Quận Cầu Giấy xây dựng đô thị giáo dục hiện đại, sáng tạo

Sau 25 năm thành lập và phát triển, từ một vùng đất ven nội đô, hạ tầng kém phát triển, đến nay quận Cầu Giấy là một trong những trung tâm thương mại- văn hóa - tài chính - giáo dục - y tế của Thủ đô Hà Nội và hướng tới trở thành đô thị giáo dục - công nghệ hiện đại.

Trung tâm thương mại - văn hóa - giáo dục mới của Thủ đô

Quận Cầu Giấy được thành lập ngày 22/11/1996 theo Nghị định 74-CP của Chính Phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1997. Khi mới thành lập quận Cầu Giấy có 7 đơn vị hành chính, diện tích đất tự nhiên là 1.210,07ha, với 82,9 nghìn người. Ngày 05/01/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường Quan Hoa và Dịch Vọng, thành lập mới phường Dịch Vọng Hậu, nâng tổng số phường trên địa bàn lên 8, bao gồm: Dịch Vọng, Mai Dịch, Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trung Hòa, Yên Hòa, Dịch Vọng Hậu.

Quận Cầu Giấy đang trở thành trung tâm thương mại - văn hóa - tài chính - giáo dục - y tế của Thủ đô Hà Nội

Quận Cầu Giấy đang trở thành trung tâm thương mại - văn hóa - tài chính - giáo dục - y tế của Thủ đô Hà Nội

Khi mới thành lập quận Cầu Giấy có 7 đơn vị hành chính, diện tích đất tự nhiên của Quận là 1.210,07ha, với 82,9 nghìn người. Đến năm 2020 dân số của quận là hơn 292 nghìn người.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, kinh tế của quận phát triển nhanh và khá toàn diện, tạo được sự chuyển dịch quan trọng về cơ cấu theo đúng định hướng từ “công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp” nay chuyển sang “dịch vụ - thương mại và công nghiệp - xây dựng”. Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 29,1 tỷ đồng /Nông nghiệp đạt 8,45 tỷ đồng; Tổng giá trị hàng hóa luân chuyển và dịch vụ đạt 120,53 tỷ đồng. Đến năm 2021: Tổng giá trị sản xuất hơn 192 nghìn tỷ đồng ; Trong đó công nghiệp và xây dựng hơn 75 nghìn tỷ đồng/Thương mại dịch vụ hơn 117 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2020 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng (105,74% dự toán) ; Năm 2021 hơn 9 nghìn tỷ đồng (135,35% dự toán).

Khu Công nghệ thông tin tập trung quận Cầu Giấy

Khu Công nghệ thông tin tập trung quận Cầu Giấy

Bên cạnh phát triển kinh tế, Quận ủy - UBND quận Cầu Giấy luôn quan tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giáo dục. Tập trung đầu tư xây dựng phòng học mới thay thế toàn bộ các phòng học tạm, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp. Huy động nguồn lực để triển khai chương trình khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, tăng nguồn lực đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn.

Năm 2010, quận Cầu Giấy đã tập trung rà soát quỹ đất dành cho giáo dục đào tạo, khắc phục những yếu kém sai sót của bản Quy hoạch mạng lưới giáo dục, đào tạo do Sở Kiến trúc và Quy hoạch chủ trì thực hiện năm 2003. Từ đó đã từng bước xây dựng địa phương đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu học tập.

Giai đoạn từ năm 1997-2011, trên địa bàn quận có 63 trường học (35 trường công lập; 28 trường ngoài công lập). Từ giai đoạn 2013 đến nay, tổng số trường học trên địa bàn quận tăng lên 99 trường học (40 trường công lập; 59 trường ngoài công lập). Đến nay, toàn quận có 35 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 27 trường công lập. Với tổng số hàng trăm trường học từ cấp mầm non đến THPT, quận Cầu Giấy là địa phương có hệ thống giáo dục dày đặc nhất Hà Nội với đủ loại mô hình: Công lập, bán công, dân lập, trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó là hàng chục trường đại học, trong đó có những trường đại học lớn, tầm quốc gia như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...

Riêng trong giai đoạn 2016-2020, UBND quận đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng 28 trường công lập, tăng thêm 120 lớp học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, góp phần giảm mật độ học sinh các lớp học, đặc biệt, giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp tạo các khu chung cư và tái định cư mới đưa vào sử dụng trên địa bàn quận. Tiến hành xây dựng mới 4 trường công lập, các dự án xây dựng trường học ngoài công lập đã được các chủ đầu tư triển khai như: Dự án xây dựng Trường Tiểu học Thăng Long số 1 tại lô A - ô D13 - Khu đô thị mới Cầu Giấy, Dự án xây dựng Trường Mầm non Thăng Long Kidsmart tại ô NT1 - Khu đô thị mới Dịch Vọng,...

Tiếp tục ưu tiên phát triển giáo dục chất lượng

Trường THCS Trần Duy Hưng

Trường THCS Trần Duy Hưng

Với định hướng tiếp tục ưu tiên cho giáo dục, từ năm 2021 cho đến nay, UBND quận tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các trường học: Thành lập 03 trường công lập mới: Trường Mầm non Nam Trung Yên, THCS Trương Công Giai, THCS Trần Duy Hưng; Đối với các trường học theo quy hoạch tại các khu đô thị đã được phê duyệt nhưng chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư xây dựng quận đã báo cáo, đề xuất UBND thành phố giao UBND quận đầu tư xây dựng trường học công lập. Đến nay nhiều dự án xây dựng trường học đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Cùng với đó, UBND quận đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố cho phép điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu H2-2 và được phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của UBND thành phố cho phép nâng thêm 1 tầng đối với 20 trường công lập (03 trường mầm non, 09 trường tiểu học, 07 trường THCS và 01 trường THPT) phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2020/BXD ngày 01/7/2020 và nhu cầu thực tế. Ví dụ: Trường Mầm non A11 Khu Tây Nam Hà Nội, Trường Mầm non tại ô đất Trụ sở UBND quận cũ, Trường THCS sân chơi B5 Mai Dịch, Trường THPT ô đất A11 Khu đô thị Tây Nam Hà Nội,...

Không chỉ đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp. Quận cũng đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện về kiến thức cũng như thực hành ; Đảm bảo chương trình giáo dục cũng như nâng cao thể chất / kỹ năng và hướng nghiệp; Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng thế mạnh hiện có của quận.

Trong địa bàn quận Cầu Giấy cũng là khu vực tập trung các cơ sở nghiên cứu công nghệ như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Khoa học công nghệ xây dựng Bộ Xây dựng, Tập đoàn công nghệ số như FPT, VNPT, Viettel, Mobifone, CMC , Cung Trí Thức,… Nhiều cơ sở khoa học công nghệ y sinh học thực hành như Bệnh viện E, Viện 198 - Bộ Công an, Viện Huyết học truyền máu Trung ương…vừa là nơi khám chữa bệnh vừa là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu .Tại Khu công nghiệp thông tin tập trung quận Cầu Giấy có các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các công ty truyền thông, trụ sở các hãng thông tấn truyền hình tạo thành một hệ sinh thái giáo dục - công nghệ - y sinh học trên địa bàn quận Cầu Giấy… Đây chính là tiềm năng phát triển hướng nghiệp tiếp theo của hệ thống giáo dục phổ thông hiện tại.

Tài nguyên đất đai có hạn, nhu cầu phát triển về số lượng học sinh, mô hình đào tạo, phát triển con người toàn diện đã đặt ra nhiệm vụ cho quận Cầu Giấy phải có nhiều sáng tạo để thích ứng: Đó là chia sẻ không gian / phát triển hài hòa. Bên cạnh về phát triển diện tích trường học theo chiều cao thì kết hợp không gian hoạt động thể chất theo bề rộng . Trong đó tận dụng các không gian cảnh quan sông Tô, Hồ điều hòa, công viên cây xanh tập trung phân tán để gắn kết với các không gian thiên nhiên an toàn với hoạt động trường học. Các công viên mở (kể cả các khuôn viên lớn trong khuôn viên các công trình) sẽ mở cửa cho học sinh hoạt động trong giờ học / trả lại không gian cho cộng đồng vào giờ nghỉ, ngày nghỉ cuối tuần; Ngược lại: các không gian xanh, cơ sở hoạt động thể chất trong nhà trường (bể bơi, sân tập trong nhà, ngoài trời...) sẽ mở cửa cho cộng đồng tham gia hoạt động vào những ngày tháng học sinh nghỉ học.

Trong định hướng phát triển địa phương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân quận Cầu giấy đã nhận diện những thách thức và cơ hội địa phương để từng bước chuyển mình: Từ một địa bàn nông nghiệp chuyển sang xây dựng- dịch vụ - thương mại nay hướng tầm nhìn phấn đấu trở thành đô thị giáo dục - công nghệ - sinh thái trong bức tranh tổng thể phát triển chung của Thủ đô: Xây dựng các trường học chất lượng cao cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục đào tạo. Phát triển những chương trình hợp tác đào tạo với các tập đoàn công nghệ để xây dựng, chuyển giao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cán bộ công chức và cộng đồng xã hội.

Trong 25 năm xây dựng và phát triển, quận Cầu Giấy đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành ghi nhận và đánh giá cao, thể hiện qua việc tập thể Nhân dân và cán bộ quận Cầu Giấy vinh dự là đơn vị nhiều năm liền được Thành phố tặng Bằng khen, 9 năm quận là đơn vị nhận Cờ thi đua xuất sắc của Thành phố; 3 năm là đơn vị nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ.

Vũ Trung Kiên (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quan-cau-giay-xay-dung-do-thi-giao-duc-hien-dai-sang-tao-post1498872.tpo