Quân đội Ukraine trước nguy cơ bị UAV cảm tử Nga xóa sổ toàn bộ hệ thống phòng không?

Hệ thống phòng không của Quân đội Ukraine nguy cơ sắp tuyệt chủng khi Nga tăng cường sử dụng máy bay không người lái cảm tử tìm diệt.

Quân đội Ukraine đang phải đối diện làn sóng tìm diệt các hệ thống phòng không, khi lực lượng vũ trang Nga tích cực thực hiện hình thức tác chiến này thông qua máy bay không người lái cảm tử.

Một đoạn video được đăng tải gần đây cho thấy một xe mang phóng tự hành của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M1 bị một UAV cảm tử chưa rõ chủng loại của Nga tiêu diệt đã thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông.

Khi đối phó phương tiện tác chiến thế hệ mới như máy bay không người lái, những hệ thống phòng không chế tạo từ hàng chục năm trước của Ukraine rõ ràng rất khó đối phó, bởi tại thời điểm thiết kế, các công trình sư chưa thể hình dung về chiến trường hiện nay.

Nếu tình hình hiện tại được kéo dài, Quân đội Ukraine có nguy cơ không thể che phủ bầu trời trước những đòn tấn công từ máy bay hay tên lửa Nga, khi những hệ thống phòng không của họ sớm bị tiêu diệt sạch sẽ, ấn phẩm The Times nhận xét.

Tờ báo lưu ý rằng lực lượng vũ trang Nga đã thay đổi cách tiếp cận đối với các hoạt động tác chiến trên bầu trời Ukraine, họ bắt đầu sử dụng máy bay không người lái cảm tử với quy mô lớn hơn so với tháng trước và ngay lập tức phát huy tác dụng.

Một máy bay không người lái cảm tử ví dụ như Shahed-136 di chuyển với tốc độ thấp chỉ 150 - 170 km/h và mang đầu đạn nặng từ 20 đến 40 kg nhưng lại cực kỳ khó nhận biết hay bắn hạ. Các UAV cảm tử Nga đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Ukraine.

Các nhà phân tích Justin Bronk, Jack Watling và Nick Reynolds của tờ The Times cho biết, giải pháp rẻ nhất để chống lại chúng chỉ có thể là trang bị cho các hệ thống phòng không với radar tích hợp trên bệ phóng, điều này sẽ giúp cải thiện tầm nhìn đối với máy bay không người lái.

Để đối phó những chiếc Shahed-136 hay Lancet, vũ khí hữu hiệu nhất có lẽ chính là các tổ hợp pháo phòng không bắn nhanh như Gepard 1A2 của Đức hay Tunguska-M1, thậm chí cả ZSU-23-4M Shilka nâng cấp khi đáp ứng yêu cầu trên và giá thành từng phát bắn rất rẻ.

Nhưng thay vào đó, Kyiv lại đang đề nghị NATO viện trợ thêm nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tối tân, đắt tiền và có tầm hoạt động xa, cùng với giá thành mỗi phát bắn cực cao như IRIS-T, NASAMS hay thậm chí là SAMP/T.

Không chỉ có vậy, chính quyền Ukraine thậm chí còn kêu gọi phương Tây sớm viện trợ cho họ những máy bay chiến đấu như F-16 Fighting Falcon hay JAS-39 Gripen để có thể đánh chặn một cách chủ động hơn.

Điều này dẫn tới nhận định rằng Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine đang cố tình phóng đại thiệt hại đối với lực lượng phòng không của mình để viện trợ vũ khí từ phương Tây có thể tới tay họ nhanh hơn.

Thực chất Quân đội Ukraine vẫn còn kho tên lửa phòng không rất lớn, bao gồm đa dạng các chủng loại như Buk-M1, Osa-AKM, Strela-10, S-300V1, S-300PS... chưa kể còn nhiều bộ khí tài S-125 đang được niêm cất.

Hình ảnh một vài xe mang phóng tự hành của hệ thống Buk-M1 bị UAV cảm tử Nga tiêu diệt gần đây rõ ràng là quá nhỏ nhoi so với tổng số trang bị của phòng không Ukraine, khó mà dẫn tới tình trạng cạn kiệt.

Ukraine đã làm mọi cách để xin viện trợ từ khi xung đột bùng nổ, điều này giúp binh sĩ Kyiv được cung cấp rất nhiều vũ khí hiện đại.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-doi-ukraine-truoc-nguy-co-bi-uav-cam-tu-nga-xoa-so-toan-bo-he-thong-phong-khong-post522332.antd