Quận Hoàng Mai: Người dân khổ sở vì ngõ nhỏ biến thành nơi tập kết rác

Vài năm trở lại đây, nhiều đoạn trong ngõ 587 đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị một số đối tượng đổ trộm rác thải. Rác để lâu ngày gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Ngõ 587 đường Tam Trinh là nơi có nhiều phương tiện lưu thông qua lại nhưng nhiều đoạn hai bên đường đã trở thành nơi tập kết rác tự phát. Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 13/5, dọc theo con ngõ nhỏ, từng đống rác thải sinh hoạt, bao nilon, vỏ chai lọ, phế thải xây dựng... chất đống, bốc mùi hôi thối, nồng nặc, xộc thẳng vào mũi, khiến bất kỳ ai đi qua cũng phải nhăn mặt khó chịu.

Rác thải chất thành đống tại con ngõ nhỏ gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan đô thị. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Rác thải chất thành đống tại con ngõ nhỏ gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường sống và mỹ quan đô thị. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Bà Nguyễn Thị Minh Tuyết (một người dân sống tại khu vực này) cho biết, tình trạng bãi rác tự phát đã diễn ra từ vài năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Nguyên nhân là do nhiều người đổ trộm rác thải.

"Mấy tháng gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng này nên phường đã có biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên đâu lại vào đấy. Mặc dù biển cấm đổ rác đã có nhưng nhiều người phớt lờ, bất chấp đổ trộm rác vào buổi tối", bà Tuyết cho hay. Đồng thời bà bày tỏ mong muốn tình trạng đổ trộm rác thải sớm được giải quyết dứt điểm để trả lại môi trường trong lành cho người dân.

Ngõ 587 đường Tam Trinh đang dần trở thành điểm “đen” về vệ sinh môi trường. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Ngõ 587 đường Tam Trinh đang dần trở thành điểm “đen” về vệ sinh môi trường. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Chia sẻ với phóng viên, chị Lê Minh Hồng (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) bày tỏ, mỗi lần đi qua đoạn đường này chị phải bịt mũi mặc dù đã đeo nhiều lớp khẩu trang, bởi rác chồng chất, hôi thối, bẩn thỉu. Không chỉ vậy, việc rác thải, vật liệu xây dựng tràn lan khiến việc đi lại khó khăn.

“Mỗi lần đi qua đoạn đường này tôi lại thấy sợ. Trời nắng thì đỡ nhưng cứ tới ngày mưa rác trôi xuống lòng đường gây ảnh hưởng giao thông. Đoạn đường rất bé mà xe cộ thì lại nhiều, người tham gia giao thông luôn phải tránh nhau nguy hiểm”, chị Hồng bức xúc.

Các ao, hồ xung quanh cũng đang dần bị lấn chiếm, ô nhiễm bởi rác thải. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Các ao, hồ xung quanh cũng đang dần bị lấn chiếm, ô nhiễm bởi rác thải. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Từ lâu, tình trạng những bãi rác tự phát tràn lan tại đây luôn là một vấn đề gây nhức nhối. Chính quyền phường Yên Sở đã có một số biện pháp ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi như đặt 4 biển cấm trên dọc đường, quây rào chắn ở một số đoạn đường, nhưng giữa nỗ lực, xử phạt vi phạm của chính quyền địa phương và ý thức của người dân chưa cao nên vẫn tồn tại nhiều bất cập, khiến cho việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn.

Từ thực trạng trên, có thể thấy việc giải quyết vấn đề đổ trộm rác, phế thải cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và người dân. Chỉ khi nào người dân đều hiểu và ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống xung quanh thì tình trạng này sẽ được chấm dứt. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết quyết liệt, dứt điểm.

Những bãi rác đổ trộm này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường và cuộc sống người dân. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Những bãi rác đổ trộm này đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môi trường và cuộc sống người dân. (Ảnh: Hồng Ngọc).

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt khi vi phạm các quy định trong bảo vệ môi trường đối với từng cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, tại Điều 235 bộ luật Hình sự 2015 năm sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có quy định rất rõ việc xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, mức phạt thấp nhất đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trong khi đó, hình thức xử lý cao nhất đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng, phạt tù tối đa 7 năm và đình chỉ hoạt động tối đa 3 năm.

Hồng Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quan-hoang-mai-nguoi-dan-kho-so-vi-ngo-nho-bien-thanh-noi-tap-ket-rac-170569.html