PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xóa sạch lỗ lũy kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

Ngày 26/4, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, UPCoM: OIL) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các cổ đông đại diện cho 893.475.226 cổ phần, tương đương tỷ lệ 86,39% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại đại hội, HĐQT OIL đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, với doanh thu thuần dự kiến đạt 83.000 tỷ đồng (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 592 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và 5% so với thực hiện năm 2023.

Năm nay, công ty dự kiến tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản là 1.070 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái. Trong đó, 459 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo kho cảng; 266 tỷ đồng để xây dựng mới và cải tạo cửa hàng xăng dầu; 345 tỷ đồng để đầu tư và mua sắm.

Đáng chú ý tại đại hội, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PV OIL thông tin, công ty đang nỗ lực để đáp ứng 3 điều kiện được niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.

Cụ thể, về điều kiện “ROE năm gần nhất đạt từ 5% trở lên” thì trong 3 năm liền kề 2021-2023, PV OIL đã đạt mục tiêu này.

Về điều kiện “hết lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính hợp nhất”, đến cuối năm 2023, PV OIL còn lỗ lũy kế hơn 6 tỷ đồng trên báo cáo tài chính hợp nhất và dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ hết lỗ lũy kế.

Về điều kiện “không còn điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính”, hiện tại trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PV OIL còn một điểm ngoại trừ.

Ý kiến ngoại trừ này là của đơn vị kiểm toán liên quan đến khoản đầu tư của PV OIL vào CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB). Khoản đầu tư này đã tồn tại từ trước khi PV OIL chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần vào năm 2018.

"Hiện tại dự án vẫn dở dang, trong khi Nhà nước chưa có hướng dẫn quyết toán khoản đầu tư này. PV OIL đang làm việc với các cổ đông PVB tiến hành làm thủ tục phá sản vì xét thấy dự án không có khả năng triển khai tiếp. Sau khi hoàn tất thủ tục phá sản, PV OIL sẽ quyết toán được khoản đầu tư này và dự kiến trong năm nay hoặc năm 2025, PV OIL có thể bỏ bớt điểm ngoại trừ và cổ phiếu công ty không bị đưa vào diện cảnh báo," ông Cao Hoài Dương nói tại đại hội cổ đông.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về sự phát triển mạnh mẽ của xe điện ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của PV OIL, ông Cao Hoài Dương cho biết, xe điện nói riêng hay vấn đề chuyển dịch năng lượng nói chung được PV OIL quan tâm rất sớm, từ năm những 2018.

Hàng quý, công ty đều có bản tin nội bộ cập nhật tình hình chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là vấn đề phát triển xe điện trong và ngoài nước. PV OIL thuê tư vấn trong và ngoài nước để thích ứng vấn đề này.

Theo báo cáo tư vấn, từ nay đến 2030, xe điện sẽ không có ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam nên công ty vẫn phát triển hoạt động kinh doanh liên quan đến xăng dầu.

Tuy nhiên, PV OIL cũng sẽ tận dụng mọi cơ hội mà xe điện mang tới như hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện. Tính đến thời điểm hiện tại, PV OIL có 322 cây xăng có tích hợp trạm sạc.

Cũng theo ông Dương, để phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, ngoài hợp tác với VinFast lắp đặt trạm sạc xe điện, PV OIL cũng phát triển các dịch vụ phi xăng dầu. Tại PV OIL Hà Nội, công ty đang triển khai 2 cửa hàng tiện ích tại 2 cửa hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, tổng công ty cũng đang hợp tác với nhiều đối tác để tích hợp các dịch vụ tiện ích về thức ăn nhanh, phở, cà phê hay dịch vụ khác như rửa xe, sửa ô tô, xe máy.

"Chúng tôi cũng đang hướng đến và hợp tác với đối tác bên Singapore thu gom dầu ăn qua sử dụng của nhà dân hay bếp ăn công nghiệp để xuất sang Singapore, hoặc đưa vào Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn làm nhiên liệu bay," ông Cao Hoài Dương thông tin.

Cổ đông tham gia Đại hội theo hình thức trực tuyến. Nguồn: Petrovietnam.

Tại đại hội, thay mặt cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ông Bùi Minh Tiến, Thành viên HĐTV PVN đề nghị PV OIL cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản trị, dự báo và ứng phó với biến động của thị trường; phối hợp hiệu quả với các đơn vị thành viên tập đoàn và các đối tác để cung cấp dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn;

Gia tăng thị phần cả 3 kênh phân phối với trọng tâm là kênh bán lẻ; tiếp tục phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu kết hợp với các dịch vụ phi xăng dầu; thực hiện công tác tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên; tăng cường công tác an ninh mạng.

Tại đại hội, tất cả các báo cáo và tờ trình đều đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao. Trong đó, nhằm tích lũy lợi nhuận để thỏa mãn một trong các điều kiện cổ phiếu PV OIL được chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE là “không có lỗ lũy kế” trên báo cáo tài chính, đồng thời đảm bảo quyền lợi cổ đông, đại hội đồng cổ đông đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ chia cổ tức là 2%.

Cổ tức sẽ được chi trả trong vòng 6 tháng kể từ khi có nghị quyết của ĐHĐCĐ. PV OIL dự kiến chi trả cổ tức không muộn hơn tháng 10.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/pv-oil-theo-duoi-muc-tieu-niem-yet-tren-hose-post34127.html