Quản lý, sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước: Làm gì để tránh lãng phí?

Thời gian qua, vấn đề quản lý, sử dụng quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng xảy ra nhiều bất cập, từ việc xuống cấp, bỏ hoang của nhiều công trình đến việc nợ đọng tiền thuê...

Vì vậy, tránh lãng phí trong quản lý, sử dụng là vấn đề cấp thiết được đặt ra.

Hàng nghìn mét vuông bị bỏ trống và nợ đọng tiền tỷ

Số liệu tổng hợp từ Sở Tài chính TP Hà Nội tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XVI vừa qua cho thấy, đối với quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP gồm: quỹ nhà chuyên dùng; chung cư tái định cư; diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại các chủ đầu tư phải bàn giao cho TP; quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; quỹ nhà công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân... trên địa bàn Hà Nội là 840 địa điểm, với diện tích nhà 178.148m2, diện tích đất 155.156m2, được giao cho các đơn vị: Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội), Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội quản lý.

Nhiều diện tích nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thủ đô chưa được sử dụng hợp lý (trong hình là khu nhà tái định cư trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai bị bỏ không nhiều năm). Ảnh: Doãn Thành

Chỉ tính riêng quỹ nhà chung cư tái định cư toàn TP, tổng diện tích kinh doanh dịch vụ hơn 85.000m2. Trong đó, hơn 47.000m2 đã cho thuê; hơn 1.200m2 đã bố trí làm phòng sinh hoạt cộng đồng; 744m2 bị một số hộ dân và DN sử dụng trái phép; hơn 35.000m2 diện tích kinh doanh dịch vụ còn trống. Về quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại các chủ đầu tư phải bàn giao cho TP còn tới 88/132 địa điểm, diện tích trên 47.000m2 chủ đầu tư chưa thu hồi được từ đơn vị, cá nhân đang thuê…

Đến thời điểm hiện tại, TP đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất tổng diện tích khoảng 43.790m2 đất và trên 9.910m2 nhà thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN của TP. Đáng nói, tổng số nợ còn phải thu là trên 884 tỷ đồng, trong đó được phân chia thành 3 nhóm nợ chính: nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay là trên 9 tỷ đồng; nợ khó thu trên 492 tỷ đồng; nợ xấu, khó đòi khả năng thu hồi rất thấp trên 382 tỷ đồng.

Bên cạnh câu chuyện nợ khó đòi ở những mặt bằng cho thuê, thì vấn đề xuống cấp, bỏ không diện tích lớn quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Hà Nội cũng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Đơn cử, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở - đơn vị chỉ được giao quản lý số lượng rất nhỏ địa điểm có quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhưng số lượng căn hộ, phòng ở đang bị bỏ trống rất lớn, tính đến đầu tháng 8/2023 là khoảng 7.500 căn hộ, phòng ở.

“Quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà đơn vị được giao quản lý có số lượng bỏ trống nhiều nhất là dự án khu nhà ở xã hội CT19A Việt Hưng (quận Long Biên), khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II (quận Bắc Từ Liêm) và khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai). Trong đó, khu nhà ở xã hội CT19A Việt Hưng có 72 căn hộ còn trống; khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II trống 1.516 chỗ ở và khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp trống 5.860 chỗ ở” – Giám đốc Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (Sở Xây dựng Hà Nội) Phạm Hữu Tiến thông tin.

Cần sắp xếp và sử dụng hợp lý

Qua tổng hợp, báo cáo từ đơn vị chuyên môn, UBND TP Hà Nội chỉ rõ công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng của TP không được duy trì thường xuyên. Nhiều trường hợp vi phạm như cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyển ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, tranh chấp, vướng mắc diện tích. Đơn vị quản lý vận hành chưa có biện pháp chấn chỉnh, kịp thời báo cáo để xử lý theo quy định...

Bên cạnh đó, nhiều địa điểm nhà đất vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao chưa được đưa vào khai thác sử dụng, bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Việc tổ chức thanh lý hợp đồng thuê nhà và tiến hành chuyển giao nhà, đất cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đối với một số trường hợp còn chậm…

Trước những bất cập về công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn. Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP thanh tra, kiểm tra công tác quản lý vận hành quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở thuộc Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Thành ủy để có phương án giải quyết tránh để tình trạng lãng phí.

“Nhìn nhận một cách khách quan, lãng phí tài sản nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước, chứ không chỉ riêng ở Hà Nội. Nhưng tôi cho rằng, việc Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra, trong đó chỉ ra cụ thể từng tổ chức, DN thể hiện sự sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành trước vấn đề được xem là rất “nóng” trong dư luận. Qua đó có thể tìm ra nguyên nhân, giải pháp và đưa ra kiến nghị, đề xuất trước những khó khăn, vướng mắc, để sử dụng hiệu quả, hạn chế lãng phí tài sản công” – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.

Tuy nhiên, trên thực tế qua kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị được trực tiếp giao quản lý, vận hành, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do những quy định pháp lý, đơn cử như quy định tại Điều 84, Luật Nhà ở quy định về việc thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước trong trường hợp “bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng”. Tuy nhiên quy định luật không nêu rõ thế nào là lý do chính đáng, nên trong thực tế áp dụng đơn vị quản lý gặp lúng túng khi người dân trình bày lý do như khó khăn về kinh tế, hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách…

Hay như Nghị định 151/2017/NĐ-CP chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như: Trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; Khai thác tài sản công sau thu hồi…

“Vì vậy, để công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước cần tập trung các nhóm giải pháp: Cơ chế sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đang giao cho tổ chức có chức năng kinh doanh nhà địa phương (gồm cả nhà đang sử dụng để ở, làm văn phòng và cơ sở sản xuất kinh doanh); Cơ chế quản lý nhà, đất sử dụng để ở theo pháp luật về nhà ở; Cơ chế quản lý nhà, đất không phải sử dụng để ở (gồm nhà ở theo pháp luật về nhà ở, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì và nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở, việc sắp xếp lại, xử lý do Bộ Tài chính chủ trì)” – Thạc sĩ Chu Thị Chung Thủy, Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) kiến nghị.

Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, quyền tài sản tư gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp. Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hóa, kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công”, “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra và nên bỏ tư duy quản lý, sử dụng đất đai theo lối cũ.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ

Mai Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-ly-su-dung-quy-nha-o-thuoc-so-huu-nha-nuoc-lam-gi-de-tranh-lang-phi.html