Purim - ngày lễ được người Do Thái yêu thích nhất

Purim là một trong những ngày lễ mang tính biểu tượng nhất của người Do Thái, đặc biệt là ở Israel. Mặc dù không phải là ngày lễ quan trọng nhất, nhưng đây là một trong những ngày lễ được yêu thích nhất.

Một cuộc diễu hành quy mô nhỏ của người Do Thái trong ngày lễ Purim vào tháng 3/2024, tại Israel. Ảnh: Reuters

Người Do Thái có rất nhiều lễ hội tôn giáo, trong đó, Purim là lễ hội có nhiều màu sắc nhất, được phát triển thành bản sắc độc đáo, gắn liền với những bước thăng trầm của dân tộc. Lễ hội này cũng được phát triển một loạt quy tắc truyền thống, các biểu tượng và hoạt động mang tính biểu tượng.

Lễ hội Purim được tổ chức cố định vào ngày thứ 13 và 14 tháng Adar theo lịch riêng của người Do Thái, thường vào tháng 2 hoặc tháng 3 Dương lịch. Trong những ngày này, không khí lễ hội diễn ra ở hầu hết các thành phố, thị trấn và làng mạc ở Israel. Tinh thần bao trùm của lễ hội Purim là vui chơi, ăn mừng, song hành với việc chia sẻ, giúp đỡ người nghèo khó.

Khởi nguồn của lễ hội Purim được hình thành cách đây khoảng 2.500 năm. Ban đầu, lễ hội được tổ chức để ăn mừng khi dân tộc Do Thái sống sót trước sự hủy diệt của Đế chế Ba Tư. Câu chuyện được lưu truyền trong 2.500 năm qua, sau các cuộc đàn áp, một lượng lớn người Do Thái đã bị đi đày, lưu vong ở Đế quốc Ba Tư dưới sự cai trị của vua Ahasuerus. Vị tể tướng Haman do có tư thù với người Do Thái đã thao túng nhà vua thực hiện kế hoạch tàn sát tất cả những người Do Thái sinh sống tại đất nước. Tuy nhiên, Hoàng hậu Esther và người anh họ của bà là Mordechai đã cản trở kế hoạch này, cứu giúp người Do Thái thoát khỏi cuộc diệt chủng vào “phút chót”. Từ đó, lễ hội Purim ra đời, là dịp người Do Thái tưởng nhớ công đức của Hoàng hậu Esther, cũng như một diễn biến lịch sử quan trọng với những niềm hạnh phúc, hân hoan.

Người Do Thái rất coi trọng việc tưởng nhớ, giáo dục các thế hệ kế tiếp về những sự kiện lịch sử, đặc biệt là câu chuyện về lễ hội Purim. Người Do Thái tâm niệm, tưởng nhớ quá khứ không chỉ để lưu giữ truyền thống mà còn để thấu hiểu giá trị của cuộc sống, từ đó thôi thúc mọi người thực hiện những việc làm để gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy một tương lai tươi đẹp.

Trong mắt người dân thế giới khi nhìn vào lễ hội Purim, nét độc đáo làm nên sức hút là các màn hóa trang độc đáo, tạo ra sắc màu rực rỡ ngập tràn các con đường. Tham gia lễ hội Purim, người Do Thái thường mặc những bộ trang phục nhiều màu sắc và bắt mắt. Từ người cao tuổi đến trẻ em đều hóa thân thành những nhân vật yêu thích, cùng nhau hòa nhịp vui mừng trong lễ hội. Bên cạnh các hoạt động vui chơi, ăn mừng, phong tục không thể thiếu trong ngày lễ Purim là mọi người trao tặng thức ăn cho nhau. Cùng với đó là tặng quà cho người nghèo khó; làm từ thiện; kể lại câu chuyện về khởi nguồn của Purim thông qua việc đọc Sách Esther (một phần của Kinh Cựu ước)... Ngoài ra, người Do Thái còn tiến hành việc nhịn ăn vào ngày trước lễ Purim.

Tại Israel, một hoạt động quan trọng trong lễ Purim là diễu hành. Năm nay, trong bối cảnh bất ổn an ninh khu vực, lễ Purim có những khác biệt liên quan tới hoạt động diễu hành này. Theo đó, nhiều cuộc diễu hành quy mô lớn đã bị hủy bỏ ở nhiều thành phố vì lý do an ninh, đồng thời còn là hành động cụ thể để đồng cảm, chia sẻ với những gia đình Israel có người thân gặp nạn trong xung đột.

Tuy nhiên, các cuộc diễu hành quy mô nhỏ vẫn được tổ chức tại các trung tâm thương mại, trung tâm cộng đồng, trường học và mẫu giáo. Lực lượng an ninh cũng được bố trí dày đặc để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn. Bên cạnh đó, lễ hội Purim năm nay cũng có nhiều chương trình quyên góp từ thiện nhằm hỗ trợ nhân đạo cho không chỉ người Do Thái, mà còn các dân tộc khác đang chịu ảnh hưởng của xung đột tại dải Gaza.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/purim-ngay-le-duoc-nguoi-do-thai-yeu-thich-nhat-post474196.html