Quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro để tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, thực hiện quyết liệt trong bối cảnh số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Chia sẻ tại Hội thảo “Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số” diễn ra sáng nay (13/5), bà Nguyễn Thị Cúc cho hay, quản lý tuân thủ thuế đang là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cụ thể, tại Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2022 về phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” đã đặt mục tiêu, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, đồng bộ, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước đảm bảo tính bền vững, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng: Mở rộng cơ sở thuế; huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, trung lập của chính sách thuế; đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam.

Các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thể chế quản lý thuế tiếp tục hoàn thiện để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ quan thuế Việt Nam hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế đã đề ra.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin. Cụ thể áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế; tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực.

Theo bà Cúc, số lượng doanh nghiệp, người nộp thuế ngày càng tăng trưởng, về số lượng cũng như đa dạng hóa phương thức kinh doanh trong đó có thương mại điện tử trong lúc số lượng, biên chế công chức thuế có hạn, yêu cầu phải nâng cao tính tự nguyện, tuân thủ của người nộp thuế.

Phương pháp quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ

Chia sẻ về các phương pháp quản lý thuế, Chủ tịch VTCA cho hay, quản lý thuế theo phương pháp phân tích rủi ro, đánh giá tuân thủ người nộp thuế là phương pháp quản lý thuế hiện đại, nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả cao, giúp giảm chi phí quản lý cho cơ quan thuế và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.

Bà Cúc dẫn chứng, theo quy định của Luật Quản lý thuế, rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả. Thông qua phân tích rủi ro để cơ quan thuế phân loại mức độ tuân thủ người nộp thuế từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam tham dự Hội thảo "Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số".

Theo lãnh đạo VTCA, cơ quan thuế được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu của cơ quan quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong công tác quản lý thuế. Xuyên suốt từ khâu cấp, sử dụng mã số thuế (MST) của người nộp thuế, đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế, khai thác, ứng dụng CNTT trong thanh tra, kiểm tra…

Bà Cúc cho rằng, chất lượng tuân thủ của người nộp thuế trong thực thi cũng thể hiện chất lượng tổ chức quản lý thực thi pháp luật thuế, tác động đến hiệu quả kinh tế của mỗi quốc gia thông qua việc đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý thuế bao gồm phương pháp quản lý rủi ro nhằm nâng cao tính tuân thủ.

Cùng với đó, đánh giá hiệu quả công tác quản lý tuân thủ nhằm phân tích, nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu của người nộp thuế từ khâu đăng ký, kê khai, nộp, quyết toán thuế. Qua đó tìm giải pháp phù hợp để khắc phục điểm yếu, xây dựng giải pháp, định hướng quản lý thuế phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ của đất nước.

Trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, việc phân tích, phân loại rủi ro, đánh giá tuân thủ được thực hiện tự động, khách quan. Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính tuân thủ tự nguyên của người nộp thuế, tác động của của tính tuân thủ đến hiệu quả hoạt động quản lý thuế Việt nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn, yêu cầu hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong nền kinh tế số.

Từ việc phân loại tính tuân thủ của người nộp thuế, cơ quan thuế đưa ra các biện pháp quản lý thuế phù hợp với từng nhóm người nộp thuế tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Phương pháp quản lý thuế hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch

Bên cạnh phương pháp quản lý rủi ro nâng cao tính tuân thủ, Chủ tịch VTCA cũng cho rằng cần có phương pháp quản lý thuế hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Cúc cho hay, theo phản ánh của hơn 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2023, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 đều có sự cải thiện. Chi phí không chính thức tiếp tục giảm, từ mức 66% của các năm 2015 - 2016 còn 33,3% năm 2023. Cải cách thủ tục hành chính có tiến bộ, khoảng 77% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống.

Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn mong muốn các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… thuận lợi hơn. Thủ tục hành chính về thuế, hải quan có nhiều cải cách tốt hơn nhưng chưa dễ dàng thực hiện; chất lượng dịch vụ công chưa tốt; khả năng tiệp cận năng lượng và tín dụng còn gặp nhiều khó khăn. Ngành công nghệ hỗ trợ sản xuất linh kiện chưa đáp ứng cả về chất lượng và số lượng dẫn đến hạn chế chuỗi cung ứng...

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, cơ quan thuế đến thời điểm này gần như đã cung cấp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử gầm 100% đối với doanh nghiệp. Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội.

Bên cạnh việc thực hiện điện tử hóa trong quy trình quản lý thuế rủi ro, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện, thực hiện công tác thi đua khen thưởng cho người nộp thuế tuân thủ cao, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng cần kết hợp thêm một số biện pháp khuyến khích khác: như hoàn thuế trược, giãn thời gian thanh tra kiểm tra,… Đối với các đơn vị không tuân thủ áp dụng các biện pháp công khai thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra… Công khai và xử lý khen thưởng rõ ràng, khuyến khích tăng tự nguyện tuân thủ.

Chủ tịch VTCA khẳng định, chất lượng của công tác quản lý thuế của cơ quan thuế tỷ lệ thuận với ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Quản lý thuế càng tốt, tính tuân thủ càng cao thì sẽ tạo nên môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.

“Với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng, hoạt động ngày càng phức tạp, vai trò của phân tích rủi ro quản lý tuân thủ người nộp thuế càng quan trọng. Theo đó, công tác quản lý rủi ro, tăng cường tính tuân thủ cần được tăng cường, cần được thực hiện quyết liệt”, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/quan-ly-thue-theo-phuong-phap-quan-ly-rui-ro-de-tao-moi-truong-kinh-doanh-cong-bang-minh-bach-d48546.html