Quân sự thế giới hôm nay (8-5): Thổ Nhĩ Kỳ từ chối gửi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Ukraine

Quân sự thế giới hôm nay (8-5): Thổ Nhĩ Kỳ từ chối gửi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Ukraine theo đề nghị của Mỹ; nhóm tàu tác chiến sân bay Sơn Đông của Trung Quốc lần đầu tiên diễn tập xa bờ; Hải quân Mỹ tiếp tục phát triển khinh hạm sau 35 năm gián đoạn.

* Hải quân Mỹ tiếp tục phát triển khinh hạm sau 35 năm gián đoạn

Công ty đóng tàu Fincantieri Marinette Marine đã bắt đầu đóng tàu khinh hạm lớp Constellation đầu tiên cho Hải quân Mỹ với các thủ tục đầu tiên diễn ra tại nhà máy đóng tàu Wisconsin, dự kiến sẽ đặt ky cho khinh hạm USS Constellation vào tháng 8 này.

Đây sẽ là khinh hạm đầu tiên Hải quân Mỹ phát triển kể từ khi khinh hạm cuối cùng lớp Oliver Hazard Perry, đánh dấu sự trở lại của một lớp tàu chiến hạng nhẹ, nhỏ nhưng linh hoạt hoạt động trong lực lượng hải quân. Để hiện thực hóa tham vọng của mình đối với khinh hạm lớp Constellation, Hải quân Mỹ hiện đang áp dụng những bài học có được từ các chương trình phát triển tàu chiến nổi tiếng gần đây, bao gồm cả những vướng mắc do chi phí quá cao, hay tốn quá nhiều thời gian để phát triển...

Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry cuối cùng của Hải quân Mỹ được loại biên vào năm 2015. Ảnh: Hải quân Mỹ

Khinh hạm lớp Constellation có thân tàu dài 151m, cho phép lắp các máy phát điện lớn hơn và có thể được nâng cấp trong tương lai, lượng giãn nước 7.291 tấn và có thể mang theo đội hình 200 binh sĩ. Tàu được trang bị 32 ô phóng thẳng đứng Mark 41 cho hệ thống tên lửa RIM-162 Evolved Sea Sparrow và tên lửa đất đối không SM-2 Block IIIC. Tàu cũng được trang bị tối đa 16 tên lửa chống hạm NSM, một pháo Mk 110 57mm ở mũi tàu và một bệ phóng tên lửa dẫn đường Mk 49 với 21 đạn tên lửa Rolling Airframe ở đuôi tàu.

Khinh hạm như Constellation hiện nay chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ các đội tàu khu trục và các nhóm tác chiến tàu sân bay bằng cách thực hiện các nhiệm vụ hộ tống, chống tàu ngầm, phòng không và chống một số lớp tàu mặt nước.

* Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đề nghị của Mỹ muốn nước này gửi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Ukraine

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Mỹ yêu cầu chúng tôi gửi hệ thống S-400 tới Ukraine, nhưng chúng tôi đã từ chối yêu cầu này”. Ông Cavusoglu cũng cho biết thêm rằng những đề xuất như vậy là không thể chấp nhận được vì chúng ảnh hưởng tới chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga là câu chuyện gây tranh cãi giữa nước này với Mỹ và NATO trong nhiều năm qua khi Mỹ và NATO cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh và khả năng tương tác trong hoạt động quân sự của NATO do hệ thống S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của khối và thông tin nhạy cảm có thể bị lộ lọt cho phía Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối gửi hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Ukraine theo đề nghị của Mỹ. Ảnh: Reuters

Đồng thời với những tranh cãi đó, Mỹ đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm việc không cho nước này tham gia chương trình mua sắm máy bay chiến đấu F-35 và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan. Căng thẳng liên quan hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đã làm mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO xấu đi, đồng thời đặt ra những nghi vấn về liên kết chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Khi được hỏi về khả năng quay trở lại chương trình mua sắm chiến đấu cơ F-35, ông Cavusoglu cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ không muốn quay lại với chương trình F-35 mà muốn Washington hoàn lại số tiền Ankara đã trả trước khi bị loại khỏi chương trình khi mà các máy bay chiến đấu này sẽ không còn bao giờ được bàn giao cho chúng tôi nữa”.

Ông Cavusoglu cũng nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và hiện đang quan tâm tới việc mua F-16 và bộ nâng cấp cho máy bay chiến đấu này. Trước đó, vào tháng 10-2021, Ankara đã đề xuất Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16 và bộ nâng cấp với hợp đồng trị giá 6 tỷ USD, mua mới 40 máy bay chiến đấu F-16 và bộ nâng cấp hiện đại hóa cho 79 chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ hiện có trong biên chế.

Trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Quốc hội Mỹ đã phản đối đề nghị này do chính sách đối ngoại gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tàu sân bay Sơn Đông. Ảnh: Quân đội Trung Quốc

* Theo Hải quân Trung Quốc, nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông vừa kết thúc cuộc diễn tập xa bờ đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương, phối hợp hoạt động tác chiếc giữa các lực lượng tên lửa, lực lượng không quân trên bộ và các đơn vị tác chiến mặt nước khác.

Cụ thể, các lực lượng thuộc nhóm tàu tác chiến đã vận hành các tên lửa chống hạm như DF-21D và DF-26 có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển cỡ lớn và trung bình. 4 máy bay ném bom H-6J/K có khả năng mang tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa chống hạm và tên lửa siêu thanh cũng đã được huy động vào cuộc diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay.

Theo những hình ảnh Hải quân Trung Quốc công bố, nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông bao gồm tàu sân bay Sơn Đông, tàu khu trục hạng nặng Type 055 Yan'an, 2 tàu khu trục Type 052D, 2 khinh hạm Type 054A và một tàu hậu cần Type 901.

Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

QUÝ CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-8-5-tho-nhi-ky-tu-choi-gui-he-thong-phong-thu-ten-lua-s-400-toi-ukraine-727370