Quan hệ Trung-Nhật-Hàn, những động thái mới và hàm ý

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba quốc gia phát triển giữ vai trò rất quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương. Giữa ba nước láng giềng có mối quan hệ vừa khó tách rời, vừa nảy sinh nhiều vấn đề, từ trong lịch sử đến hiện tại.

Quan hệ Trung-Nhật-Hàn đan xen phức tạp các thăng trầm, giữa “ám ảnh quá khứ” với lợi ích tương lai. (Nguồn: Wall Street Journal)

Quan hệ song phương và ba bên, từ lịch sử đến hiện tại

Quân phiệt Nhật Bản từng gây tội ác ở Trung Quốc trong chiến tranh Trung-Nhật (1937-1945). Vấn đề nổi cộm hiện nay giữa Tokyo và Bắc Kinh là tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những va chạm ở biển Hoa Đông. Gần đây, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thủy sản để phản đối Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Trung Quốc và Hàn Quốc đối đầu nhau hơn 40 năm, kể từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tận năm 1992 mới ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ. Seoul cố gắng cân bằng quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh theo phương châm “an ninh chọn Mỹ, kinh tế chọn Trung Quốc”. Năm 2017, Hàn Quốc đồng ý cho Mỹ triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao (THAAD), khiến Trung Quốc tức giận đáp trả.

Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ đáng gờm” cạnh tranh ngôi vị số một thế giới. Ngược lại, Nhật Bản, Hàn Quốc là “đồng minh cốt lõi” của Mỹ, sốt sắng tham gia liên minh do Mỹ dẫn dắt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như liên minh Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), chuỗi cung ứng chất bán dẫn “Chíp 4” (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan)… Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn đầu tiên, ngày 18/8 tại Trại David đưa quan hệ “tay ba” vào thời kỳ “trăng mật”. Một trong những mục tiêu của liên minh là kiềm chế Trung Quốc.

Các yếu tố bên ngoài luôn là tác nhân quan trọng đối với quan hệ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, vấn đề Đài Loan, chương trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, sự xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh, Moscow và Bình Nhưỡng… càng khiến quan hệ “tay đôi”, “tay ba” giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc thêm phức tạp. Ngày 9/6, chính phủ Hàn Quốc triệu đại sứ Trung Quốc vì phát ngôn “chọn phe”. Lập tức, Trung Quốc có hành động đáp trả tương tự.

Mỗi khi giữa ba nước xảy ra sự cố ngoại giao, pháp lý, thương mại… lại thổi bùng tư tưởng dân tộc cực đoan trong một bộ phận người dân. Tư tưởng dân tộc cực đoan khiến chính phủ cân nhắc thận trọng trong quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế. Nhiều “nút thắt” cản trở quan hệ, việc nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên thường niên bị đình trệ từ năm 2019.

Dù vậy, ba nước vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau không thể tránh khỏi, nhất là về kinh tế, thương mại và hợp tác xử lý các thách thức an ninh chung. Các bên đều tránh đẩy mâu thuẫn vượt quá tầm kiểm soát. Vì thế, quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đan xen phức tạp các thăng trầm, giữa “ám ảnh quá khứ” với lợi ích tương lai. Nhưng gần đây, quan hệ Trung-Nhật-Hàn có dấu hiệu “tan băng”.

Động thái mới, mục đích và nguyên nhân

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và các đại biểu tham dự diễn đàn hợp tác Trung-Nhật-Hàn tại Thanh Đảo, ngày 3/7. (Nguồn: Kyodo)

Ngày 3/7, tại diễn đàn hợp tác ba bên thường niên ở Thanh Đảo, Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị phê phán phương Tây chia rẽ, nhắc nhở “cội nguồn châu Á” và kêu gọi tăng cường hợp tác vì lợi ích chung, sự hồi sinh của châu Á.

Bên lề lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Han Duck Soo đã có cuộc gặp gỡ kéo dài 30 phút. Đây là cuộc gặp cấp cao lần thứ ba, tính từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên cầm quyền, tháng 5/2022.

Ngày 26/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung có cuộc hội đàm “tay ba” hiếm hoi với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi.

Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao, Hàn Quốc bày tỏ thông điệp theo đuổi “mối quan hệ lành mạnh và trưởng thành dựa trên các chuẩn mực và quy tắc quốc tế”; sẵn sàng làm mọi việc để khôi phục đàm phán liên chính phủ ba bên, nhằm tạo ra những “kết quả hữu hình”, mang lại lợi ích người dân có thể cảm nhận được. Phía Nhật Bản hy vọng hợp tác ba bên sâu sắc hơn.

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Hàn Quốc là “nước láng giềng không thể tách rời”, nhận lời mời thăm Seoul và hoan nghênh nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong năm 2023. Bên lề Diễn đàn Shangri-La, Singapore tháng 6/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc “đổi giọng điệu” khi nói, vấn đề Điếu Ngư không phải là toàn bộ quan hệ Trung-Nhật, cần xem xét toàn diện, lâu dài…

Như vậy, các bên đã phát tín hiệu, sẵn sàng vượt qua quan ngại, khác biệt, chủ động tiến lại gần nhau. Động thái mới có vẻ bất ngờ, nhưng thực ra là bước đi tất yếu, phù hợp với bối cảnh, mục đích và sự điều chỉnh chính sách của các bên.

Mục đích các cuộc gặp là trao đổi quan ngại, làm rõ lập trường của các bên về những vấn đề địa chính trị quốc tế, khu vực; tạo tiền đề nối lại hội nghị thượng đỉnh, thúc đẩy phát triển quan hệ Trung-Nhật-Hàn và các quan hệ song phương trong bối cảnh mới.

Nhật Bản và Hàn Quốc có lợi ích chung, tự tin hơn khi phối hợp cùng nhau trong hội nghị ba bên với Trung Quốc. Đó là duy trì kênh liên lạc, quan hệ an ninh ổn định, tránh đối đầu, xung đột. Quan hệ với Trung Quốc cũng là mở một cánh cửa để hy vọng tháo gỡ bế tắc trong kiểm soát chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Phát triển quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và các quan hệ đa phương khác nâng cao vị thế của Nhật Bản, Hàn Quốc. Vì thế, Seoul và Tokyo cố gắng trấn an Bắc Kinh rằng họ tham gia liên minh không nhằm kiềm chế Trung Quốc; không muốn quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn tác động xấu đến quan hệ với Trung Quốc.

Một mặt, Trung Quốc lo ngại hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa Mỹ-Nhật-Hàn, nhất là về an ninh. Mặt khác, Bắc Kinh cho rằng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại ba bên là cách để vô hiệu hóa, chí ít là hạn chế tác động từ chiến lược kết nối đồng minh của Washington ở khu vực.

Dù có mâu thuẫn, tranh chấp, nhưng cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cần hợp tác với nhau, đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Mặt tích cực của động thái mới trong quan hệ Trung-Nhật-Hàn là tìm kiếm lợi ích chung, duy trì kênh liên lạc, đối thoại, hợp tác, từng bước tạo dựng lòng tin; không để “ám ảnh quá khứ” phủ bóng tương lai, mâu thuẫn, bất đồng vượt tầm kiểm soát.

Những hàm ý

Dù có dấu hiệu “tan băng” song chuyển động mới trong quan hệ ba bên vẫn ở dạng dự báo, hy vọng. Quan hệ hợp tác phát triển đến đâu phụ thuộc vào nỗ lực của các bên, tác động của bối cảnh quốc tế, khu vực và phải qua thử thách thực tế. Dù vậy, động thái “tan băng” vẫn mang nhiều hàm ý quan trọng đối với khu vực và thế giới.

Một là, Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác vẫn là nhân tố chi phối, tác động lớn đến cục diện, quan hệ quốc tế. Nhưng họ không thể một mình quyết định tất cả. Họ không chỉ ngồi đợi các nước tìm đến mà cũng phải chủ động mở rộng quan hệ, hợp tác với càng nhiều nước càng tốt.

Hai là, mâu thuẫn là quy luật phổ biến, sự khác biệt luôn tồn tại trong quan hệ quốc tế. Nhưng cũng có thể tìm thấy những lợi ích chung để hợp tác, phát triển. Cơ sở cho hợp tác là lòng tin, nhu cầu phát triển và tôn trọng nguyên tắc, luật pháp quốc tế và luật lệ chung.

Ba là, sự đan xen trong các mối quan hệ, các tập hợp lực lượng ngày càng sâu rộng, đa chiều. Chọn bên không là nguyên tắc duy nhất bao trùm. Các nước lựa chọn quan hệ theo từng lĩnh vực, nội dung cụ thể, dựa trên lợi ích quốc gia dân tộc.

Do đó, có thể phát sinh mối quan hệ chéo giữa một số nước trong các tập hợp lực lượng khác nhau, thậm chí có tính đối trọng. Một số nước có xu hướng chuyển từ liên minh sang liên kết, chủ động, linh hoạt hơn trong quan hệ đa phương.

Bốn là, trong quan hệ giữa các nước, kể cả nước lớn và nhỏ, luôn tồn tại tác động hai chiều. Cần gỡ bỏ các “nút thắt”, tăng sự cộng hưởng, cùng có lợi, tránh triệt tiêu lợi ích của nhau.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-trung-nhat-han-nhung-dong-thai-moi-va-ham-y-245245.html