹ mang thai được tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh; trên 7.550 trẻ được thực hiện sàng lọc sơ sinh. Qua đó đã giúp phát hiện gần 200 mẫu nguy cơ cao với các bệnh.

Chị Lộc Thị Minh, thôn Bản Quyến, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Ngay từ khi mang thai bé đầu tiên (năm 2015) tôi đã được cán bộ trạm y tế xã tư vấn về chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống, sinh hoạt để có một thai kỳ khỏe mạnh. Khi sinh bé thứ 2 (cuối năm 2021), được các y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện tư vấn, tôi đã quyết định thực hiện gói sàng lọc sơ sinh 8 bệnh + các bệnh Hemoglobin cho con. Chỉ với vài trăm nghìn đồng, vợ chồng tôi có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời nếu như chẳng may con mắc bệnh, dị tật.

Hiện nay, mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ vùng đồng bào DTTS ngày càng đáp ứng yêu cầu cơ bản về CSSK cho bà mẹ, trẻ em. Đơn cử như việc đỡ đẻ cho thai phụ tại cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ ca sinh của phụ nữ DTTS được cán bộ y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,5% (tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2022).

Bà Dương Thị Hà, Trưởng Trạm y tế xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn cho biết: Trấn Yên là xã vùng III, … do điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn nên hiện vẫn còn một số trường hợp chuyển dạ sớm, phải sinh con tại nhà, đặc biệt là xảy ra đối với người dân ở các thôn như Lân Hoèn, Lân Cà. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, khi có thông báo của người dân, chúng tôi lập tức cử cán bộ y tế có trình độ đến tận nhà để đỡ đẻ, hướng dẫn thai phụ và gia đình cách CSSK cho trẻ tại nhà.

Cùng với các giải pháp trên, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em DTTS cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, hằng năm, các cấp ngành đã tổ chức truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe cho trên 7.700 lượt phụ nữ mang thai; các cơ quan dân số trên địa bàn tổ chức thăm gần 4.800 hộ, tuyên truyền cho gần 6.000 lượt bà mẹ về CSSK sinh sản; 6 tháng đầu năm 2023, có gần 1.050 lượt cán bộ dinh dưỡng tuyến cơ sở, trên 24.000 lượt bà mẹ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ em…

Với các giải pháp trên, công tác CSSK bà mẹ, trẻ em vùng đồng bào DTTS đã dần được cải thiện. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm dần qua từng năm: năm 2022 là 12,33%, 6 tháng đầu năm 2023 là 11,49% (giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 16,82% (năm 2022), 6 tháng đầu năm giảm còn 15,93% (giảm 0,91% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ phụ nữ DTTS được khám thai từ 3 lần trở lên đạt 80% (vượt 5% so với kế hoạch giao); tỷ lệ phụ nữ được bổ sung viên đa vi chất hằng năm đạt trên 85%.

DƯƠNG KIM – TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/599247-quan-tam-cham-soc-suc-khoe-ba-me-tre-em-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html