Quan hệ Indonesia-Singapore: Chủ nghĩa thực dụng đang trưởng thành

Bất chấp những khúc ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ để lại những 'tài sản' trong quan hệ song phương tốt hơn nhiều so với lúc họ bắt đầu xây dựng chúng.

Tầm nhìn xa hơn các vấn đề đối nội

Chuyến thăm của Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo tới Singapore vào tháng trước diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với quan hệ Indonesia-Singapore. Việc Indonesia phê chuẩn trước ba thỏa thuận với Singapore, bao gồm thỏa thuận về quản lý vùng trời, hợp tác quốc phòng và dẫn độ tội phạm theo Khuôn khổ mở rộng năm 2022 đã giúp loại bỏ những chướng ngại trong quan hệ song phương, đồng thời mở đường cho sự can dự sâu sắc hơn trong các lĩnh vực chiến lược có lợi cho cả hai nước.

Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc họp báo chung tại khách sạn Istana ở Singapore sau cuộc họp thượng đỉnh song phương hồi tháng 3 vừa qua. Nguồn: Ảnh: AFP

Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc họp báo chung tại khách sạn Istana ở Singapore sau cuộc họp thượng đỉnh song phương hồi tháng 3 vừa qua. Nguồn: Ảnh: AFP

Sự gắn kết ngày càng sâu sắc này đã được đánh dấu vào trung tuần tháng 3 khi Tổng thống Jokowi và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ký 6 Biên bản ghi nhớ (MoU) trên phạm vi rộng và 9 thỏa thuận giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Cuộc gặp hiệu quả này đã minh họa cách thức hai quốc gia có quy mô hoàn toàn khác biệt có thể tăng cường lòng tin chính trị và hợp tác mang tính xây dựng vì lợi ích chung.

Lấy một ví dụ, cuộc gặp Jokowi-Lee đã đặt nền móng cho một tương lai chung được hình thành bởi tinh thần kinh doanh công nghệ văn hóa và công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo. Một trong những MoU như vậy là chương trình Tech: X, đại diện cho tương lai của mối quan hệ Indonesia-Singapore bằng cách biến những người trẻ tuổi trở thành tâm điểm cho những nỗ lực chung của cả hai nước nhằm nuôi dưỡng tài năng công nghệ.

Cuộc thượng đỉnh kín giữa Tổng thống Jokowi và Thủ tướng Lý đã cho phép hai nhà lãnh đạo giải quyết các vấn đề phức tạp một cách thẳng thắn, trong khi tránh được ánh mắt soi mói của công chúng. Trong nhiệm kỳ tương ứng của mình, cá nhân hai nhà lãnh đạo đã cho thấy khả năng vượt qua những trở ngại trong nước như chủ nghĩa dân tộc Indonesia và sự phân cực chính trị. Do đó, cuộc gặp phản ánh “chủ nghĩa thực dụng đang trưởng thành” trong quan hệ Indonesia-Singapore, khi cả hai đã nhìn xa hơn các vấn đề đối nội để tập trung vào các lĩnh vực có chung lợi ích hoặc cả hai cùng quan tâm.

Cái nhìn thực dụng của hai nhà lãnh đạo là điều kiện tiên quyết để đạt được một mối quan hệ cộng sinh và bình đẳng, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của của cá nhân trong ngoại giao song phương hiệu quả. Điều này đã giúp làm dịu tư tưởng “anh cả” của Indonesia đối với Singapore, và nhận thức của nước này về Singapore như một “chấm nhỏ”. Cách nhìn bình đẳng sẽ rất quan trọng để đảm bảo một tương lai bền vững cho quan hệ Indonesia-Singapore.

Chất xúc tác mang tên “ngoại giao Nusantara”

Với việc Indonesia đặt mục tiêu thay thế Jakarta bằng thủ đô quốc gia mới Nusantara, ở phía Đông Kalimantan nằm trên đảo Borneo, vào năm 2024, chính quyền của Tổng thống Jokowi đã xác định Singapore là nguồn đầu tư hàng đầu cho dự án khổng lồ này. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Indonesia kể từ năm 2014 và Tổng thống Jokowi đã tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Lý rằng đã có ít nhất 20 thư ngỏ ý muốn đầu tư vào Nusantara từ các công ty Singapore. Do tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài đối với sự thành công của dự án Nusantara, nguồn đầu tư của Singapore sẽ đóng vai trò then chốt trong sự bền vững của Nusantara với tư cách là thành phố thủ đô mới. Đối với Singapore, chuyển trọng tâm sang Nusantara cũng phù hợp với mục tiêu chiến lược của họ là đầu tư ra “ngoài” Jakarta.

Theo các nghiên cứu khoa học, Đông Kalimantan là một trong những địa điểm an toàn nhất của quốc đảo này vì ít chịu tác động của các trận động đất, núi lửa và sóng thần mà quốc gia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương này thường xuyên phải hứng chịu. Số liệu từ Cơ quan Quy hoạch và Phát triển quốc gia Indonesia công bố, tổng diện tích đất cho thủ đô mới sẽ vào khoảng 256.143ha (khoảng 2.561km2). Địa điểm này nằm giữa những khu rừng nhiệt đới nguyên sơ và các nhà quy hoạch mong muốn thủ đô mới được xây dựng như một khu du lịch sinh thái của Indonesia.

Trang The Diplomat thông tin, việc xây dựng thủ đô mới sẽ bắt đầu trong năm 2022, với ngân sách được cho là có thể lên đến 35 tỷ USD. Dự kiến nguồn vốn của Chính phủ Indonesia đóng góp khoảng 20% kinh phí, phần còn lại lấy từ vốn đầu tư và liên doanh.

Cùng với “Tầm nhìn quần đảo” (tiếng Indonesia là Wawasan Nusantara - học thuyết ưu tiên thống nhất các quần đảo thuộc Indonesia đồng thời tôn trọng sự đa dạng của nó để đạt được sự hài hòa xã hội, thịnh vượng chung, tiến bộ và các mục tiêu quốc gia khác), thì học thuyết “ngoại giao Nusantara” hiện cũng là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Tận dụng dự án thành phố thủ đô mới, chính sách ngoại giao Nusantara nhằm mục đích nâng cao hình ảnh của Indonesia trong các mối quan hệ đối ngoại đồng thời khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người dân trong nước. Thông qua lăng kính ngoại giao Nusantara, Indonesia đang thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, cho phép Singapore cưỡi trên làn sóng Nusantara để khuếch đại hơn nữa lợi ích kinh tế của mình về thương mại và đầu tư.

Thực tiễn ngoại giao Nusantara trong chính sách đối ngoại của Indonesia là một phần không thể thiếu trong việc đưa quan hệ Indonesia-Singapore lên một tầm cao mới, điều cần thiết để Indonesia đóng vai trò là một nước đa phương tích cực trong khu vực thông qua ASEAN đặt trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn và giúp Indonesia củng cố vị thế của mình như một cường quốc tầm trung thế tục với các đặc điểm Hồi giáo.

Việc Indonesia tiếp tục được coi là một lực lượng ôn hòa, văn minh có tác động tích cực đến Singapore, vì điều đó là báo hiệu tốt cho hòa bình và ổn định khu vực. Việc nhấn mạnh vào đối thoại văn minh và đa dạng văn hóa, đặc biệt là ở cấp độ giữa người dân với người dân, tạo ra một nền tảng vững chắc hơn nữa cho quan hệ Indonesia-Singapore, nhất là điều đó có thể được coi như một biện pháp đối phó với chủ nghĩa cực đoan, bạo lực.

Gắn kết trong ASEAN

Đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, Indonesia sẽ phải chứng tỏ vai trò ngoại giao tiên tiến của mình bằng cách cho thấy khả năng lãnh đạo sáng tạo và tham vấn để đối phó với các thách thức khu vực, chẳng hạn như vấn đề Myanmar; đồng thời thu hút sự ủng hộ của các thành viên ASEAN, trong đó có Singapore. Với thực tế là Indonesia và Singapore hầu như có cùng quan điểm trong vấn đề Myanmar, Indonesia sẽ phải trông cậy vào Singapore để hỗ trợ các nỗ lực của họ với tư cách là một trung gian hòa giải đa phương và nhà môi giới trung thực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Mối quan hệ Indonesia-Singapore càng mạnh mẽ, ASEAN sẽ càng mạnh mẽ và gắn kết hơn với tư cách là một tổ chức khu vực, do tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với toàn khu vực.

Trong tương lai gần, hai nước sẽ phải trải qua “bài kiểm tra” để xem liệu những biên bản ghi nhớ vừa được ký kết có bị tấn công bởi chính trị trong nước hay không, đặc biệt là ở Indonesia. Tất nhiên, những căng thẳng tiềm ẩn về các vấn đề như khói mù xuyên biên giới vẫn còn. Nhưng trong bầu không khí tích cực hiện nay, và với khuôn khổ tham vấn và hợp tác hiện có, các vấn đề gây tranh cãi có thể được giải quyết một cách thân thiện.

Rời nhiệm sở với quan hệ Indonesia-Singapore đang ở đỉnh cao sẽ củng cố di sản của Tổng thống Jokowi với tư cách là một chính khách lớn tuổi trong thời đại của ông, điều sẽ chỉ được nhấn mạnh nếu ông giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar trong nhiệm kỳ của mình. Khi Indonesia bước sang một kỷ nguyên chính trị mới vào tháng 10 năm sau, chắc chắn vị cựu Tổng thống này sẽ được nhớ đến như một người bạn tốt và đáng tin cậy của Singapore.

Bất chấp những khúc ngoặt đánh dấu bất kỳ mối quan hệ song phương nào, điều đáng mừng là mối quan hệ đối tác giữa Singapore và Indonesia đang dần trưởng thành. Quỹ đạo đi lên ổn định này dự kiến sẽ tiếp tục được thúc đẩy bất chấp những thay đổi có thể trong chính phủ, vì thế hệ lãnh đạo tiếp theo ở cả hai quốc gia dường như đều nhận thức được những lợi ích chung của con đường hợp tác.

Quốc Đạt (Theo The Diplomat)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/quan-he-indonesia-singapore-chu-nghia-thuc-dung-dang-truong-thanh-i322454/