Quận Hai Bà Trưng: Đầu tư dài hơi đáp ứng 'chất' và 'lượng' cho giáo dục

Để đáp ứng tốc độ đô thị hóa lớn kéo theo số lượng học sinh gia tăng nhanh trên địa bàn, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã triển khai hệ thống giải pháp đồng bộ mang tính dài hơi trong công tác đầu tư cho hệ thống trường học, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn.

Gia tăng đáng kể số trường, lớp, phòng học

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, UBND quận đã triển khai thực hiện và hoàn thành nhiều dự án để đáp ứng số học sinh gia tăng nhanh, trong đó có các dự án xây mới hoặc cải tạo nâng cấp các trường học. Cụ thể, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án xây dựng trên điểm đất mới là trường Mầm non Ngô Thì Nhậm tại số 41 phố Trần Xuân Soạn.

Cùng đó, xây dựng trên điểm đất mới đang triển khai thực hiện, có 2 dự án là xây trường THCS tại khu đất ký hiệu khu B số 3 phố Lương Yên, phường Bạch Đằng và xây trường Tiểu học tại điểm đất số 349 phố Minh Khai, phường Vĩnh Tuy. Về xây mới trên điểm đất hiện có thì có dự án xây trường Mầm non Ánh Sao tại số 230 phố Lạc Trung. Đồng thời, quận cũng triển khai cải tạo, mở rộng các trường Tiểu học Quỳnh Mai, THCS Quỳnh Mai, Tiểu học Trung Hiền…

“Các dự án trên được thực hiện đã góp phần đáng kể gia tăng số trường, lớp, phòng học để đáp ứng một phần nhu cầu giáo dục trên địa bàn quận”- ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Năm học 2023-2024, quận Hai Bà Trưng đã có 45/61 trường công lập chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 73,77%

Bên cạnh nhiều dự án đã hoàn thành, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng trường học. Điển hình là dự án xây dựng những ngôi trường trên điểm đất mới, gồm: Trường Mầm non Đồng Tâm tại số 163 phố Đại La, trường Mầm non tại khu đất ao Vét Bùn I - II, trường Mầm non tại số 418 phố Bạch Mai, trường Tiểu học tại số 418 phố Bạch Mai, trường THCS tại khu đất ao Mẫu Tư 1 - 2 phường Trương Định. Đồng thời, dự án xây dựng trường Mẫu giáo Chim Non đang được triển khai chuẩn bị đầu tư trên điểm đất hiện có

Song song đó, quận đang triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo, mở rộng hàng loạt trường học là Tiểu học Minh Khai, THCS Nguyễn Phong Sắc, THCS Tô Hoàng, THPT Thăng Long, THPT Đoàn Kết.

Đáng chú ý, về việc xây dựng trường cấp III công cập, lãnh đạo UBND quận thông tin, căn cứ quy hoạch HI-4 và H2-4, có một số điểm đất trên địa bàn quận được quy hoạch là đất trường THPT, cụ thể có: Điểm đất ký hiệu D2/THPT2 tại phố Mạc Thị Bưởi, 2 điểm đất ký hiệu D3/THPT1 và C3/THPT1 tại phố Minh Khai, điểm đất ký hiệu A1/THPT1 tại phố Hoa Lư - Bộ Xây dựng. Hiện các điểm đất này do các Công ty sử dụng đất đang quản lý, sử dụng. Để có cơ sở triển khai đầu tư các trường THPPT, ngày 13/9/2023, UBND quận đã có Văn bản số 1539/UBND-QLĐT gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị xem xét giao UBND quận lập dự án xây dựng trường THPT tại điểm đất số 14 phố Mạc Thị Bưởi (của Công ty cổ phần thực phẩm Miền Bắc).

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành báo cáo UBND TP nghiên cứu phương án giao UBND quận thực hiện đầu tư các trường cấp 3 theo đúng quy hoạch”- ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Trường THCS Ngô Quyền (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia

Hoàn thành chỉ tiêu được giao về số trường đạt chuẩn tăng thêm

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cũng cho hay, với quan điểm coi giáo dục và đào tạo là nhân tố quan trọng, đảm bảo sự phát triển xã hội thời kỳ hội nhập, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục - đào tạo, công tác giáo dục được quan tâm đúng hướng. Trong đó luôn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất song song với đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Triển khai Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP Hà Nội về quy định giá dịch vụ tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của TP, quận đã thực hiện thí điểm đặt hàng cung cấp dịch vụ giáo dục sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước năm học 2023-2024 đối với 6 trường học gồm: Mầm non Hoa Phượng, Tiểu học Ngô Quyền, Tiểu học Trưng Trắc, Tiểu học Bà Triệu, THCS Tô Hoàng, THCS Lương Yên.

Một tiết học về lịch sử truyền thống cách mạng quận Hai Bà Trưng tại trường Tiểu học Trưng Trắc

Triển khai Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 10/2/2022 của UBND quận về “Xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ngành giáo dục và đào tạo quận Hai Bà Trưng năm học 2023", đến nay, quận đã hoàn thành công nhận mới đối với trường THCS Tây Sơn và đón đoàn đánh giá ngoài công nhận lại đối với 2 trường Mầm non Lương Yên, Mầm non Vĩnh Tuy.

Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Đề án số 12-ĐA/QU ngày 31/8/2022 của Ban thường vụ Quận ủy về “Sắp xếp cơ sở vật chất và phân tuyến tuyển sinh tại các trường công lập đáp ứng mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025”, trong năm nay quận đã hoàn thành việc sáp nhập 6 trường học thành 3 trường, đó là: Sáp nhập trường Mầm non Lê Đại Hành và trường Mẫu giáo Bùi Thị Xuân thành Mầm non Lê Đại Hành, sáp nhập trường Mẫu giáo Sao Sáng và trường Mầm non Vân Hồ thành Mầm non Sao Sáng, sáp nhập trường Mầm non Hoa Thủy Tiên và trường Mầm non Bạch Đằng thành Mầm non Bạch Đằng.

“Trong 3 tháng cuối năm nay, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 10/2/2022 của UBND quận để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu TP giao về số trường đạt chuẩn Quốc gia tăng thêm mới trong năm 2023”- bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-hai-ba-trung-dau-tu-dai-hoi-dap-ung-chat-va-luong-cho-giao-duc.html