Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc hướng tới sự ổn định, cân bằng và bền vững

Với sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước, của các cơ quan chức năng hai bên trong việc tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, kim ngạch thương mại của Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Hai bên đã tăng cường kết nối các doanh nghiệp, mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau, nhất là các mặt hàng nông sản.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch XNK qua các cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai đạt hơn 239 triệu USD. Ảnh: Bích Nguyên

Xuất khẩu sang Trung Quốc là điểm sáng

Trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) của Việt Nam với Trung Quốc đạt trên 173 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD). Có 12 nhóm hàng XK sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê cho biết, điểm sáng XK của cả nước trong năm 2023 là nhờ điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động XK sang Trung Quốc, góp phần gia tăng kim ngạch XK, Trung Quốc trở thành thị trường duy nhất trong số các thị trường XK lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. XK của Việt Nam sang Trung Quốc ước tính tăng 6,4% trong cả năm 2023, là điểm sáng trong XK của cả nước trong bối cảnh XK sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.

Các số liệu thống kê đã cho thấy, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc những năm qua không ngừng phát triển. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Xét trong các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối này. Việt Nam XK sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng... cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.

Trong những năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường kết nối các doanh nghiệp, mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của nhau, nhất là các mặt hàng nông sản. Với việc dưa hấu được phép XK chính ngạch vào Trung Quốc bắt đầu từ tháng 12/2023, đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản XK chính ngạch sang thị trường tỷ dân này gồm: Măng cụt, chanh leo, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, vải, thạch đen, sầu riêng, thanh long, nhãn, khoai lang, tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến. Năm 2023, XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng trưởng 17% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 23% trong tổng số kim ngạch XK mặt hàng này ra thị trường thế giới.

Việt Nam đang đề nghị Trung Quốc xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, trong đó có dừa tươi, hoa quả có múi, na, roi... Điều này tạo kỳ vọng XK nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, tránh được những rủi ro do XK tiểu ngạch.

Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng mạnh

Theo thống kê của Việt Nam, 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ 2022..

Duy trì đà tăng trưởng này, hoạt động XNK qua các cửa khẩu đất liền Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024. Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, tỉnh Lào Cai, hoạt động thông quan hàng hóa vẫn được đảm bảo diễn ra thông suốt ngay cả trong kỳ nghỉ Tết. Đến thời điểm hiện tại, tuy lượng hàng nhập khẩu tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu giảm mạnh nhưng XK lại tăng so với tháng cuối của năm 2023, hàng hóa XK thông quan tăng.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.100 lượt phương tiện chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bích Nguyên

Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.100 xe hàng hóa XNK được thông quan. Các cơ quan chức năng hai bên, trong đó có BĐBP thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, hội đàm, thực hiện linh hoạt các giải pháp đảm bảo cho hoạt động thông quan diễn ra thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhu cầu giao thương hàng hóa của doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc ngày càng tăng. Những ngày giữa tháng 3, lượng phương tiện chờ XK bên phía cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) tồn rất lớn, số lượng khoảng 1.000 xe với các mặt hàng chủ yếu là xe ô tô mới và máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất tại các khu công nghiệp của nước ta.

Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã chủ động trao đổi, thống nhất với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc các biện pháp tiện lợi hóa thông quan, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động XNK hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Hai bên đã thống nhất mở lại hầm Tả Phủ Sơn (Trung Quốc) và thực hiện điều tiết, phân luồng riêng cho phương tiện không chở hàng của hai bên di chuyển qua khu vực mốc 1116-1117 trở về nước sau khi giao hàng XK từ ngày 14/3/2024. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 dành riêng cho các phương tiện chở hàng hóa XNK di chuyển. Cùng với đó, hai bên đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan kéo dài thời gian làm việc trong ngày thêm 2 giờ, đến 20 giờ (Hà Nội) trong 2 ngày 17, 18/3/2024 để nâng cao hiệu suất thông quan, giải quyết các phương tiện chở hàng hóa chờ XK, đáp ứng nhu cầu giao thương của doanh nghiệp hai nước.

Hiện nay, hàng hóa XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện thông quan tại 7 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo số liệu sơ bộ từ Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị Hải quan tại cửa khẩu đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho hơn 24.400 bộ tờ khai với kim ngạch đạt hơn 6,6 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo tin từ Cục Hải quan Lào Cai, kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu tại Lào Cai từ ngày 1/1 đến ngày 2/3 đạt hơn 239 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch XK đạt hơn 148 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị nhập khẩu đạt hơn 90 triệu USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Quảng Ninh, hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, tính từ ngày 1/1 đến ngày 10/3/2024, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn đạt hơn 542 triệu USD, tăng 27,77% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Đây là những tín hiệu tích cực trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-he-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-huong-toi-su-on-dinh-can-bang-va-ben-vung-post474018.html