Quan hệ Nga-Đức liệu có ấm hơn?

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Đức đang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine và căng thẳng truyền thông giữa hai nước, ngày 2/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow có thể xem là một tín hiệu tích cực.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: TASS)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Nguồn: TASS)

Trên kênh truyền hình ZDF của Đức, Thủ tướng Scholz khẳng định, "ông sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Putin tại Moscow về những chủ đề cần thiết... Chuyến thăm đã được lên kế hoạch và sẽ sớm diễn ra”.

Chuyến thăm đã được lên kế hoạch đã kéo theo hy vọng quan hệ Nga-Đức sẽ sớm hạ nhiệt.

Thông tin về chuyến thăm được công bố trong bối cảnh quan hệ Nga-Đức đang căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine và việc Ủy ban Giám sát Truyền thông của Đức mới đây đã cấm phát sóng kênh truyền hình RT tiếng Đức (RT DE) với lý do thiếu giấy phép cần thiết.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/2 đưa ra tuyên bố cho hay, Moscow sẽ thực thi các biện pháp trả đũa đối với các hãng truyền thông Đức đăng ký hoạt động tại LB Nga.

Tuyên bố nêu rõ: “Quyết định của Cơ quan quản lý truyền thông Đức là tín hiệu rõ ràng cho thấy mối quan ngại của Nga bị phớt lờ.

Bước đi này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa chống lại truyền thông Đức đăng ký tại Nga, cũng như các tổ chức trung gian Internet đã xóa tài khoản của kênh truyền hình (RT DE - pv) khỏi nền tảng của họ một cách tùy tiện và bất hợp lý”.

Cũng trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, kênh RT DE hoạt động trên cơ sở giấy phép phát sóng vệ tinh do Serbia cấp và hoàn toàn tuân thủ Công ước châu Âu về Truyền hình xuyên biên giới mà Đức cũng tham gia.

Vì thế, Moscow sẽ không thể không đưa ra các biện pháp đối phó, nếu như Berlin từ chối tìm ra giải pháp mang tính xây dựng trong vấn đề này.

Trong khi đó, người đứng đầu Đài truyền hình RT, bà Margarita Simonyan, ngày 2/2 cho biết, kênh tiếng Đức của mạng này sẽ tiếp tục phát sóng.

Hiện kênh RT DE vẫn đang hoạt động trên mạng Internet và ứng dụng di động sau khi bị chặn trên mạng vệ tinh của châu Âu từ ngày 22/12/2021 theo yêu cầu của nhà chức trách Đức, chưa đầy một tuần sau khi phát sóng.

(theo TASS, AFP)

Thúy Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-nga-duc-lieu-co-am-hon-172897.html