Quá tải du lịch và những hệ lụy

Các nước đang nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, song điều này lại dẫn đến tình trạng quá tải. Ở nhiều quốc gia hiện nay, quá tải du lịch đã và đang làm gia tăng ô nhiễm rác thải, ùn ứ giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng như trải nghiệm của du khách.

Quá tải du lịch ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?

Thuật ngữ “quá tải du lịch” xuất hiện trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ ra tình trạng số lượng du khách ngày càng tăng gây thiệt hại cho các thành phố, địa danh và cảnh quan. Khi ngành du lịch trên toàn thế giới quay trở lại mức trước đại dịch, nhiều điểm đến phụ thuộc vào thu nhập do du lịch mang lại vẫn quan tâm đến số lượng khách đến. Sự tăng trưởng quá mức của khách du lịch dẫn đến tình trạng quá đông người tại những khu vực mà dân cư phải chịu hậu quả của cao điểm du lịch tạm thời và theo mùa, ép buộc họ phải vĩnh viễn thay đổi lối sống, quyền sử dụng các tiện nghi và sức khỏe toàn diện chung.

Quá tải khách du lịch tại Đài phun nước Trevi, Rome, Italy. Ảnh: CNN

Quá tải khách du lịch tại Đài phun nước Trevi, Rome, Italy. Ảnh: CNN

Một trong những tác động tiêu cực nhất là biến đổi khí hậu, đặc biệt các rạn san hô như Rạn san hô Great Barrier và Vịnh Maya, Thái Lan, đang bị suy thoái do du khách lặn với ống thở và chạm vào san hô, cũng như các tàu du lịch neo đậu. Hơn nữa, theo Tổ chức Du lịch thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO), lượng khí thải carbon liên quan đến vận tải từ du lịch vào năm 2030 dự kiến sẽ tăng 25% so với mức của năm 2016, tương ứng với mức tăng từ 5% lên 5,3% tổng lượng khí thải do con người tạo ra.

Thêm vào đó, môi trường sống của những người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào những vùng đất du lịch để xây khu nghỉ dưỡng, khách sạn… khiến cho giá nhà ngày càng leo thang, người dân không có đủ tài chính để mua nhà. Ở các địa điểm công cộng, luôn có hàng dài khách du lịch xếp hàng, bãi biển đông đúc, tiếng ồn quá mức... Tình trạng này dẫn đến việc mật độ du khách và bất động sản cho thuê còn đông hơn cư dân địa phương, làm mất dần những yếu tố truyền thống. Hơn nữa, du lịch quá mức gây nhiều áp lực cho công tác bảo tồn, thậm chí có nguy cơ làm biến dạng di tích.

Một số nước hạn chế du lịch

Theo National Geographic, mùa leo núi hằng năm ở Phú Sĩ, Nhật Bản bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài chỉ vài tháng. Trong năm nay, ngọn núi này đã thu hút khoảng 65.000 người đi bộ đường dài, tăng 17% so năm 2019. Nhật Bản đã liên tục cảnh báo tình trạng chân núi Phú Sĩ ngập rác, ùn tắc giao thông, khách du lịch không có chỗ nghỉ… đang diễn ra mỗi ngày tại đây. Ông Yasuyoshi Okada, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế tại Nhật Bản (ICOMOS) cho biết, để bảo tồn sự linh thiêng và giá trị của núi Phú Sĩ cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải du lịch như hiện nay.

Không chỉ riêng núi Phú Sĩ ở Nhật Bản, ngày càng nhiều địa điểm trên thế giới đang đối mặt tình trạng quá tải khách du lịch trong những tháng cao điểm. Tháng 8 vừa qua, hơn 100 cư dân ở làng Hallstatt, Áo đã yêu cầu chính quyền địa phương phải giới hạn số lượng du khách hằng ngày. Trong khi Hallstatt chỉ có 800 cư dân nhưng đã mở cửa đón khoảng 10.000 du khách mỗi ngày, khiến mật độ tăng hơn 1.000%.

Italy cũng đang trong tình cảnh đối mặt với làn sóng du khách đến quá đông. Người dân ở Venice đã phải đấu tranh suốt một thời gian dài để yêu cầu lệnh cấm tàu du lịch. Vào năm 2021, các tàu du lịch lớn trọng tải hơn 25.000 tấn đã bị cấm vào kênh Giudecca ở Venice, những chuyến phà chở khách và tàu chở hàng nhỏ hơn mới được phép cập cảng.

Tại Pháp, Câu lạc bộ du thuyền Marseille Provence đã giới thiệu hệ thống quản lý luồng hành khách đi tàu vào năm 2020, nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn chung quanh Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng. Ở Orkney, Scotland vào đầu năm 2023, địa phương xác nhận đã lên kế hoạch đón 214 chuyến tàu du lịch trong năm, dự tính mang lại doanh thu khoảng 15 triệu bảng Anh cho quần đảo. Tuy nhiên với sự phản ứng dữ dội từ người dân địa phương, giới chức đã đề xuất kế hoạch hạn chế số lượng tàu du lịch cập cảng.

Trong khi đó, Hy Lạp sẽ hạn chế lượng khách du lịch mỗi ngày, chỉ được đến thăm một trong những điểm đến phổ biến nhất. Tượng đài Acropolis ở Athens hiện sẽ giới hạn số lượt viếng thăm hàng ngày ở mức 20.000. Những người muốn xem di tích lịch sử phải đặt trước khoảng thời gian bằng cách sử dụng trang web đặt phòng. Hy Lạp đã công bố động thái này vào tháng trước trong nỗ lực giảm bớt tình trạng khách du lịch tăng vọt sau đại dịch. Trong những tháng gần đây, các điểm du lịch nổi tiếng đã phải vật lộn dưới sức nặng của tình trạng quá tải du lịch. Các di sản văn hóa và bảo tàng cũng đang nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ tính toàn vẹn của địa điểm của họ.

Hướng đến phát triển du lịch bền vững

Quá đông đúc là một vấn đề đối với cả người dân địa phương và khách du lịch. Đối với khách du lịch, điều này mang tới những trải nghiệm tham quan không được trọn vẹn khi họ phải chờ đợi xếp hàng quá lâu, không được đến tham quan những địa điểm nổi tiếng nếu không đặt trước; phát sinh chi phí leo thang cho những dịch vụ cơ bản như đồ ăn, đồ uống, khách sạn...

Theo AFP, công ty khởi nghiệp của Pháp Murmuration, chuyên theo dõi tác động môi trường của du lịch bằng cách sử dụng dữ liệu vệ tinh cho biết, 80% du khách chỉ ghé thăm 10% các điểm đến du lịch trên thế giới, nghĩa là một số ít địa điểm phải tiếp nhận một số lượng khách đông đảo. UN WTO dự đoán rằng, đến năm 2030, số lượng khách du lịch trên toàn thế giới có thể lập đỉnh mới ước tính là 1,8 tỷ so con số 1,5 tỷ người vào năm 2019.

Để giải quyết vấn đề này, một số nước đã ban hành quy định đánh thuế hoặc thu phí ở những điểm quá tải. Giới chức Barcelona, Tây Ban Nha đã tăng thuế lưu trú vào ban đêm từ tháng 4 năm nay, trước đó quy định áp dụng lần đầu vào năm 2012 tùy theo loại chỗ ở. Tại Amsterdam, Hà Lan, hội đồng thành phố đang thảo luận việc cấm tàu du lịch. Chính quyền Rome (Italy) đã hạn chế người ngồi tại các địa điểm nổi tiếng. Ngoài ra, cũng có một số quy định nhằm mục tiêu tương tự như tăng phí đỗ xe vào mùa cao điểm, tăng giá vé, phân luồng ra vào theo giờ.

Cũng tại Italy, thành phố Venice có kế hoạch thu phí thử nghiệm 5 euro (5,35 USD) cho du khách vào năm tới trong nỗ lực quản lý luồng khách du lịch đến các kênh đào lịch sử của thành phố. Theo giới chức địa phương, phí này sẽ được áp dụng thử nghiệm trong 30 ngày vào đầu năm 2024, tập trung chủ yếu vào các kỳ nghỉ lễ mùa xuân và cuối tuần mùa hè khi số lượng du khách ở mức cao nhất. Tất cả du khách trên 14 tuổi sẽ phải trả phí. Vào tháng 7, các chuyên gia của UNESCO đã khuyến nghị đưa Venice vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm, cho rằng Italy đã chưa làm đủ để bảo vệ thành phố khỏi tác động của biến đổi khí hậu và du lịch đại chúng.

Mặc dù ngành du lịch được dự báo sẽ chiếm 11,6% giá trị nền kinh tế toàn cầu vào năm 2033, nhưng các chuyên gia cũng dự đoán ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc đi du lịch bền vững hơn. Trong một cuộc khảo sát năm 2022 của Booking.com, 64% người sẵn sàng tránh xa các địa điểm du lịch đông đúc. Giáo sư Harold Goodwin tại Đại học Manchester Metropolitan cho biết, quá tải du lịch không chỉ về số lượng du khách mà còn là những hành vi tụ tập đông đúc ở những nơi không phù hợp, hoặc ảnh hưởng đến sự riêng tư của những người xung quanh. Ông đã chỉ ra nhiều cách để quản lý du lịch hiệu quả hơn, như thúc đẩy nhiều chuyến du lịch vào mùa thấp điểm, hạn chế số lượng nếu có thể và đưa ra thêm những quy định chặt chẽ hơn trong ngành. Ngoài ra, các nước nên tích cực quảng bá các địa điểm thay thế, ít được ghé thăm để chuyển hướng khách du lịch. Điều quan trọng là hình thành một chiến lược rõ ràng, và có tham khảo ý kiến của người dân địa phương về những điều họ mong muốn hoặc cần gì từ ngành du lịch.

Không như du lịch truyền thống, hình thức du lịch chậm hay du lịch bền vững khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống, đồng thời giảm tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Du lịch chậm cũng khuyến khích các hoạt động du lịch có trách nhiệm hơn, như tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có ý thức bảo tồn thiên nhiên, không lạm dụng động vật…

Xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Theo trang dữ liệu du lịch - lữ hành Hospitality Insights, do ảnh hưởng gộp của đại dịch Covid-19 và sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch sau đó, nhiều du khách đã lựa chọn khám phá những điểm đến mới và các quốc gia ít được biết đến hơn như Azerbaijan, Bhutan, Nepal… Điều đó trở thành động lực thúc đẩy du lịch, lữ hành tại nhiều nơi khác có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhưng chưa được biết đến nhiều.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/qua-tai-du-lich-va-nhung-he-luy-i345740/