Quan hệ Ấn Độ-Canada hứa hẹn 'thăng hoa' trong Năm Chủ tịch G20 của New Delhi

Vị khách quan trọng đầu tiên của Canada đến Ấn Độ sẽ là Ngoại trưởng Mélanie Joly, với chuyến thăm dự kiến vào tháng 3/2023.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chuyến thăm Đền vàng Harmandir Sahib ở Amritsar, bang Punjap, Ấn Độ ngày 21/2/2018. (Nguồn: PTI)

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chuyến thăm Đền vàng Harmandir Sahib ở Amritsar, bang Punjap, Ấn Độ ngày 21/2/2018. (Nguồn: PTI)

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Canada có thể được thúc đẩy mạnh mẽ vào năm tới, khi có tới 8 bộ trưởng nội các và Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến đến đất nước sông Hằng tham gia các sự kiện trong khuôn khổ Năm Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ.

Ấn Độ dự kiến đón Ngoại trưởng Mélanie Joly vào tháng Ba tới. Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Canada đã có cuộc trao đổi vào tuần trước và theo một quan chức cấp cao Canada, “cuộc điện đàm rất tích cực và các bộ trưởng mong được gặp nhau vào đầu năm 2023”.

Bà Mélanie Joly dự kiến tham gia Đối thoại Raisina do Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao. Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand, vốn là người gốc Ấn Độ, có thể cùng tham dự diễn đàn đa phương trên.

Một số bộ trưởng khác trong nội các Canada cũng sẽ tới Ấn Độ trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9/2023 – sự kiện đánh dấu sự trở lại New Delhi của Thủ tướng Justin Trudeau kể từ chuyến thăm vào tháng 2/2018.

Đại sứ Canada tại New Delhi Cameron Mackay, hiện ở Ottawa, đã “cuộc thảo luận tuyệt vời” với Ngoại trưởng Joly, bàn về biện pháp “làm sâu sắc thêm mối quan hệ” giữa Canada và Ấn Độ.

Đăng tải trên Twitter, ông khẳng định, “năm 2023 sẽ là một năm tuyệt vời” trong quan hệ song phương.

Đồng quan điểm với ông Cameron Mackay, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Ottawa Ajay Bisaria nhận định, năm 2023 “sẽ là năm tái cài đặt quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Canada” và “chứng kiến sự liên kết địa chính trị và địa kinh tế mạnh mẽ hơn”.

Ông Bisaria cho rằng, với việc Thủ tướng Trudeau và 8 bộ trưởng dự kiến thăm Ấn Độ, “các sáng kiến song phương nên được thúc đẩy, đặc biệt là về các vấn đề kinh tế, năng lượng, công nghệ, khí hậu và quốc phòng”.

Theo nhà ngoại giao Ấn Độ, “bản năng của Ấn Độ sẽ là giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề song phương ngay cả khi nước này xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề toàn cầu với tư cách là Chủ tịch G20”.

Ở khía cạnh kinh tế, giới quan sát kỳ vọng hai bên sẽ chính thức ký kết Hiệp định thương mại tiến bộ sớm (EPTA) trong năm nay, làm bước đệm tiến tới ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Ấn Độ-Canada (CEPA).

Ông Ajay Bisaria nói thêm: “Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Canada công bố gần đây, trong đó Ấn Độ là đối tác quan trọng và Trung Quốc là cường quốc gây rối, có cả sự thúc đẩy địa chính trị và ý chí chính trị song phương mạnh mẽ để tiến tới cam kết mới đối với EPTA”.

Còn theo ông Victor Thomas, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Canada-Ấn Độ, “khi Ấn Độ bước lên vũ đài toàn cầu với tư cách là Chủ tịch G20, Canada có cơ hội duy nhất để hoàn thành EPTA vào năm 2023”.

Theo dữ liệu chính thức, xuất khẩu của Canada sang Ấn Độ vào năm 2021 trị giá gần 3 tỷ CAD (2,21 tỷ USD) trong khi nhập khẩu ở mức gần 6 tỷ CAD (4,42 tỷ USD).

(theo Hindustan Times)

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quan-he-an-do-canada-hua-hen-thang-hoa-trong-nam-chu-tich-g20-cua-new-delhi-210334.html