Phương tiện không người lái thử nghiệm của Ukraine phá hủy cầu của Nga như thế nào?

Đây là cuộc tấn công thứ hai nhằm vào cây cầu này và đã cho thấy mức độ khó khăn trong việc bảo vệ cây cầu nối từ Nga tới bán đảo Crimea.

CNN vừa nhận được một số video độc quyền từ lực lượng an ninh quốc gia Ukraine về việc lực lượng này sử dụng một phương tiện không người lái đường biển đang được thử nghiệm để tấn công cây cầu nối liền Nga với Crimea vào tháng 7. Những video này cung cấp nhiều thông tin mới về cuộc tấn công và cảnh báo sẽ còn nhiều cuộc tấn công tương tự được thực hiện trong tương lai.

Đây là lần đầu tiên Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) công khai chịu trách nhiệm về hoạt động này.

Cuộc tấn công ngày 17/7 đã gây hư hại cho các làn giao thông đường bộ trên cầu. Các quan chức Nga cho biết, vụ tận công khiến hai thường dân thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công thứ hai được thực hiện lên chiếc cầu này và đã cho thấy mức độ khó khăn trong việc bảo vệ cây cầu từ Nga tới bán đảo Crimea.

Đây là một cầu nối hậu cần quan trọng đối với hoạt động quân sự của Nga tại Crimea.

Cầu Crimea hay còn gọi là cầu Kerch, đường kết nối trực tiếp duy nhất từ Nga tới Crimea. (Ảnh: Reuters)

Lãnh đạo của SBU, ông Vasyl Maliuk, cho biết phương tiện không người lái được sử dụng có tên “Sea Baby”. Nó là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển kéo dài nhiều tháng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Phương tiện không người lái đường biển là một sáng chế đặc biệt của Vụ An ninh Ukraine, không có công ty tư nhân nào liên quan. Bằng những phương tiện không người lái này, chúng tôi đã thực hiện thành công một cuộc tấn công lên cầu Crimea, tàu chiến Olengorskiy Gornyak và một tàu chở dầu SIG”.

Ông Maliuk nhắc tới cuộc tấn công nhằm vào tàu chở dầu SIG và các quan chức Ukraine cho biết, tàu này vận chuyển nhiên liệu cho quân đội Nga. Cuộc tấn công này cho thấy, quân đội Ukraine có tầm tấn công xa hơn, với khả năng tấn công một tàu có đến hơn 100 nhân viên, tại cảng Novorossisk của Nga trên bờ phía Đông Biển Đen.

SBU đã cung cấp video về cuộc tấn công trong tháng 7 cho CNN, trong đó có màn hình của người điều khiển trước khi "Sea Baby" kích nổ 850 kg thuốc nổ cạnh một cột chịu lực bằng bê tông của cầu. Các nguồn tin trong Vụ cũng đã cung cấp hai video từ CCTV cho thấy thời điểm một phương tiện không người lái kích nổ trên phần đường giao thông của cầu và một phương tiện khác kích nổ trên phần đường ray năm phút sau đó từ hướng ngược lại.

Tàu không người lái "Sea Baby". (Ảnh: Vụ An ninh Ukraine)

Chính phủ Ukraine khá rụt rè về các cuộc tấn công này, chỉ công nhận liên quan thông qua các phát biểu giấu tên và nhắc tới các “vật thể trên biển không xác định” một cách mơ hồ. Việc ông Maliuk nhận trách nhiệm là hành động trực tiếp một cách bất thường nhằm cảnh báo chính quyền Moscow về mối đe dọa từ các tàu không người lái này.

Ông Maliuk cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho một số chiến dịch, bao gồm cả trên Biển Đen. Chúng sẽ rất thú vị, nhất là cho địch thủ của chúng tôi”.

Maliuk cũng đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào cây cầu này ngày 8/10/2022 nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. Các đoạn ghi hình CCTV cho thấy, cuộc tấn công này được thực hiện thông qua vụ nổ bắt nguồn từ một xe tải di chuyển trên cầu, nhưng ngoài ra, các chi tiết của cuộc tấn công này vẫn chưa rõ.

Ông cho biết, cuộc tấn công tổ chức vào tháng 7 vừa rồi là kết quả sau nhiều tháng chuẩn bị. Ông cho biết thêm, cuộc tấn công vào cầu Kerch là một chiến dịch tác chiến với Hải quân Ukraine, do ông và Đô đốc Oleksiy Neizhpapa điều hành.

Cầu Crimea hư hại sau cuộc tấn công ngày 17/7. (Ảnh: Reuters)

“Trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch, chúng tôi mất ăn mất ngủ. Chúng tôi tập trung hoàn toàn vào chiến dịch. Những ngày cuối cùng đó ngập trong lo lắng. Khi vụ nổ xảy ra, chúng tôi đã vô cùng vui mừng và chúc mừng lẫn nhau. Đó là một thời điểm vô cùng đáng giá cho chúng tôi và cho chiến thắng nhất định sẽ tới rất sớm của chúng tôi”.

Ông Maliuk cho biết, các đối tác phương Tây của họ đã thể hiện hứng thú về chiến dịch này và muốn học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông tiết lộ: “Họ không hề tham gia chiến dịch này hay cung cấp thiết bị. Những tàu không người lái này được sản xuất tại một cơ sở sản xuất bí mật trên lãnh thổ Ukraine. Những đối tượng tấn công mà tôi nhắc tới đều là đối tượng hợp pháp theo chính phủ Ukraine và luật pháp quốc tế”.

Cuộc tấn công lên tàu Gornyak và tàu SIG cho thấy nguy cơ ngày càng lớn đối với các hoạt động hải quân của Nga tại khu vực phía Đông Biển Đen, một khu vực mà chính quyền Moscow đã từng coi là nằm ngoài tầm với của quân đội Ukraine.

Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phuong-tien-khong-nguoi-lai-thu-nghiem-ukraine-pha-huy-cau-nga-the-nao-a621906.html