Quan hệ anh em trong gia đình Nam Bộ

Đối với chị, em gái, người anh hoặc em trai luôn kính nể, tránh sỗ sàng, chửi mắng, rầy la thô tục.

Hình ảnh trong "Đất rừng Phương Nam" - bộ phim gửi thông điệp về tình thân.

Thông thường, anh chị em một cha, khác cha, khác mẹ nhưng vẫn được đối xử bình đẳng, không phân biệt trừ ngoại lệ. Lắm khi, đối với người ngoài gia đình, anh em khác cha, khác mẹ luôn che giấu sự khác biệt ấy, ai quá tò mò thì mới nói sự thật.

Đối với chị, em gái, người anh hoặc em trai luôn kính nể, tránh sỗ sàng, chửi mắng, rầy la thô tục. Lắm khi trong việc chia gia tài, dành ưu tiên cho chị hoặc em gái.

Cha hoặc mẹ mất, sự gắn bó giữa anh em dòng họ là nguyên tắc biểu lộ sự hiếu thảo. Đã vài trường hợp anh chị em mắng chửi tục nhau, thậm chí không cho làm lễ di quan khiến dư luận phê phán nghiêm khắc, thậm chí người hàng xóm dầu ở địa vị xã hội khiêm tốn vẫn có thể công khai phản đối.

Đám giỗ:

Lễ giỗ trong gia đình là lệ khó bỏ qua được, ngay những năm đầu mới giải phóng, dường như hạn chế nhưng vẫn duy trì. Từ mấy năm qua lắm khi lại rình rang.

Theo nguyên tắc, nếu ở gần nhau, anh em thường tổ chức lễ giỗ cha hoặc mẹ hoặc ông bà ở nhà nào rộng rãi nhất, có người trưởng thượng đầy đủ uy tín với anh em. Tùy hoàn cảnh, anh chị em gom góp công sức; dịp tốt để bà con anh em gặp mặt nhau, vui vẻ trong một buổi. Góp công sức vẫn là quan trọng hơn tiền bạc. Ngoài người của gia đình còn bạn bè quen biết, thân thuộc. Thời xưa, con gái không được làm đám giỗ cha mẹ mình ở nhà chồng. Ngày nay, người chồng thường vui vẻ làm lễ giỗ cho cha mẹ vợ tại nhà mình.

Thờ cúng ông bà phải chăng là dạng tôn giáo dân gian? Nhiều nhà nghiên cứu đã bàn cãi. Đã bảo là tôn giáo (đạo thờ cúng ông bà) thì ai là chức sắc, như trường hợp thượng tọa trụ trì ở chùa hoặc linh mục cai quản giáo xứ bên đạo Thiên Chúa. Dứt khoát đã có câu trả lời: người con trưởng nam, đúng hơn là người giữ gìn hương hỏa (được cha mẹ chỉ định hoặc anh em ủy quyền) mặc nhiên là chủ lễ, với quyền hạn gần như tuyệt đối:

- Qui định thời điểm cử hành (10 giờ hoặc 12 giờ... tùy hứng).

- Mời khách quan trọng đến dự, có thể là bạn thân của người quá cố, người mà gia đình chịu ơn lúc trước.

- Có thể đưa thực đơn cúng giỗ (cúng với món ăn mà người quá cố ưa thích, lắm khi rẻ tiền).

- Thắp nhang trước tiên để khai mạc lễ giỗ, sau đó, anh em mới thắp nhang sau. Có thể là người trưởng nam nghèo túng, thất học, nhưng anh em dòng họ vẫn phải tôn trọng và kính nể.

- Ra lệnh chấm dứt lễ giỗ và dọn mâm cỗ.

Trên nguyên tắc, hương hỏa là ngọn đèn (thếp nến) luôn cháy ngày đêm và nén hương trên bàn thờ tiêu biểu cho sự trường tồn của dòng họ. Ngày nay, đơn giản hơn, thắp ngọn đèn trứng vịt, đốt nhang từ ngọn đèn, không được tùy tiện dùng hộp quẹt cá nhân mà đốt.

Sơn Nam/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/quan-he-anh-em-trong-gia-dinh-nam-bo-post1460031.html