Qua vùng 'đất thép nở hoa'

Quảng Trị, vùng đất anh hùng trong chiến tranh nay đang thay mặt cả nước chăm sóc hơn 60 ngàn phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh và Thành cổ. Bước ra từ đống đổ nát của chiến tranh, Quảng Trị đang viết nên câu chuyện cổ tích có thật về 'đất thép nở hoa' như lời của Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc.

Miền đất anh hùng

Quảng Trị, miền đất dày đặc các di tích lịch sử, truyền thống về chiến tranh để nhiều người tìm hiểu và nghiên cứu. Vùng đất này là một bảo tàng phong phú và sinh động nhất về chiến tranh mà mỗi người đều có thể tìm ra trong đó những giá trị lịch sử, văn hóa đích thực. Quảng Trị hiện có 498 di tích lịch sử, trên dưới 50 di tích được xếp hạng tầm quốc gia, rất phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, về giá trị nội dung…

 Quảng Trị hiện đang thay mặt cả nước chăm sóc hơn 60 ngàn phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh và Thành cổ.

Quảng Trị hiện đang thay mặt cả nước chăm sóc hơn 60 ngàn phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trong toàn tỉnh và Thành cổ.

Từ Bắc vào Nam, sát bên trái Quốc lộ 1A là địa đạo Vĩnh Mốc (huyện Vĩnh Linh). Đây được xem là “kiệt tác” của chiến tranh kháng chiến Mỹ thần thánh, của cuộc sống, sản xuất và chiến đấu dưới lòng đất của quân, dân nơi này. Rồi qua sông Bến Hải – ranh giới trên vĩ tuyến 17 của bản đồ xưa chia cắt đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương (tháng 7/1954).

Mỹ tìm cách phá hiệp định khiến dòng Bến Hải dùng dằng bên nhớ, bên thương. Dòng sông oằn mình chịu bom đạn quân thù. Nơi ấy bây giờ thành Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Cầu Hiền Lương cũ vẫn hiên ngang trong từng song sắt, miếng gỗ thô sơ. Cả một kỳ đài và Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng vẫn hiên ngang trước gió.

Qua khỏi chiến địa xưa - TP Đông Hà không xa là sông Thạch Hãn, nơi Trung đội Mai Quốc Ca có 19 chiến sĩ đã chiến đấu với quân địch đông hơn hàng chục lần suốt mấy ngày đêm, anh hùng đến khi trút xuống hơi thở cuối cùng. Nay bên dòng sông ấy, có một tượng đài gắn lên tượng trưng cho 19 giọt máu hồng bất tử trong lòng dân tộc.

Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn.

Hoa đăng trên dòng Thạch Hãn.

Dòng sông ấy là chứng nhân lịch sử chứng kiến những hi sinh anh dũng của những người con đất Việt kiên cường. Cùng với thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn gắn liền với những chiến tích lịch sử bi tráng vào hào hùng. Nhắc đến con sông này không thể không nhắc đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Lúc ấy, con sông đã đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc.

Con sông đã chứng kiến những cuộc vượt sông vĩ đại của những người con đất Bắc vào để chiến đấu giữ từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc. Con sông đã chứng kiến những hi sinh mất mát đau thương nhưng cũng rất bi tráng. Ngày ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã bất chấp hiểm nguy, bí mật vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiến công hiển hách và không biết bao nhiêu người trong số họ vĩnh viễn hóa thân cùng sông núi cỏ cây nơi đây... Và con sông cũng đã đi vào thơ ca với những câu thơ rất xúc động của nhà thơ Lê Bá Dương trong bài thơ “Lời người bên sông”.

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.

Bình yên bên bờ sông Thạch Hãn.

Bình yên bên bờ sông Thạch Hãn.

Những câu thơ ấy, nhà thơ Lê Bá Dương viết ra vào chiều 27/7/1987. Những câu thơ là nỗi lòng của nhà thơ khi trong buổi chiều, sau khi lễ hương hoa cho đồng bào, đồng đội tác giả một mình ngồi lặng lẽ bên bờ Thạch Hãn, chợt thấy từng chiếc thuyền ngược dòng lên chợ Quảng Trị. “Nhìn những mái chèo hối hả khuấy tung bọt nước, chạnh lòng nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác ở đáy sông mà xót xa. Cứ vậy, từng lời như từ trong ngực tôi mà bật ra thành câu, chữ đúng hơn là lời nhắn gửi, thỉnh cầu của một người lính”, tác giả Lê Bá Dương nói về hoàn cảnh ra đời những câu thơ như cứa lòng bạn đọc.

Ngày nay, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc thường về với Quảng Trị, nhất là trong các dịp lễ, Tết để thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do ...

Vùng “đất thép nở hoa”

Dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam năm nay, Quảng Trị vừa tổ chức lễ kỷ niệm giải phóng tỉnh (1/5/1972 - 1/5/2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị - Lê Quang Tùng cùng nhân dân Quảng Trị ôn lại những chiến tích lịch sử vẻ vang nhưng thấm đẫm đau thương của mảnh đất này.

Để có được thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, hàng vạn người con Quảng Trị, hàng vạn người con trên mọi miền đất nước đã chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc, vì Quảng Trị và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.

 Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Ngày nay đi ra từ khói lửa chiến tranh, Quảng Trị đã xây dựng lại và phát triển kinh tế mạnh mẽ. Từ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phát triển năng lượng tái tạo đã có bước tiến quan trọng, đúng hướng. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước đến đầu tư. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá trong nhiều năm liên tục, thu nhập bình quân đầu người tăng dần theo từng năm. ừ mảnh đất bị đạn bom cày xới hoang tàn đổ nát, Quảng Trị đã đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới, thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Vui mừng trước những kết quả mà Quảng Trị đạt được, tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị, Chủ tịch nước- Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ vượt qua thách thức, đoàn kết thống nhất, đổi mới, năng động, sáng tạo và bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước đến năm 2025.

 "Quảng Trị đang viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “đất thép nở hoa"" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

"Quảng Trị đang viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “đất thép nở hoa"" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

“50 năm sau ngày giải phóng, Quảng Trị đang viết nên câu chuyện cổ tích có thật về “đất thép nở hoa”” đó là câu nói của Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch nước - Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là lần thứ 2 tỉnh Quảng Trị vinh dự được đón nhận Huân chương cao quý này.

X.N

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/qua-vung-dat-thep-no-hoa-121991.html