Quản lý sau cai nghiện - Vẫn là bài toán khó

Tệ nạn ma túy luôn là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Mặc dù thời gian qua các ngành, các cấp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt từng bước đưa người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, thế nhưng, công tác quản lý đối tượng sau cai vẫn là bài toán nan giải. Trong đó, công tác quản lý người nghiện trở về địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, điều này đã và đang gia tăng tỷ lệ tái nghiện.

Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương có số lượng người cai nghiện ma túy cao trong toàn tỉnh. Theo đánh giá chung của ngành chức năng, huyện Trần Văn Thời là một trong những địa bàn còn diễn biến khá phức tạp về tệ nạn ma túy. trong đó thị trấn Sông Đốc là ví dụ điển hình, với tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy (có hồ sơ quản lý) cao nhất trong toàn huyện (35/149 người). Tính từ ngày 15/6/2023-15/3/2024, thị trấn Sông Đốc có 30 người nghiện ma túy thuộc diện có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện, đây chủ yếu là đối tượng có nghề nghiệp không ổn định, làm thuê nghề biển và ngư phủ, thường ít có mặt thường xuyên tại địa phương, do đó, việc quản lý các đối tượng sau cai này rất khó khăn.

Một góc khu học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau

Ông Lê Hoàng Quân, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Hiện trên địa bàn thị trấn có 18 người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, qua rà soát nắm tình hình, có 2 trường hợp đi biển, 3 trường hợp phạm tội liên quan đến ma túy bị bắt lại và các trường hợp còn lại là không có mặt tại địa phương. Hầu hết các trường hợp này khi chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Cai nghiện tỉnh thì khi về địa phương không trình báo. Theo đó, trong 18 trường hợp này chỉ 6 trường hợp mang giấy đến cơ quan chức năng địa phương trình báo, đây cũng là một trong những khó khăn trong việc quản lý sau cai nghiện”.

Thời gian qua, đối với UBND thị trấn rất quan tâm chỉ đạo, phân công các tổ chức chính trị xã hội, các ngành, đoàn thể kèm cặp, giáo dục, hỗ trợ các đối tượng chấp hành xong quyết định cai nghiện hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng trình diện này sẽ được lập hồ sơ quản lý, đồng thời tạo mọi điều kiện để đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho họ. Tuy nhiên, có những trường hợp không chấp hành tốt, lười lao động, không quan tâm đến việc làm của mình, dễ sa ngã, tụ tập và tái nghiện.

Người nghiện trong thời gian cai nghiện được quản lý chặt chẽ, lao động nghiêm túc.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện Trần Văn Thời quản lý 23 người sau cai gồm các xã: Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Lợi An, Phong Điền và thị trấn Trần Văn Thời (mỗi địa phương 1 người), riêng thị trấn Sông Đốc là 18 người. Trong đó, kết quả hỗ trợ hòa nhập cộng đồng được 4/23 người, thông qua các hình thức tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm và rà soát nhu cầu vay vốn (nếu có nhu cầu).

Theo Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Cà Mau về Quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ thực hiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nếu như cấp xã có từ 1-3 người cai nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện thì phân công 1 người tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ; có từ 4-8 người cai nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện thì phân công 2 người tư vấn tâm lý, xã hội quản lý, hỗ trợ và có trên 8 người cai nghiện ma túy, người bị quản lý sau cai nghiện thì phân công 3 người tư vấn tâm lý, xã hội quản lý, hỗ trợ. Chiếu theo quy định này thì địa bàn thị trấn Sông Đốc có tới 18 người bị quản lý sau cai nghiện mà cũng chỉ có 3 cán bộ kèm cặp, do đó, việc quản lý không chặt, không sát sao là lẽ đương nhiên. Đây cũng là một trong những vấn đề nan giải mà hầu hết các địa phương đều vướng phải.

Hỗ trợ, đào tạo nghề cho học viên cai nghiện là tạo điều kiện để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái nghiện.

Ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho rằng: “Việc quản lý người sau cai nghiện vẫn còn nhiều bất cập, có những lúc, nhưng nơi, cấp ủy, chính quyền vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, quản lý còn thiếu chặt chẽ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc người nghiện tái hòa nhập công đồng cũng như dễ dàng tái nghiện”.

Công tác quản lý người sau cai là công việc không hề dễ, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, việc quản lý chặt tại cơ sở cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tư vấn việc làm cho người nghiện ma túy sau khi hoàn thành xong chương trình cai nghiện là một trong việc làm mang tính hiệu quả lâu dài, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện, giúp người sau cai tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất./.

Lê Chí

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quan-ly-sau-cai-nghien-van-la-bai-toan-kho-a32202.html