Quà tặng du lịch Hà Nội: Nhiều nhưng vẫn thiếu!

Hà Nội có 1.350 làng nghề, có khá nhiều sản phẩm quà tặng nhưng tính biểu trưng chưa cao, vì thế du khách đến Hà Nội chọn quà tặng để mua gặp không ít khó khăn. Bài toán làm thế nào để phát triển sản phẩm quà tặng du lịch hiệu quả được đặt ra tại buổi tọa đàm do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vào ngày 5-11.

Mua quà gì và ở đâu?

Tọa đàm Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, các điểm đến, làng nghề và cơ quan quản lý.

Đây là câu hỏi được đặt ra ngay trong buổi tọa đàm (trong khuôn khổ Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023), bởi theo các chuyên gia, Hà Nội có rất nhiều làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, có thể làm quà tặng, nhưng hầu như chưa có sản phẩm mang tính đặc trưng, có tính biểu tượng cao cho Thủ đô.

Rất nhiều làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn Thạch Xá, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng... nhưng những món đồ này thường cồng kềnh, dễ vỡ, khó vận chuyển nên gần như chưa được du khách lựa chọn nhiều.

Theo TS Trịnh Lê Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị sự kiện, Giảng viên khoa Du lịch - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội thiếu sản phẩm mang tính chủ đạo và thiếu các địa chỉ tin cậy để giới thiệu sản phẩm của các làng nghề.

Cũng theo TS Trịnh Lê Anh, trước kia, nhiều hộ kinh doanh trên các tuyến phố du lịch như Hàng Gai, Hàng Bông... trộn cả sản phẩm làng nghề chất lượng lẫn hàng không rõ nguồn gốc, nên dần mất đi sự tin tưởng của du khách. Bản thân anh từng nhiều lần phân vân trong việc lựa chọn quà tặng cho bạn bè phương xa, thường anh chọn bánh cốm để gửi tặng bạn. Nhưng hạn chế của món quà tặng này là không để được lâu và khó vận chuyển xa ra nước ngoài.

Du khách trải nghiệm mua sắm tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023.

Liên quan đến việc định vị quà tặng cho Thủ đô, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và du lịch Ngọc Châu Á - Tiến Thành Định cho rằng, Hà Nội cần xác định rõ thương hiệu du lịch Thủ đô ở các mảng: Đồ ăn và quà tặng, cũng như cần phải xác định rõ nhu cầu khác nhau của khách châu Âu, châu Á. Hiện nay, các làng nghề chưa có định hướng về nhận diện thương hiệu quà tặng nên khó tạo được chú ý cho du khách.

Nói về những khó khăn đang gặp phải khi sản xuất quà tặng cho Thủ đô, nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân, đại diện cho làng nghề Bát Tràng chia sẻ, hiện nay, nghệ nhân các làng nghề đều chủ trương tinh thần “mỗi nghệ nhân là một điểm đến” để giúp du khách có thể trải nghiệm tại mỗi gia đình truyền thống. Tuy nhiên, cái khó của các làng nghề hiện nay là lượng khách đến vẫn còn ít, chưa thường xuyên.

Cần câu chuyện cho các món quà tặng

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đều cho rằng, để các món quà tặng Hà Nội lưu giữ trong tâm trí du khách thì cần phải có những câu chuyện cụ thể hơn cho mỗi sản phẩm, đồng thời cần tái tạo “không gian sáng tạo” tại các làng nghề để thu hút du khách trải nghiệm tại chỗ.

Anh Charle Win, một diễn viên và du khách Mỹ đã sống ở Hà Nội lâu năm cho rằng, Hà Nội có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, đây là lợi thế để Hà Nội có những câu chuyện riêng hấp dẫn du khách. “Những món quà tặng cần có câu chuyện để chạm vào cảm xúc của du khách, kích thích nhu cầu mua sắm của khách”, anh Charle Win nêu ý kiến.

Nhiều sản phẩm ở các làng nghề được giới thiệu tại Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023.

Về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thảo chia sẻ từ thực tế của Đường Lâm về xây dựng và phát triển quà tặng cho du khách. Hiện nay những món đồ ăn như bánh kẹo làm tại làng cổ Đường Lâm ít được du khách mua nhưng những sản phẩm mang tính trải nghiệm lại hấp dẫn du khách. “Đường Lâm đang tạo dựng các không gian trưng bày, nghệ thuật do một số nghệ nhân, họa sĩ thực hiện, giúp du khách có thể trải nghiệm tại chỗ như vẽ tranh, làm sơn mài... Những sản phẩm này sau đó được khách mua về làm kỷ niệm”.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị đã có tổng kết về các sản phẩm quà tặng của Hà Nội, trong đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ chiếm 60%; sản phẩm ẩm thực chiếm 20%; sản phẩm sáng tạo chiếm 15%; các sản phẩm khác chiếm 5%.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho rằng, để sản phẩm quà tặng từ các làng nghề, điểm du lịch đến được tay du khách rất cần sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa làng nghề, cơ sở sản xuất và điểm đến. Tới đây, Sở tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tuyên truyền cho các làng nghề để mỗi một sản phẩm quà tặng truyền tải được thông điệp văn hóa, lịch sử; đáp ứng số lượng, bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, bền đẹp với thời gian, thân thiện với môi trường, giá cả hợp lý, có tính ứng dụng cao.

Chiều 5-11, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sau 3 ngày diễn ra, Lễ hội đã thu hút trên 2 vạn lượt du khách tham quan là người dân Thủ đô, nhân dân cả nước, du khách và bạn bè quốc tế.

Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, như: Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng, các hoạt động trình diễn đường phố; các hoạt động văn nghệ tại khu vực sân khấu chính và đường phố gồm: Trình diễn thời trang; không gian giới thiệu, triển lãm, quảng bá sản phẩm quà tặng du lịch; workshop làng nghề truyền thống; diễu hành xích lô; biểu diễn nghệ thuật dân gian; tọa đàm “Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023”...

Một số hình ảnh hoạt động tại Lễ hội Du lịch Quà tặng Hà Nội 2023:

Hoạt động biểu diễn tại lễ hội.

Hoạt động workshop

Trình diễn đường phố thu hút đông đảo người dân và du khách

Tại đây du khách được xem trình diễn dân gian và xiếc.

Du khách quốc tế tham gia mua sắm tại các gian hàng

Khách quốc tế tại Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/qua-tang-du-lich-ha-noi-nhieu-nhung-van-thieu-647072.html