Phương Tây đối diện với thực tế khắc nghiệt tại Ukraine

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thực tế xung đột giữa Nga và Ukraine đã có nhiều diễn biến trái ngược với nhận định và mong muốn của phương Tây. Xu thế này chưa có dấu hiệu đổi chiều.

Thực tế ngoài mong muốn và dự báo của phương Tây

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào đầu năm 2022, phương Tây mặc định rằng chế độ của Tổng thống Nga Putin sẽ nhanh chóng khuỵu ngã do sức nặng của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.

Pháo và xe thiết giáp của Ukraine bỏ lại trên chiến trường. Ảnh: Sputnik.

Khi ấy, hầu hết các nhà quan sát của phương Tây chỉ tưởng tượng được hai kịch bản: Hoặc là Nga sẽ dễ dàng chiếm được thủ đô Kiev của Ukraine sau một thời gian nhất định, đưa Ukraine đi theo quỹ đạo của Nga, hoặc là Nga sẽ nhanh chóng bị đánh bại, khiến ông Putin phải rút quân khỏi Ukraine và công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Do vậy, khi chiến dịch tiến công của Nga khựng lại trong giai đoạn đầu, Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson đã tới thăm Kiev, thậm chí khuyên Ukraine rằng họ nên chiến đấu thay vì ngồi vào bàn đàm phán. Tư tưởng của Anh nói riêng và phương Tây nói chung là nên để cho Nga thua, từ đó làm suy yếu cả nền kinh tế và quân đội của nước này, hủy hoại vị thế của Tổng thống Putin.

Cách nhìn nhận và thông tin của phương Tây lúc ấy đi theo hướng Nga sẽ thua. Lập luận của họ như sau: Ukraine giành được sự ủng hộ hết mình của phương Tây, với dòng viện trợ vũ khí và tài chính mạnh mẽ, trong khi Nga lại không có đủ vũ khí khí tài, chưa kể vũ khí khí tài cũng như chiến thuật của Nga đều lạc hậu. Thế nhưng, cuối cùng Nga vẫn duy trì được cuộc xung đột kéo dài.

Bên cạnh mặt trận nóng, các chế tài trừng phạt của phương Tây được thiết kế nhằm công kích cá nhân ông Putin, với hy vọng người dân sẽ nổi dậy thay đổi chế độ chính trị tại Nga. Nhưng cuối cùng phương Tây lại không ngờ rằng các biện pháp hạ bệ hình ảnh của Nga lại chỉ càng làm cho người Nga thêm quyết tâm đối đầu với phương Tây.

Nga tiếp tục phát huy lợi thế của họ về số lượng, đồng thời nâng cấp phương thức tác chiến và đẩy mạnh hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Trong nước, Nga đã giảm thiểu tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt, bằng nhiều biện pháp, như lách qua các kẽ hở, hay nắm giữ tài sản của chính các hãng phương Tây rời bỏ Nga. Ngoài ra, Nga còn chủ động chuyển sang xây dựng nền kinh tế thời chiến.

Đối với dân thường Nga, tình hình không đến nỗi tệ chút nào. Các kệ trong siêu thị vẫn đầy ắp hàng hóa, các nhà hàng vẫn nhộn nhịp thực khách. Tiền lương và lương hưu vẫn tăng, dù không mạnh như mức độ tăng của lạm phát nhưng vẫn đủ để giới chức Kremlin tuyên bố Nga đang đứng vững bất chấp những nỗ lực cao nhất của phương Tây nhằm phá hủy nền kinh tế Nga.

Phương Tây vẫn chìm sâu trong cách nhìn nhận này. Hồi tháng 6/2023, khi Ukraine mở chiến dịch phản công, Tổng thống Ba Lan Duda còn tuyên bố rằng người Nga cần cảm thấy vị đắng của thất bại.

Tất nhiên, theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Levada tiến hành vào tháng 10/2023, 56% người dân Nga muốn chuyển sang đàm phán hòa bình, 34% số người được hỏi ủng hộ rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin vẫn rất cao, trên mức 80%.

Thế yếu của Ukraine trên nhiều phương diện

Trong khi người dân Nga đoàn kết quanh Tổng thống Putin, những nước phương Tây ủng hộ Ukraine lại dường như đang đánh mất quyết tâm của mình.

Tháng 12/2023, ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không thông qua được gói viện trợ tài chính 50 tỷ euro dành cho Ukraine, mặc dù họ đồng ý khởi động đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU. Trong khi đó, quốc hội Mỹ cũng không thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

Hiện nay, bản thân Tổng thống Mỹ Biden đã chuyển từ ủng hộ Ukraine “chừng nào họ cần” sang tuyên bố ủng hộ Ukraine “chừng nào chúng ta còn khả năng”.

Dòng viện trợ nước ngoài suy giảm khiến vị thế của Ukraine trên chiến trường cũng suy yếu theo.

Thêm nữa, Ukraine còn phải chứng kiến sự chia rẽ giữa Tổng thống Zelensky và Tổng tư lệnh quân đội nước này là tướng Valery Zaluzhny.

Các kịch bản cho xung đột Ukraine - Nga

Có 3 kịch bản. Thứ nhất, phương Tây tái cam kết ủng hộ Ukraine. Nhưng các trở ngại chính trị lại rất lớn. Phe Cộng hòa ở Mỹ phản đối tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Trong EU, Hungary và bây giờ thêm cả Slovakia phủ quyết phương án tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Ngay cả khi các trở ngại này được gỡ bỏ, Ukraine vẫn sẽ phải chật vật tuyển đủ tân binh cần thiết.

Kịch bản thứ hai là NATO đưa lục quân vào Ukraine. Ông Putin không muốn tấn công một nước NATO nào nhưng NATO có thể động binh dựa trên việc lấy cớ chiến thắng của Nga tại Ukraine sẽ dẫn Nga tới các cuộc phiêu lưu quân sự ở châu Âu. Tuy nhiên, khi ấy, NATO có thể vấp phải tình huống người dân Nga vùng lên để bảo vệ Tổ quốc, từ đó châu Âu sẽ chìm trong bất ổn.

Trong kịch bản thứ 3, phương Tây sẽ tìm cách liên lạc với điện Kremlin. Nga chưa thực sự an toàn nhưng cũng không đứng bên bờ sụp đổ, và ông Putin tiếp tục làm tổng thống vài năm nữa.

Nga tuyên bố nắm quyền chủ động chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu mới đây tuyên bố Nga đã giành được “thế chủ động chiến lược” tại Ukraine và sẽ chiến thắng.

Ông Shoigu nói với các quan chức quân sự vào hôm 9/1 rằng lực lượng vũ trang Nga nắm quyền chủ động ở Ukraine và Nga sẽ đạt các mục tiêu trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ.

TASS dẫn lời ông Shoigu phát biểu trong hội nghị với ban lãnh đạo quân đội Nga: “Chúng ta duy trì quyền chủ động chiến lược dọc theo toàn bộ đường tiếp xúc chiến đấu”.

Bộ trưởng Shoigu nói rằng các ưu tiên của ông trong năm 2024 là duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của bộ ba vũ khí hạt nhân ở cấp độ cao nhất, gia tăng sản xuất một loạt UAV “từ cực nhỏ đến hạng nặng”, cũng như giới thiệu các vũ khí hiện đại và gia tăng năng lực của mạng lưới vệ tinh chiến lược của nước này.

Ông Shoigu tuyên bố: “Chúng ta sẽ tiếp tục trang bị vũ khí hiện đại cho lục quân và hải quân, bao gồm những vũ khí dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và các nguyên tắc vật lý mới”.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Social Europe, CNBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-doi-dien-voi-thuc-te-khac-nghiet-tai-ukraine-post1070816.vov