Quân - dân Gia Lai đồng lòng, sát cánh chống hạn

Tỉnh Gia Lai đang trải qua đợt hạn hán kỷ lục, nhiệt độ có thể vượt qua mức cao nhất từng ghi nhận vào năm 2020. Dự báo, cuối tháng 4 và tháng 5, nhiệt độ ở một số nơi trên địa bàn tỉnh sẽ lên tới hơn 40 độ C, kết hợp với lượng mưa thấp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân, sẵn sàng phương án ứng phó.

Những giọt nước quý hơn tiền bạc

“Thôn khát” là từ mà người dân dùng để nói về thôn Đức Hưng, xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Bởi nơi đây đã nhiều tháng qua không có mưa, các con suối, ao hồ, giếng nước của người dân đều cạn trơ đáy; các công trình giếng khoan được chính quyền địa phương đầu tư bài bản phục vụ cho thôn Đức Hưng cũng hết nước từ lâu. Chị Lê Thị Huế, ở thôn Đức Hưng lo lắng: "Nhà tôi có 9 người mà nước dùng để ăn uống còn không đủ thì đừng nói đến nước tắm giặt, vệ sinh. Đã gần hai tháng nay, cứ vài ngày gia đình lại phải mua một bồn nước thể tích 2m3 với giá 200.000 đồng để ăn uống. Chị Trương Thị Duyên, ở thôn Đức Hưng cũng nói trong bất lực: “Đói cơm còn vay được mà ăn, chứ thiếu nước khổ lắm các anh ơi. Tháng trước em còn đi mót nước ở các con suối, ao, hồ, nhưng giờ thì những nơi đó cũng không còn một giọt nước nào nữa. Mua nước để ăn uống thì còn được chứ mua nước tắm giặt, vệ sinh thì gia đình không có đủ khả năng”.

Không chỉ có gia đình chị Huế, chị Duyên thiếu nước mà cả thôn Đức Hưng với 218 hộ/835 nhân khẩu cũng thiếu nước từ lâu. Ông Hoàng Văn Ga, trưởng thôn Đức Hưng thông tin, hầu như năm nào thôn cũng gặp hạn hán, thiếu nước nhưng chưa năm nào gay gắt như năm nay. Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã bắt đầu thiếu nước; một số gia đình bỏ ra hàng chục triệu đồng vét giếng nhưng cũng không có nước. Nước ở khu vực này gần như bị rút kiệt, người dân chủ yếu sống bằng nguồn nước từ lái buôn với giá 100.000 đồng/m3.

Trước thực trạng đó, từ ngày 18-4, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 72 (Binh đoàn 15) đã thành lập một tổ cấp nước sạch cho dân, hằng ngày sử dụng hai xe bồn, mỗi xe chở 8m3 nước đổ vào bồn chứa nước công trình giếng khoan của thôn Đức Hưng để người dân có thể lấy nước về sinh hoạt; đồng thời chở nước đến cấp cho từng hộ dân. Trực tiếp chỉ huy, điều hành cấp nước cho người dân, Thượng tá Bùi Đức Toản, Phó giám đốc Công ty 72 cho biết, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 72 xác định, cấp nước sinh hoạt, giúp nhân dân chống hạn là một nhiệm vụ chính trị và đơn vị sẽ nỗ lực hết mình. Song, nguồn nước đang khan hiếm nên việc lấy nước gặp nhiều khó khăn, Công ty phải điều hành lấy nước luân phiên ở các giếng khoan của đơn vị, nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Ông Hoàng Văn Ga thay mặt người dân thôn Đức Hưng cảm ơn nghĩa cử, việc làm thiết thực của Công ty 72 và khẳng định, những giọt nước “Bộ đội bảy hai” quý hơn tiền bạc.

Công ty 72 (Binh đoàn 15) cấp nước giúp người dân thôn Đức Hưng, xã Ia Nan (Đức Cơ, Gia Lai).

Nỗ lực chống hạn

Hạn hán đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng tại một số huyện của tỉnh Gia Lai, như: Kbang, Chư Păh, Mang Yang, Đak Đoa, Phú Thiện, Đức Cơ, Chư Prông. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 đợt nắng nóng. Nhiệt độ cao nhất đến nay đo được tại trạm Ayun Pa là 39 độ C vào ngày 8-4. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 275,8ha cây trồng bị hạn, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 7,26 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 công trình giếng khoan tại thôn Đức Hưng bị cạn, xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024. Xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước tại các địa phương. Theo đồng chí Võ Minh Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mang Yang, tính đến ngày 16-4, thiệt hại do nắng nóng, hạn hán trên địa bàn huyện ước tính hơn 700 triệu đồng. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán trước mắt và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, huyện Mang Yang đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa; gia cố các bờ đập bơm tát, tiến hành kiểm tra và sửa chữa, tu bổ công trình; khảo sát, đánh giá mực nước các công trình thủy lợi, khả năng bảo đảm nguồn nước, không mở rộng diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; quản lý chặt chẽ nguồn nước, vận hành hợp lý các công trình, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng...

Đồng chí Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các xã, thôn, làng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước. Đồng thời xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án, huy động lực lượng, phương tiện cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trong đó có sự giúp sức, hỗ trợ tích cực của các công ty thuộc Binh đoàn 15 đóng quân trên địa bàn huyện. Huyện cũng vừa quyết định xuất ngân sách dự phòng gần 200 triệu đồng để thuê đơn vị khoan giếng cung cấp nước cho người dân. Thời gian tới sẽ phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tiến hành khảo sát để xây dựng một nhà máy xử lý nước sạch phục vụ hơn 19.000 hộ dân trên địa bàn.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quan-dan-gia-lai-dong-long-sat-canh-chong-han-774667