Quan hệ Israel-các nước Ả Rập thêm trắc trở do xung đột tại Dải Gaza

Xung đột Israel-Hamas có thể đặt ra nhiều thách thức cho quá trình Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập.

Tháng 9-2023 đánh dấu 3 năm Hiệp định Abraham được ký kết. Hiệp định này được xem là một điểm sáng trong quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập, trong bối cảnh những bất đồng giữa hai bên kéo dài nhiều thập niên, theo trang tin Euractiv.

Hiệp định Abraham tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để Israel và các bên ký kết hợp tác và xây dựng lòng tin. Đặc biệt, hiệp định này tạo đà để Israel đàm phán thiết lập quan hệ với các nước Ả Rập.

 Lễ ký kết Hiệp định Abraham vào tháng 9-2020. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Lễ ký kết Hiệp định Abraham vào tháng 9-2020. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định trong bối cảnh xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (đang kiểm soát Dải Gaza của người Palestine) nổ ra, quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Hiệp ước lịch sử

Tháng 9-2020, Hiệp định Abraham được ký kết giữa Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain, dưới sự bảo trợ của chính phủ Mỹ. Morocco và Sudan cũng tham gia vào hiệp định này, lần lượt vào tháng 12-2020 và tháng 1-2021.

Theo hiệp định, các quốc gia đồng ý “theo đuổi tầm nhìn về hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Trung Đông và trên toàn thế giới”. Ngoài ra, các nước còn nhất trí về việc hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, y học, thương mại.

Theo Euractiv, việc ký hiệp định trên mở ra một kỷ nguyên mới cho bình thường hóa và hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập. Hiệp định này không chỉ kết nối các chính phủ mà còn gắn kết người dân lại với nhau, bất chấp sự khác biệt về ngôn ngữ, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa,…

Kể từ khi hiệp định được ký kết, quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập tham gia hiệp định có nhiều bước tiến đáng ghi nhận.Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2022 thương mại giữa Israel và các quốc gia Trung Đông khác tăng 74%.

Ngoài ra, lượng khách du lịch Israel đến các nước này cũng tăng vọt. Năm 2021, số lượt khách Israel đến UAE tăng 172% so với năm trước đó. Số lượng người Israel đến Bahrain cũng tăng mạnh kể từ khi hai nước thiết lập đường bay thẳng.

Euractiv nhận định Hiệp định Abraham có tác động tích cực đáng kể đến việc củng cố mối quan hệ của Israel với các nước láng giềng, qua đó tăng cường sự ổn định trong khu vực.

 Lễ ký kết Dự án Thịnh vượng giữa đại diện các nước Israel, UAE và Jordan vào tháng 11-2022. Ảnh: WAM

Lễ ký kết Dự án Thịnh vượng giữa đại diện các nước Israel, UAE và Jordan vào tháng 11-2022. Ảnh: WAM

Năm 2022, Israel, UAE và Jordan ký Dự án Thịnh vượng. Theo dự án này, các nước đồng ý xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời với công suất 600 MW tại Jordan. Điện từ nhà máy này sẽ được xuất khẩu sang Israel. Đổi lại, một nhà máy khử muối được xây dựng tại Israel và sẽ cung cấp 200 triệu m3 nước sạch tới Jordan.

Hiệp định Abraham cũng khuyến khích sự hợp tác về mặt giáo dục. Năm 2022, ĐH Ben-Gurion (Israel) đón các sinh viên Morocco đến tham quan. Ngoài ra, một số sinh viên của UAE đã đăng ký vào học tại các trường đại học của Israel. Bahrain cũng ký một số thỏa thuận với Israel để thúc đẩy các hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên.

Thách thức vẫn còn phía trước

Hồi cuối tháng 8, trong bài viết kỷ niệm 3 năm Hiệp định Abraham, Viện Nghiên cứu Ả Rập tại Mỹ (tổ chức nghiên cứu các nước thuộc thế giới Ả Rập) nhận định hiệp định này bỏ qua những thách thức mang tính gốc rễ tác động đến nền hòa bình ở Trung Đông.

Do vậy, dù có mang lại một số yếu tố tích cực cho khu vực về ngắn hạn, Hiệp định Abraham khó có thể đóng góp cho nền hòa bình và ổn định của khu vực, theo Viện Nghiên cứu Ả Rập.

Cuộc xung đột Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7-10 một phần nào đó chứng minh nhận định trên là đúng.

Theo đó, mục đích chính của Hiệp ước Abraham là thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Tuy nhiên, xung đột đang khiến cho mục tiêu này khó có thể đạt được trong tương lai gần.

Trước khi xung đột nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu rất lạc quan khi nói quan hệ giữa nước ông và Saudi Arabia trong tương lai.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, Hiệp định Abraham đã báo trước buổi bình minh của một thời đại hòa bình mới. Tôi tin rằng chúng ta đang ở đỉnh cao của một bước đột phá ấn tượng hơn, đó là một nền hòa bình lịch sử giữa Israel và Saudi Arabia. Hòa bình giữa Israel và Saudi Arabia sẽ thực sự tạo ra một Trung Đông mới" - ông Netanyahu nói.

 Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Ảnh: AP

Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9. Ảnh: AP

Tuy nhiên, tình hình hiện tại không khả quan như những gì ông Netanyahu phát biểu.

Sau khi Israel không kích nhằm trả đũa cuộc tấn công của phong trào Hamas vào ngày 7-10, phía Saudi Arabia bày tỏ sự lo ngại về tình hình đang diễn ra.

Theo đó, Saudi Arabia quan ngại về số phận của người Palestine ở Dải Gaza và có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm “ngăn chặn sự leo thang” của xung đột.

Hôm 13-10, Saudi Arabia lên án các cuộc tấn công nhằm vào "thường dân không có khả năng tự vệ" ở Dải Gaza. Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất của Saudi Arabia nhằm chỉ trích Israel kể từ khi xung đột nổ ra.

Ngày 14-10, hãng AFP dẫn một nguồn tin cho biết Saudi Arabia "đã quyết định tạm dừng quá trình thảo luận về khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel và đã thông báo cho các quan chức Mỹ”.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ thừa nhận rằng trong bối cảnh xung đột hiện nay, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel là điều không dễ.

Ngày 7-10 - thời điểm Hamas tấn công Israel, Thượng nghị sĩ Mỹ - bà Joni Ernst (thuộc đảng Cộng hòa) đang có mặt tại Saudi Arabia để thảo luận về quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

“Chúng tôi rời cuộc họp vào đêm hôm trước (ngày 6-10) với sự lạc quan. Sau đó, khi chúng tôi biết về các cuộc tấn công vào Israel, chúng tôi thực sự lo ngại điều này có thể khiến nhiệm vụ của chúng tôi trở nên khó khăn hơn nhiều. Quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia có thể sẽ bị trì hoãn một thời gian” - bà Ernst nói.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng nhận định rằng xung đột Israel-Hamas có thể làm chậm quá trình phát triển quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập.

Trả lời tờ The Print, ông Arjun Hardas - thành viên tổ chức Ủy ban Do thái Mỹ - nhận định: “Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel sẽ làm gián đoạn các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Israel và các nước Ả Rập”.

Trong khi đó, theo ông Muddassir Quamar - phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á của ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cuộc xung đột hiện nay sẽ tạo nên một bước lùi tạm thời trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập.

Bà Myriam Benraad - nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại ĐH Schiller (Pháp) - cho rằng xung đột Israel-Hamas có thể làm leo thang căng thẳng giữa Israel và các nước Ả Rập.

“Ngoài quan hệ Israel-Palestine, quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập sẽ cực kỳ căng thẳng. Hamas đang theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn nhằm ngăn chặn các nước Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel” - bà Benraad nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quan-he-israel-cac-nuoc-a-rap-them-trac-tro-do-xung-dot-tai-dai-gaza-post757760.html