Phương Tây: Tham vọng hàng không dân dụng của Nga gặp thách thức lớn

Nga đang nỗ lực phát triển ngành hàng không dân dụng nội địa, nhưng tham vọng của Moskva là một 'thú vui đắt giá', báo chí Mỹ đưa ra nhận định.

Tham vọng hàng không dân dụng với mong muốn tự sản xuất các dòng máy bay chở khách thương mại của Nga nhằm thay thế sản phẩm nước ngoài sau khi hứng chịu các lệnh cấm vận đang đối diện những khó khăn rất lớn.

Căn cứ vào những gì truyền thông Nga đăng tải và thông báo công khai của các quan chức nước này, báo chí phương Tây đã kết luận rằng tham vọng hàng không dân dụng của Moskva khó thành hiện thực và sẽ khiến họ phải trả giá đắt.

Ý kiến này được đăng tải trên hai tờ báo nổi tiếng của Mỹ là tờ Washington Post và New York Times. Hiện nay việc thiếu thông tin chính xác về khối lượng sản xuất đã buộc các nhà báo phải tìm kiếm dữ liệu bổ sung để cải thiện kết luận tổng thể.

Dựa trên số liệu thống kê về sản xuất máy bay dân dụng cũng như động cơ, trong đó có nhiều thông tin tỏ ra khá chính xác, báo chí phương Tây đã tiếp cận được tình hình sản xuất của ngành hàng không Nga hiện nay.

Vấn đề đầu tiên phải nhắc đến chính là chi phí sản xuất máy bay MS-21 (sản phẩm nhằm thay thế Boeing 737 và Airbus A320/321) của Nga đã tăng lên đáng kể, điều này gây ra thách thức cực lớn cho tham vọng của Moskva.

Việc sản xuất máy bay thương mại hiện đang phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng vọt, khiến phi cơ dân dụng của Nga tỏ ra vô cùng kém hấp dẫn, ngay cả với các hãng hàng không nội địa.

Ví dụ, giá thành của những chiếc máy bay MS-21 đã tăng từ 3,2 tỷ RUB (43 triệu USD) lên khoảng 4,6 tỷ RUB (50 - 54 triệu USD) khi bàn giao cho khách hàng vào giai đoạn 2028 - 2030, thậm chí có nguồn tin còn cho rằng con số thực vào khoảng xấp xỉ 5 tỷ RUB.

Nếu như vậy, con số này cao hơn đáng kể so với chi phí của các máy bay thân hẹp cùng loại do Mỹ và châu Âu chế tạo, điều này mâu thuẫn với thông báo gần đây đó là phi cơ nội địa của Nga sẽ có ưu thế về giá.

Theo thiết kế ban đầu, máy bay MS-21 sẽ sử dụng động cơ PW1400G của Mỹ, nhưng kế hoạch trên đã bị hủy bỏ vì lệnh cấm vận. Để duy trì sản xuất, Nga cần phải thay toàn bộ sang động cơ nội địa.

Mong muốn hiện tại của Moskva là sản lượng động cơ PD-14 sẽ đạt 160 chiếc hàng năm. Nhưng kế hoạch tăng cường chế tạo động cơ PD-14 và TV7-117-ST-02 bị nhận xét là thiếu tính thực tế.

Theo quan điểm của các nhà phân tích, đây là nhiệm vụ bất khả thi do tồn tại nhiều vấn đề trong sản xuất, cùng với chi phí bổ sung do hiệu lực từ lệnh trừng phạt và cấm vận công nghệ mà phương Tây ban hành.

Điều này có nghĩa là mặc dù khối lượng được ghi nhận tăng đáng kể, nhưng ngành công nghiệp hàng không Nga chắc chắn sẽ phải chịu phát sinh lớn về chi phí, ngay cả khi việc sản xuất dựa trên linh kiện và thiết bị trong nước.

Ngoài ra việc thay đổi thế hệ động cơ, máy bay hoặc những hệ thống khác sẽ đồng nghĩa với việc giảm khối lượng sản xuất đồng thời làm tăng chi phí chung.

Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia phương Tây tin rằng tham vọng hàng không của Nga đang gặp phải thách thức nghiêm trọng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phuong-tay-tham-vong-hang-khong-dan-dung-cua-nga-gap-thach-thuc-lon-post545433.antd