Quản lý chặt chẽ thị trường vàng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, các cơ quan chức năng của TPHCM đã nhanh chóng vào cuộc.

Người dân mua vàng tại một sơ sở kinh doanh vàng trang sức quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: L.Anh.

Người dân mua vàng tại một sơ sở kinh doanh vàng trang sức quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: L.Anh.

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn TPHCM, đã tạm giữ hơn 700 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là các sản phẩm trang sức từ vàng, gồm nhẫn, dây chuyền, lắc tay... Cục QLTT và các cơ quan liên quan đã xử phạt 21 vụ việc, đồng thời tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Vẫn theo ông Huy, trong tháng 5/2024 QLTT sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định. Nếu phát hiện các hành vi vi phạm, sẽ có biện pháp xử lý phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sản phẩm vàng kinh doanh tại cửa hàng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định được xác định là hàng hóa “nhập lậu” trái phép hoặc hàng hóa giả nhãn hiệu, sẽ bị cơ quan chức năng tịch thu theo quy định tại các Nghị định xử phạt của Chính phủ, như Nghị định 99/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định số 98/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về tình trạng giá vàng “nhảy múa” thời gian qua, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng cũng hợp tác với cơ quan chức năng TPHCM để tự rà soát, qua đó phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm hoặc trục lợi từ đầu cơ vàng (vàng miếng, vàng trang sức).

Theo bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), là thương hiệu quốc gia về sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và kinh doanh vàng miếng SIC và thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, nên tất cả các hoạt động liên quan đến vàng SJC đều thực hiện theo quy định và sự cho phép từ NHNN. Việc độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC nhưng doanh nghiệp lại bị mang tiếng trục lợi. Hiện nay, SJC không được nhập, dập vàng miếng và toàn bộ khuôn dập được giao về NHNN quản lý, công ty chỉ dập lại vàng móp. Phía đại diện SIC cũng đề xuất cho phép đơn vị này được nhập khẩu vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu nhức nhối hiện nay.

Để bình ổn thị trường vàng, đại diện SJC cho rằng, vai trò hỗ trợ của NHNN Việt Nam là rất quan trọng, trước mắt là công tác đấu thầu nhằm đảm bảo nguồn cung vàng SJC ổn định. “SJC đã được Thủ tướng và UBND TPHCM yêu cầu tiếp tục thực hiện công tác bình ổn thị trường, quản lý kinh doanh vàng. Do đó, bằng mọi giải pháp, đơn vị sẽ đảm bảo nguồn cung cho người dân” - bà Hằng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho biết, do giá vàng thế giới biến động mạnh nên thời gian qua đã ảnh hưởng đến thị trường vàng nói chung, trong đó có Việt Nam. Để ổn định thị trường vàng, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong đó triển khai một số giải pháp nhằm tác động đến cung cầu thị trường, ổn định thị trường vàng. Trước mắt, NHNN tham gia tổ chức các phiên đấu thầu nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường, giúp ổn định tâm lý người dân. Về quản lý nhà nước, thời gian tới NHNN đưa ra 3 nhóm giải pháp, bao gồm: đấu thầu vàng miếng để tác động nguồn cung; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Song song đó, thực hiện chặt chẽ chứng từ kế toán đúng quy định về hóa đơn và triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử để đảm bảo công khai, minh bạch trong các giao dịch mua, bán vàng.

Hôm nay, ngày 21/5, tiếp tục đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào 9 giờ 30 sáng ngày 21/5. Theo đó, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 88,6 triệu đồng/lượng. Khối lượng 1 lô là 100 lượng.

Theo NHNN, đợt đấu thầu này, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 40 lô (4.000 lượng). Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu 1 lô (100 lượng). Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố. Trước đó, ngày 16/5, NHNN đã đấu thầu thành công 123 lô, tương đương 12.300 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 11 thành viên. Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 88,92 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88,89 triệu đồng/lượng.

P.Vân

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quan-ly-chat-che-thi-truong-vang-10280404.html