Quân sự thế giới hôm nay (30-9): Iran muốn hiện diện quân sự tại Nam Cực

Quân sự thế giới hôm nay (30-9-2023) có những thông tin chính sau: Iran muốn hiện diện quân sự tại Nam Cực, Lục quân Mỹ xúc tiến phát triển phương tiện chiến đấu robot, Không quân Philippines tăng cường năng lực trinh sát...

* Iran muốn hiện diện quân sự tại Nam Cực

Tehran Times cho biết, trong một bài phát biểu trước báo giới, Chuẩn Đô đốc Shahram Irani, Tư lệnh Hải quân Iran cho biết lực lượng này muốn thiết lập một cơ sở thường trực để thực hiện các hoạt động quân sự và nghiên cứu khoa học tại Nam Cực.

Tàu hỗ trợ hậu cần Makran của Hải quân Iran vừa hoàn thành sứ mệnh lịch sử vòng quanh thế giới. Ảnh: IRNA

“Kế hoạch trong tương lai của chúng tôi là treo quốc kỳ Iran ở Nam Cực và triển khai những nỗ lực hợp tác quân sự và khoa học trong khu vực đó theo đường lối mà lãnh tụ tối cao Seyed Ali Khamenei vạch ra”, Tehran Times dẫn lời Tư lệnh Hải quân Iran.

Theo Chuẩn Đô đốc Shahram Irani, mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng như vậy thể hiện tiềm năng to lớn của Hải quân Iran, khẳng định lực lượng này đã vượt qua rất nhiều khó khăn cũng như rào cản để bắt đầu thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên toàn cầu.

Clip giới thiệu về tàu hỗ trợ hậu cần Makran của Hải quân Iran. Nguồn: Thunderous

Một trong những cột mốc đáng chú ý nhất của Hải quân Iran là Đội tàu số 86 gồm tàu khu trục Dena và tàu hỗ trợ hậu cần Makran do Tehran tự đóng vào cuối tháng 5 vừa qua đã hoàn thành chuyến đi lịch sử vòng quanh thế giới kéo dài 8 tháng, với hải trình 65.000km qua Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương mà không sử dụng các dịch vụ hậu cần trên bờ. Đây được coi là một sứ mệnh lịch sử chưa từng có của hải quân nước này nhằm mở rộng sự hiện diện trên các vùng biển quốc tế, đồng thời thử sức chịu đựng đối với lớp vỏ thép của tàu khu trục Dena.

Trong những năm gần đây, cùng với các nỗ lực quốc tế chống cướp biển, Hải quân Iran đã tiến hành các cuộc tuần tra ở vịnh Aden và Ấn Độ Dương để bảo đảm an ninh cho các tàu hàng và tàu chở dầu do nước này hay các quốc gia khác sở hữu hoặc thuê.

* Lục quân Mỹ xúc tiến phát triển phương tiện chiến đấu robot

Army Technology đưa tin, Lục quân Mỹ đã trao hợp đồng để nhà thầu quốc phòng Oshkosh Defense xây dựng hai nguyên mẫu trong dự án phát triển phương tiện chiến đấu robot (RCV) trong tương lai của lực lượng này.

Lục quân Mỹ đang đầu tư nghiên cứu thêm nhiều phương án phát triển phương tiện chiến đấu robot (RCV) trong tương lai. Ảnh: Popular Mechanics

Theo đó, Lục quân Mỹ dự kiến triển khai các nền tảng RCV cho nhiệm vụ trinh sát và hộ tống những phương tiện chiến đấu có người lái trên thực địa. Trong tình huống chiến đấu, RVC còn đảm nhiệm ngăn chặn các cuộc phục kích và bảo vệ hai bên sườn của đội hình xe cơ giới.

Hiện giá trị thương vụ chưa được tiết lộ nhưng thời hạn sẽ kéo dài đến tháng 8-2024. Sau đó, Lục quân Mỹ sẽ lựa chọn phương án khả thi nhất để tiếp tục đi vào giai đoạn phát triển tiếp theo.

Những năm gần đây, các phương tiện tự hành, bao gồm RVC, được nghiên cứu, thiết kế để sở hữu nhiều mức tải trọng khác nhau và tích hợp các hệ thống vũ khí hiện đại theo hướng mở, dễ nâng cấp và lắp thêm khí tài. Trước mắt, Oshkosh Defense sẽ giới thiệu một nguyên mẫu RVC tại hội thảo và triển lãm thường niên của Hiệp hội Quân sự Mỹ (AUSA) dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10 tới đây.

* Không quân Philippines tăng cường năng lực trinh sát, giám sát

Theo Asian Military Review, Không quân Philippines (PAF) mới đây đã đưa vào biên chế chiếc máy bay Cessna-208B (C-208B) Grand Caravan EX thứ ba để phục vụ nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).

Lễ tiếp nhận chiếc C-208B thứ ba của Không quân Philippines. Ảnh: PAF

Chiếc máy bay này sẽ được vận hành bởi Đội An ninh và Tình báo Hàng không số 300 (AISW) của PAF trong hỗ trợ các hoạt động bảo đảm an ninh nội bộ, bảo vệ lãnh thổ cũng như các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa (HADR). Nó cũng sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ chống khủng bố và thực thi pháp luật.

Đây là hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ theo hợp đồng Tài trợ quân sự nước ngoài (FMS) - thông qua thỏa thuận với chính phủ nước ngoài và bên trung gian (DSCA) - với công ty MAG Aerospace của Mỹ. Trước đó hai chiếc đầu tiên được Washington bàn giao cho PAF vào năm 2017.

Thực chất, C-208B được phát triển dựa trên mẫu máy bay chở khách cánh cố định cỡ nhỏ C-208 Caravan. Máy bay có chiều dài 11,5m, sải cánh 16m, chiều cao 4,5m, trang bị động cơ một cánh quạt mới mạnh hơn (Pratt&Whitney Canada PT6A-140A) cho tốc độ tối đa gần 350km/giờ, trần bay 7.600m, tầm bay khoảng 1.980km. Máy bay được lắp các thiết bị ISR do hãng MAG Aerospace đảm nhiệm.

MINH ANH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-30-9-iran-muon-hien-dien-quan-su-tai-nam-cuc-744965