Quá trình hình thành, phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam qua 99 chuyện nghề

Ngoài 112 gian trưng bày của 300 cơ quan báo chí, tại Hội Báo toàn quốc năm 2024 (diễn ra từ 15 đến 17-3) còn có 1 khu vực trưng bày về lịch sử báo chí Việt Nam và 8 gian trưng bày đặc biệt của một số cơ quan báo chí Trung ương.

Tọa lạc ở khu A của hội báo, gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức, nhằm hướng đến kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 – 21-4-2024); 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2024).

Trong không khí sôi nổi của hội báo, bên cạnh giới thiệu đến bạn đọc 99 câu chuyện thú vị về quá trình hình thành, phát triển của báo chí cách mạng trong 99 năm qua, “Từ viên gạch hồng đến ngôi nhà báo chí cách mạng”, “Báo chí trong tù”, “Dọc đường kháng chiến”, “Những cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn” hay “Báo chí trong dòng chảy công nghệ”…, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn tổ chức lễ tiếp nhận hiện vật của các nhà báo lão thành và tổ chức trao tặng.

Những người làm báo năm xưa có dịp hàn huyên tại gian trưng bày chuyên đề “Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trao tặng đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam bức ký họa chân dung về vị tướng tình báo nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam - Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn và cuốn sổ ghi chép khi phỏng vấn ông cùng một số tài liệu, hiện vật khác, nhà văn – nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải (chuyên viên báo chí của Thành ủy TPHCM) tự hào xen lẫn niềm xúc động. Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải là nhà báo đầu tiên gặp gỡ và viết về vị tướng tài ba này. Tư liệu từ các cuộc gặp gỡ suốt 10 năm đã được bà viết thành cuốn sách Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời. Riêng bức ký họa chân dung là con trai bà vẽ khi có cơ hội đi cùng mẹ đến gặp Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn.

Không gian trưng bày 99 chuyện nghề là điểm nhấn nổi bật trong Hội báo toàn quốc năm 2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngoài ra, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn tiếp nhận bản thảo viết tay phim phóng sự “Kỷ niệm về những chuyến bay đầu tiên” phát ngày 22-12-1975 trên Đài Truyền hình Việt Nam; thẻ nhà báo năm 1974 và một số ảnh hoạt động báo chí từ năm 1972 đến nay của nhà thơ - nhà báo Ngô Quỳnh Lan, nguyên Phó Tổng Biên tập Đài PT-TH Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó còn là hiện vật gồm 2 chân máy hiệu Taiwan 63228, VSF 2000S, máy quay Panasonic, chảo vệ tinh và một số băng từ VHS sử dụng từ năm 1996 do Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang Nguyễn Văn Lên trao tặng; cùng nhiều sách vở, tư liệu báo chí được tặng từ Hội Nhà báo TPHCM, Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TPHCM)

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được trên 36.000 tài liệu, hiện vật từ 15 cuộc vận động hiến tặng và những chuyến đi sưu tầm ở gần 60 tỉnh thành. Có gần 30 cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí đã được tổ chức tại bảo tàng và lưu động ở các địa phương khác. Hơn 30.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 300 lượt khách nước ngoài đã đến với bảo tàng; hàng ngàn lượt theo dõi trên facebook, hàng trăm ngàn lượt truy cập website của bảo tàng; 1 ấn phẩm đã xuất bản và 2 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu.

Bên cạnh đó, bảo tàng đã sản xuất 260 phim tư liệu và clip về các nhà báo và lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt giải B, giải Búa liềm vàng năm 2021 (phối hợp với Truyền hình Nhân dân); 1 phim đoạt giải Khuyến khích, giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021. Bảo tàng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011 vì “đã có thành tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Báo chí cách mạng Việt Nam”.

THU HƯỜNG - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/qua-trinh-hinh-thanh-phat-trien-cua-bao-chi-cach-mang-viet-nam-qua-99-chuyen-nghe-post731108.html