Quan hệ Nga-Mỹ hậu thượng đỉnh: Tiến triển trong thận trọng

Moscow và Washington đang có một số động thái hiện thực hóa cam kết tại Thượng đỉnh Nga-Mỹ, song vẫn duy trì khoảng cách và sự thận trọng nhất định.

Tại Thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ mong muốn xây dựng một mối quan hệ “ổn định và dễ lường hơn”. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra hậu thượng đỉnh có phản ánh đúng mong muốn này?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thượng đỉnh ngày 16/6 ở Geneva, Thụy Sỹ.

Bước đầu tích cực

Có thể thấy, sau ngày 16/6, cả Nga và Mỹ đã có một số hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa cam kết về xây dựng quan hệ.

Đầu tiên, Đại sứ hai nước đã trở lại địa bàn hoạt động. Ngày 20/6, quay về Washington sau 2 tháng tham vấn, Đại sứ Nga Anatoly Antonov bày tỏ sự lạc quan và nhấn mạnh: “Có nhiều việc lớn cần thực hiện. Chúng tôi tin tưởng vào sự tiến bộ”.

Ngày 26/6, Đại sứ Mỹ John Sullivan cũng đã trở lại Moscow. Ông cho biết rất vui mừng và trông đợi làm việc với những đồng nghiệp trong chính phủ Nga để xây dựng “mối quan hệ hòa bình, ổn định và dễ lường hơn giữa Mỹ và Nga.”

Dù đơn giản, song động thái ngoại giao quan trọng này đã tạo bầu không khí tích cực, giúp hai bên từng bước tiến tới thực hiện các đồng thuận tại thượng đỉnh Nga-Mỹ, trên tinh thần thân thiện, hợp tác. Quan trọng hơn, nó giúp Washington và Moscow nối lại kênh liên lạc cấp Đại sứ để duy trì, chia sẻ thông tin trong trường hợp cần thiết, tránh dẫn đến đối đầu, xung đột đáng tiếc.

Thứ hai, vòng đàm phán Nga-Mỹ đầu tiên về kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Trả lời phỏng vấn CNN (Mỹ), Đại sứ Nga tại Anh Andrei Kelin nhận định Moscow cần tái can dự với Washington, hy vọng đàm phán về “bình ổn chiến lược” sẽ bổ sung cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), với sự tham dự đầy đủ của các bên.

Trước đó, tại thượng đỉnh ngày 16/6, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đều cam kết thực hiện các mục tiêu chung về ổn định chiến lược, giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Vòng đàm phán trên là một nỗ lực như vậy.

Qua đó, Moscow và Washington mong muốn “gia cố” New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa hai nước. Từ đó, Nga và Mỹ có thể lấy đây làm tiền đề xây dựng các thỏa thuận kiểm soát vũ khí ràng buộc khác, thiết lập thêm kênh liên lạc quân sự, tránh rủi ro đối đầu.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã quay lại Washington sau 2 tháng tham vấn tại Moscow. (Nguồn: AFP)

Thứ ba, trong một động thái thiện chí, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow hy vọng đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và mong muốn đối thoại hiệu quả với Washington theo phương hướng này. Tuy nhiên, Moscow quan ngại về “các kế hoạch của một số quốc gia nhằm quân sự hóa mạng Internet và gây ra chạy đua vũ trang trên không gian mạng.”

Ông Lavrov nhấn mạnh Nga đang vận động thông qua một bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm của các quốc gia trong không gian thông tin toàn cầu, vì lợi ích của mỗi nước. Đồng thời, nước này cũng thúc đẩy kế hoạch tổ chức hội nghị toàn cầu về đấu tranh với các hình thức tội phạm mạng.

Trước đó, tại thượng đỉnh ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề cập với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề an ninh mạng, cho rằng nhiều cuộc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu với Washington xuất phát từ bên trong lãnh thổ do Moscow quản lý.

Khi ấy, tuyên bố của ông Lavrov là cách Nga khéo léo phủ nhận sự liên quan tới các vụ tấn công mạng nhắm vào Mỹ, đồng thời thể hiện thiện chí lắng nghe, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề chung.

Duy trì sự thận trọng

Song mặt khác, cả Moscow và Washington vẫn duy trì khoảng cách thận trọng. Với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đó là tránh kích động tâm lý bài Nga của một bộ phận người dân và chính trị gia lưỡng đảng. Trong khi đó, Moscow nhận thức rằng cả Washington và Bắc Kinh đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của mình trong cạnh tranh chiến lược hiện nay. Do đó, Nga vừa duy trì hợp tác, vừa giữ khoảng cách với Mỹ và Trung Quốc, nhằm gặt hái tối đa lợi ích từ cả hai.

Ngày 28/6, đề cập về quan hệ Nga-Mỹ trong cuộc họp trực tuyến với Ủy ban Dân chủ Quốc gia (DNC), Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ phản ứng với Nga trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công mạng hay can thiệp vào nền kinh tế Mỹ.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khuyên công dân không nên du lịch tới Nga. Trong danh sách tính đến ngày 28/6, Nga vẫn được xếp vào mức 4 – “không nên tới”. Theo đó, Washington cảnh báo công dân không nên đi tới vùng Bắc Caucasus, bao gồm Chechnya, Mount Elbrus “do các nguy cơ khủng bố, bắt cóc và bất ổn xã hội”, cũng như Crimea “do sự chiếm đóng của Nga.”

Moscow nhận thấy cả Washington và Bắc Kinh đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của mình trong cạnh tranh chiến lược hiện nay. Do đó, Nga vừa duy trì hợp tác, vừa giữ khoảng cách với Mỹ và Trung Quốc, nhằm gặt hái tối đa lợi ích.

Trước đó, ngày 20/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Mỹ đã tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty Nga tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Ngay sau đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã cho rằng không thể ổn định và bình thường hóa quan hệ song phương bằng các biện pháp trừng phạt. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích đây là “hoạt động bất hợp pháp của Mỹ”.

Moscow duy trì lập trường kiên định trong các vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là liên quan đến Biển Đen, bán đảo Crimea hay chiến sự vùng Donbass, Đông Ukraine. Ngày 23/6, Nga cho biết Hạm đội Biển Đen của nước này cùng các lực lượng hỗ trợ đã nổ súng cảnh cáo tàu khu trục Defender (Anh) ở ngoài khơi mũi Fiolent, bán đảo Crimea, vốn đang chuẩn bị tập trận chung Seabreeze với Mỹ và Ukraine tại Tây Bắc Biển Đen. Moscow khẳng định sẽ theo dõi sát sao mọi động thái ở khu vực này, đặc biệt là tàu khu trục USS Ross (Mỹ) đang tham gia cuộc tập trận trên.

Về vấn đề Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng với cách tiếp cận hiện nay, Mỹ “không có gì để làm ở Donbass”. Theo ông, Mỹ chỉ có thể tham gia hòa giải nếu Washington thuyết phục Kiev tuân thủ thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết xung đột Đông Ukraine.

Như vậy, sau thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/6 giữa ông Joe Biden và ông Vladimir Putin, quan hệ song phương đã có một số thay đổi tích cực. Tuy nhiên, vì lợi ích đối nội và chiến lược đối ngoại, cả Washington và Moscow đều duy trì khoảng cách nhất định. Tiến triển trong thận trọng là vậy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-nga-my-hau-thuong-dinh-tien-trien-trong-than-trong-149923.html