Quan chức Mỹ nói Nga 'phóng xịt' siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat

Hãng tin CNN dẫn nguồn tin từ quan chức chính phủ Mỹ cho biết, Nga đã phóng xịt siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat trong một vụ thử nghiệm, vũ khí mà Moscow mô tả là 'mạnh nhất thế giới'.

CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Moscow đã báo trước cho Washington về vụ thử tên lửa hạt nhân chiến lược RS-28 Sarmat hôm 20/2.

Nga đã thông báo trước cho Mỹ thông qua các đường dây liên lạc đặc biệt nhằm ngăn ngừa những vụ hiểu lầm đáng tiếc. Đây là thông lệ thường xuyên diễn ra với cả Moscow và Washington.

Quan chức chính phủ Mỹ cũng nói rằng cuộc thử nghiệm không gây rủi ro cho Mỹ và Washington không coi cuộc vụ thử là động thái bất thường hay leo thang.

Các nguồn tin nói, vụ thử siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat dường như đã thất bại. Các quan chức Mỹ cho rằng, nếu vụ thử hôm 20/2 thành công thì ông Putin đã nêu bật thông tin này trong bài Thông điệp liên bang hôm 21/2.

Thay vào đó, ông Putin không đề cập đến vụ phóng trong bài phát biểu kéo dài 1 giờ 45 phút.

Tuy nhiên, ông đã tuyên bố rằng Nga sẽ tạm dừng tham gia START Mới, hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Moscow và Washington.

Việc Nga dừng tham gia START của Nga khiến Mỹ và cả thế giới lo ngại vì có thể khởi động cho việc chạy đua hạt nhân giữa hai cường quốc nguyên tử này.

Được biết, đây là lần thứ hai Nga phóng siêu tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat hoàn chỉnh, sau vụ thử đầu tiên diễn ra thành công hồi tháng 4/2022.

Hiện Bộ Quốc phòng Nga và giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin trên.

R-28 Sarmat sẽ được xem là lực lượng nòng cốt để bảo vệ an ninh quốc gia Nga trong 40-50 năm tới và tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga.

Quá trình phát triển RS-28 Sarmat đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước, vào năm 2011.

RS-28 là một trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin giới thiệu đầu năm 2018, từng trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước đợt phóng thử quả đạn hoàn chỉnh ngày 20/4/2022.

RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa phóng từ hầm chứa (silo) của Nga với một tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu lỏng.

Hệ thống tên lửa này nặng 200 tấn và có trọng lượng ném khoảng 10 tấn.

Tên lửa RS-28 Sarmat có thể chọc thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong hiện tại và tương lai.

Với 15 đầu đạn hoạt động độc lập tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ, RS-28 Sarmat được coi là loại tên lửa hạt nhân kinh hoàng nhất mà con người từng chế tạo.

RS-28 Sarmat có sức công phá gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu đi vào biên chế, chỉ cần một tên lửa loại này có thể thổi bay cả một quốc gia nhỏ.

"Nga đã từng và vẫn đang là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới", Tổng thống Putin phát biểu với các khán giả tham dự buổi đọc thông điệp liên bang tổ chức tại Moscow.

"Các quốc gia khác chỉ lắng nghe Nga khi chúng ta phát triển các hệ thống vũ khí mới", hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin - "Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe".

RS-28 Sarmat cũng là siêu tên lửa hạt nhân mạnh có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay khi lên tới 17.000 km.

RS-28 Sarmat sử dụng "công nghệ hồi quyển đa đầu đạn phân hướng độc lập" (MIRV) để tấn công, nghĩa là mỗi đầu đạn mà nó mang theo có thể độc lập tấn công từng mục tiêu riêng rẽ.

Tùy thuộc vào vị trí triển khai trên không trung và cách thức di chuyển, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách rất xa.

RS-28 Sarmat được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai, nhằm bảo đảm khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Điểm độc đáo của tên lửa hạt nhân RS-28 Sarmat là đường bay zích zắc khiến cho các hệ thống đánh chặn gần như "bất lực" khi đối phó với chúng.

Giới chức Nga hồi tháng 4/2022 cho biết những quả đạn đầu tiên dự kiến biên chế cho một đơn vị ở tỉnh Krasnoyarsk, cách thủ đô Moscow khoảng 3.000 km về phía đông.

Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa RS-28 Sarmat dự kiến sẽ được bàn giao cho quân đội Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quan-chuc-my-noi-nga-phong-xit-sieu-ten-lua-hat-nhan-rs-28-sarmat-post531821.antd