Quản lý Cụm công nghiệp tại Hải Phòng: Quy định chồng chéo

Do quy định chồng chéo khiến công tác quản lý, thu hút đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố gặp khó khăn.

Do quy định trong các văn bản pháp luật chưa cụ thể, chồng chéo khiến công tác quản lý, thu hút đầu tư hạ tầng, đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn thành phố gặp khó khăn.

Theo quy hoạch phát triển các CCN, đến năm 2025, Hải Phòng có 33 CCN với tổng diện tích 1.376,62 ha. Tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong CCN khoảng 7.158,84 tỷ đồng, thu hút 15.599 lao động, nộp ngân sách đạt 92,21 tỷ đồng. Hiện, 10 CCN trên địa bàn thành phố đã có quyết định thành lập hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết; trong đó, 5 cụm đang hoạt động, 1 cụm đang triển khai đầu tư xây dụng hạ tầng kỹ thuật, 4 cụm đang thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng. Có 5 CCN được hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN, đang hoạt động. Thành phố dự kiến sẽ di dời 2 CCN do nằm trong khu dân cư, một số khác đang thực hiện công tác chuyển đổi chủ đầu tư.

Nghiên cứu sửa đổi để thống nhất quy định về đầu tư, quản lý cụm công nghiệp

Theo đánh giá từ Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp thành phố, với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, CCN trên địa bàn phát triển cả chất và lượng. UBND thành phố đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công, quy định các nội dung, mức hỗ trợ hấp dẫn. Giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn thành phố, do đó việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN đã có bước cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như: Thủ tục thành lập CCN; việc thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch; vị trí, diện tích CCN theo quy hoạch vẫn còn khác thực tế…

Nguyên nhân chính được đưa ra là do các quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP và Thông tư 28/2020/TT-BCT còn có điểm chưa cụ thể, chưa quy định rõ thời gian dừng tiếp nhận đề nghị làm chủ đầu tư CCN. Các quy định của pháp luật về đầu tư và về quản lý CCN chưa thống nhất, nhà đầu tư phải thực hiện 2 thủ tục về quyết định thành lập CCN (theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP) và quyết định chủ trương đầu tư (theo Luật Đầu tư), mặc dù nội dung 2 thủ tục này tương đồng.

Để tạo môi trường thông thoáng cho phát triển CCN, Hải Phòng kiến nghị: Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi các nghị định để thống nhất quy định về đầu tư và quản lý, phát triển CCN đảm bảo tính thống nhất nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quản lý và các nhà đầu tư. Bổ sung quy định rõ thời gian dừng tiếp nhận đề nghị làm chủ đầu tư và thống nhất trên toàn quốc, tạo điều kiện cho nhà đầu tư khi triển khai dự án ở các địa phương khác nhau.

Hải Phòng đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật, tạo sự thống nhất trong quản lý, phát triển CCN.

Bùi Việt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-ly-cum-cong-nghiep-tai-hai-phong-quy-dinh-chong-cheo-182862.html