Quan hệ Việt - Pháp: 48 năm nhìn từ những chuyến thăm từ nước Pháp

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973, 48 năm qua, quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng phát triển tốt đẹp, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Có thể nhìn nhận sự tiến triển tốt đẹp của mối quan hệ bang giao ấy qua những chuyến thăm của những người đứng đầu nước Pháp tới Việt Nam.

Từ chuyến thăm “mở đường” của ngài Francois Mitterrand

Chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand tới Việt Nam hồi tháng 2/1993 có thể coi là một cột mốc quan trọng đầu tiên trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Chuyến thăm của người đứng đầu nước Pháp diễn ra vào một thời điểm hết sức ý nghĩa, đó là tròn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp. Với chuyến thăm này, Francois Mitterrand còn là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975.

Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (trái) trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2/1993. Ảnh: Reuters.

Trên Báo Công an Nhân dân, trong bài viết ngày 6/9/2016 của tác giả Trần Duy Hiển có ghi lại hồi ức của ông Trịnh Ngọc Thái, thời điểm đó là Đại sứ nước ta tại Pháp - là người “thiết kế” chuyến thăm. Theo ông Trịnh Ngọc Thái: thời điểm 1993, dư luận nhìn chung ủng hộ chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand tới Việt Nam nhưng nhiều người (trong đó hầu hết là các cựu chiến binh Pháp) quyết liệt phản đối việc Tổng thống sẽ thăm Điện Biên Phủ. Đại tướng Marcel Bigeard (1916 – 2010, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, cựu tù binh tại Điện Biên Phủ) lên tiếng: “Điện Biên Phủ là nỗi sỉ nhục với nước Pháp. Tổng thống không nên đến đó!”.

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ 9 - 11/2/1993, ngày 10/2, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã đến Ðiện Biên thăm Khu di tích chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Ðinh Quang Thành/TTXVN

Tuy nhiên, bất chấp những phải đối, ông chủ của điện Elysee vẫn cương quyết đặt chân tới Điện Biên Phủ, có cuộc trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đã chỉ huy làm nên “Điện Biên Phủ chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu” năm xưa. “Chủ nghĩa thực dân Pháp phải hiểu sự cần thiết của việc bước sang trang mới. Kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc, tôi nghĩ tất cả đều đáng suy ngẫm lại. Tôi cảm thấy hài lòng khi Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên đến đây để thể hiện mong muốn hòa giải”, Tổng thống Francois Mitterrand chia sẻ sau khi đặt chân tới Điện Biên Phủ.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong chuyến thăm Việt Nam ngày 16/11/1997. Ảnh: Getty Images

Với tinh thần hòa giải, ủng hộ công cuộc cải cách mở cửa của Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới… những mong muốn ấy của Tổng thống Francois Mitterrand và nước Pháp đã được thể hiện trọn vẹn từ chuyến thăm năm 1993 ấy của ngài Mitterrand. Chuyến thăm thực sự đã giúp mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt – Pháp. Từ chuyến thăm này, lần đầu tiên, các lĩnh vực đào tạo (phổ thông, đại học, y khoa), nghiên cứu, Pháp ngữ, văn hóa, rất nhiều chương trình hợp tác tham vọng đã được xây dựng và phát triển thành công.

Jacques Chirac - vị Tổng thống hai lần thăm chính thức Việt Nam

Về phía nước Pháp, nếu ngài Francois Mitterrand được xem là người “mở đường” trong mối quan hệ Việt - Pháp thì Tổng thống Francois Mitterrand có thể là người “thắt chặt” hơn nữa mối quan hệ ấy qua hai chuyến thăm Việt Nam vào các năm 1997 và 2004.

Lần thăm đầu tiên diễn ra, năm 1997, Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần 7 được tổ chức tại Hà Nội. Trước phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Tổng thống Jacques Chirac khẳng định mong muốn phát triển “đối tác ưu tiên” giữa hai nước.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký khoảng 4 tỷ franc hợp đồng thương mại. Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó đã khẳng định, “chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng thống là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang đến cho nhân dân chúng tôi những tình cảm hữu nghị của nhân dân Pháp”.

Ông Jacques Chirac thăm khu khai quật Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh tư liệu

Lần thứ hai vào năm 2004, Tổng thống Jacques Chirac trở lại Việt Nam khi ông tham dự Đối thoại Á - Âu lần thứ 5 tổ chức tại Hà Nội (ASEM, 7-9/10/2004). Còn nhớ trong bài phát biểu trong buổi họp báo tại Trung tâm báo chí quốc tế ASEM - 5 (IMC) ngày 8/10, Tổng thống Jacques Chirac đã bày tỏ biết ơn sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam, nước Pháp vui mừng xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, mong muốn giúp Việt Nam phát triển. Tổng thống Pháp cũng bày tỏ, đối với ông, Việt Nam lúc nào cũng đẹp, trở lại Việt Nam sau bảy năm ông thấy Việt Nam có rất nhiều thay đổi tích cực.

Cũng trong lần thứ hai trở lại Việt Nam, ông Jacques Chirac chia sẻ: “Trước hết, tôi muốn nói với nhân dân Việt Nam niềm vui được trở lại mảnh đất Việt Nam mà tôi rất yêu mến và xin gửi tới nhân dân Việt Nam những lời chúc hữu nghị nhất. Tiếp đó, tôi muốn khẳng định lại với nhân dân Việt Nam quyết tâm của mình sẽ tiếp tục coi Việt Nam là một ưu tiên đối với Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác. Cuối cùng, tôi xin được bày tỏ với nhân dân Việt Nam niềm tin rằng, nếu như Việt Nam và Pháp có được những mối quan hệ đặc biệt đến như vậy thì không chỉ nhờ di sản từ quá khứ mà còn bởi niềm tin và hy vọng vào tương lai”.

Tổng thống Francois Hollande đứng bên ngoài một quán cà phê trên phố Mã Mây. Ảnh: Văn Việt.

Tình cảm và sự ủng hộ của ông Jacques Chirac đã góp phần đưa quan hệ Việt Nam và Pháp trở thành đối tác chiến lược vào năm 2013 và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường hợp tác quan hệ với EU, ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009.

Pháp trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam với tổng trị giá trao đổi thương mại hai chiều 1,7 tỷ USD vào năm 2003. Cũng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Chirac, Pháp và Việt Nam đã gia tăng hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, như tổ chức triển lãm di sản văn hóa Chàm tại Paris năm 2005. Một ví dụ điển hình là Festival Huế, lần đầu tiên được Chính phủ Việt Nam chính thức tổ chức vào năm 2000.

Chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Francois Fillon

Tháng 11/2009, Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Pháp tại Việt Nam, hai bên đã ký nhiều hợp tác quan trọng như: Thỏa thuận xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Hiệp định Hợp tác về phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Hiệp định Hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Hiệp định về các Trung tâm văn hóa, Thỏa thuận Hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp...

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt, các đối tác hai bên đã ký 18 bản thỏa thuận hợp tác về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, điện lực, cung cấp vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quy hoạch đô thị..., trị giá khoảng 9,5 tỷ USD.

Theo nhận định của chính báo giới Pháp, chuyến thăm là một bước phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt - Pháp. Một số tờ báo nhận định việc một phái đoàn hùng hậu các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp tháp tùng Thủ tướng Francois Fillon sang thăm Việt Nam là một bằng chứng cho thấy Pháp quan tâm đến thị trường đầy tiềm năng này và muốn đưa mối quan hệ đối tác với Việt Nam lên một tầm cao mới.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Hollande

Tổng thống Francois Hollande thăm đình Kim Ngân. Ảnh: Giang Huy

Ngày 6/9/2016, Tổng thống Pháp Francois Hollande đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam. Phát biểu trong chuyến thăm, Tổng thống Hollande bày tỏ hy vọng chuyến thăm lần này của ông giúp mang đến luồng gió mới cho quan hệ Đối tác chiến lược mà hai bên ký kết từ năm 2013. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của ông sẽ kết nối quá khứ và tương lai, tạo đà phát triển cho hai bên.

Bình luận về chuyến đi, Les Echos của Pháp khi đó đã có những dòng nhận định: “Tổng thống Hollande dừng chân ở Việt Nam - đất nước tự cường, mạnh mẽ”, khẳng định Hà Nội hiện là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế và xứng đáng là điểm dừng chân của Tổng thống Pháp.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/quan-he-viet--phap-48-nam-nhin-tu-nhung-chuyen-tham-tu-nuoc-phap-post165005.html