Phương Tây lập liên minh để cung cấp cho Ukraine 5.000 tên lửa hành trình tối tân nhất

Không quân Ukraine dự kiến sẽ có nhiều tên lửa hành trình tối tân do phương Tây sản xuất trong thành phần tác chiến.

Một "liên minh tên lửa" đã được các quốc gia thành viên NATO thành lập vào tháng 2 năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Paris với mục đích cung cấp tên lửa hành trình không đối đất cho Lực lượng vũ trang Ukraine.

Việc này gắn kết chặt chẽ với “liên minh hàng không” thành lập vào tháng 7/2023, khi đó các thành viên đã cam kết cung cấp 125 tiêm kích gồm các loại F-16 Fighting Falcon, Mirage 2000 và JAS 39 Gripen cho Không quân Ukraine.

Thông tin trên đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông cũng như các chuyên gia quân sự quốc tế.

Dự báo trong thời gian sắp tới, "liên minh tên lửa" phương Tây sẽ giao cho Ukraine khoảng 5.000 tên lửa hành trình các loại và đó đều là những loại rất hiện đại như 2.500 tên lửa AGM-158A/B của Mỹ, 800 tên lửa Storm Shadow của Anh, 600 tên lửa Taurus của Đức.

Nguồn dự phòng bao gồm 80 tên lửa AGM-158A của Phần Lan, 100 tên lửa AGM-158A/B của Ba Lan, 600 tên lửa SCALP-EG của Pháp, 40 tên lửa Taurus của Tây Ban Nha, khoảng 200 tên lửa Storm Shadow của Ý và lên tới 100 tên lửa SCALP-EG của Hy Lạp.

Đại diện chính quyền và Lực lượng vũ trang Ukraine thông báo đã nhận được một số loại tên lửa mà họ yêu cầu. Bên cạnh đó trong tương lai, không thể loại trừ việc NATO sẽ còn cung cấp nhiều hơn con số dự kiến.

Bên cạnh đó, việc đưa tên lửa hành trình, bom hàng không và tiêm kích từ Mỹ sang Đức, Ba Lan và Hà Lan ngày càng khẩn trương. Rất có thể một số phương tiện chiến đấu đã có sẵn trong đội hình tác chiến của Không quân Ukraine.

Khó khăn hiện nay là việc bảo dưỡng 125 tiêm kích và lượng lớn tên lửa hành trình phương Tây đòi hỏi cơ sở hạ tầng phù hợp, tối thiểu cần khoảng 400 phi công và 2.000 nhân viên kỹ thuật chuyên môn, điều mà Ukraine chưa thể đáp ứng nổi.

Chưa dừng lại đây, Kyiv cần có nhà kho và nhân sự để vận hành cũng như bảo dưỡng tên lửa hành trình tối tân vốn mang trong mình nhiều khí tài điện tử rất nhạy cảm. Nhiều khả năng các loại vũ khí công nghệ cao của NATO sẽ được cất giữ ở Ba Lan và Romania.

Đây là điều hoàn toàn cần thiết, bởi người Nga chắc chắn không ngồi yên nhìn đối phương xây dựng tiềm lực tấn công tầm xa,gây thiệt hại nặng nề cho họ, mà sẽ chủ động ra tay trước.

Điển hình như mới đây, một trong những mục tiêu chính ở khu vực Lviv, nơi bị Nga tấn công vào đêm 24/3/2024 chính là sân bay quân sự Stryi, nơi đã hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp nhận tiêm kích F-16.

Căn cứ không quân nói trên đã ngừng hoạt động một thời gian và chưa phù hợp để sử dụng trong việc đảm bảo tiếp nhận những chiếc F-16 trong tương lai gần.

Như vậy, một sân bay có khả năng tiếp nhận nhiều loại chiến đấu cơ, đồng thời là địa điểm tương lai để bảo dưỡng tiêm kích đa năng F-16AM/BM và đào tạo nhân viên kỹ thuật, đã bị tấn công phủ đầu một cách dữ dội.

Cơ sở hạ tầng của căn cứ không quân nói trên đã bị thiệt hại rất nặng nề và việc khôi phục khẩn cấp đang được thực hiện nhưng chưa rõ thời hạn có thể hoàn thành.

Ukraine và các đồng minh phương Tây sẽ phải tính toán thật kỹ nơi triển khai vũ khí, bởi vì những đòn tấn công của Nga luôn thường trực và có thể phá hủy mọi nỗ lực của NATO trong việc hỗ trợ Kyiv.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phuong-tay-lap-lien-minh-de-cung-cap-cho-ukraine-5000-ten-lua-hanh-trinh-toi-tan-nhat-post571256.antd