Phương Tây có phản ứng kịp với chiến lược mới của Nga về Ukraine?

Chiến lược của Nga về Ukraine đã rõ, truyền thông Mỹ thừa nhận thái độ của phương Tây đã thay đổi về cuộc xung đột.

Một khẩu đội pháo tầm xa của Ukraine chiến đấu ở mặt trận phía nam Zaporizhia. Nguồn CNN

Thế giới mệt mỏi vì cuộc chiến tại Ukraine

Theo các chuyên gia Viện nghiên cứu RUSI của Anh cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thực sự không thể tiếp tục. Cuộc xung đột đáng lẽ “không nên xảy ra” này, đã kết thúc.

Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 500 ngày, thiệt hại mà cuộc xung đột này gây ra cho cả thế giới đã vượt quá tính toán và đại đa số người dân trên thế giới, đều cảm thấy mệt mỏi.

Dù Ukraine vẫn vận động hành lang và liên tục đưa ra cảnh báo, và dù các chính trị gia Mỹ và các nước phương Tây vẫn ra sức tuyên truyền, nhưng người dân thực sự mệt mỏi và chán chường. Giải pháp nhanh chóng kết thúc xung đột, đã trở thành lựa chọn thích hợp nhất lúc này.

Cuộc cách mạng màu Maidan năm 2014 đã đưa Ukraine tới cuộc xung đột không thể tránh khỏi. Nguồn Word History

Nếu xung đột tiếp diễn, sẽ không mang lại gì ngoài tác hại và không quốc gia nào có thể hưởng lợi từ nó.

Xét theo bối cảnh hiện tại, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã rơi vào thế giằng co. Có thể nói, vào thời điểm mà nền kinh tế toàn cầu đang trì trệ và cần những nỗ lực chung để giải quyết vấn đề, thì cuộc xung đột đáng lẽ không nên xảy ra này, đã làm trầm trọng thêm nhiều mâu thuẫn và mang đến sự bất ổn lớn cho nhân loại.

Bây giờ đã đến lúc mọi thứ phải kết thúc và chấm dứt cuộc xung đột không nên xảy ra này đã trở thành vấn đề cấp bách nhất.

Đây là thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến tại Ukraine. Nguồn CNN

Con bài chiến lược của Nga về Ukraine đã lộ diện

Tất nhiên, chấm dứt xung đột là điều cả thế giới mong muốn, là điều cần thiết trong thực tế và là sự lựa chọn đúng đắn nhất hiện nay. Gần đây, cả Mỹ và các nước phương Tây, Nga, Ukraine đều đưa ra những tín hiệu tích cực, nhằm chấm dứt xung đột.

Nga đã cho thấy những con bài chiến lược của họ và trên thực tế, nó có thể được coi là một bước “xuống nước” của Mỹ và phương Tây.

Nga vẫn tiến hành các cuộc tấn công dữ dội vào Ukraine, và liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/8 thông báo, đơn vị biệt kích Nga đã tạo được bước đột phá quan trọng tại khu vực Orchan thuộc vùng Kharkov và liên tiếp đánh chiếm nhiều cứ điểm của quân đội Ukraine trong bán kính 2 km.

Nga cũng nắm quyền chủ động tuyệt đối trong việc kiểm soát cục diện chiến trường, và Ukraine không có cơ hội nào khác ngoài việc quấy rối và tiêu diệt.

Hỏa lực pháo binh của Quân đội Nga vẫn dội vào chiến tuyến Ukraine hàng ngày. Nguồn Sina

Mặc dù nắm quyền chủ động chiến trường, nhưng quân đội Nga không tổ chức tấn công quy mô lớn, không tấn công trực tiếp vào Kiev và không có ý định chiếm thêm đất.

Khi trả lời câu hỏi liệu Nga có chiếm thêm lãnh thổ Ukraine thông qua các hoạt động quân sự hay không? Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Peskov nói rất rõ rằng, Nga không có ý định tiếp tục tràn ngập các lãnh thổ khác ngoài việc củng cố “phần lãnh thổ” của mình.

Những gì ông Peskov nói rất rõ ràng, đó là Nga muốn chấm dứt xung đột, trên cơ sở “giữ nguyên hiện trạng”; không muốn mở rộng xung đột hay chiếm thêm đất. Điều này tương đương với việc Nga trực tiếp nói với Mỹ và các nước phương Tây khác, về “con bài chiến lược” của mình.

Ý của Nga rất rõ ràng, đó là Nga “không còn toan tính gì nữa”; nhưng Ukraine và những người ủng hộ họ sẽ không thể "khuất phục" được Nga trên chiến trường.

Một khẩu đội súng cối 120mm của Quân đội Ukraine chiến đấu ở mặt trận Bakhmut. Nguồn Reuters

Nga đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình sau các cuộc trưng cầu dân ý ở các tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporozhye. Mặc dù Nga luôn nhấn mạnh rằng, các cuộc tấn công của Nga sẽ không dừng lại nếu các cuộc tấn công cực đoan ở Ukraine không chấm dứt. Và Nga luôn chỉ ra rõ ràng rằng, các cuộc đàm phán hòa bình đang mở.

Nga hiện nhận ra rằng, việc tiếp tục mở rộng các hoạt động quân sự và chiếm giữ thêm đất đai không phù hợp với lợi ích chiến lược của Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu sẽ không chấp nhận việc Nga tiếp tục tấn công với quy mô lớn hơn.

Nga cũng biết mình phải nhường bước cho phương Tây do Mỹ đứng đầu, chỉ có như vậy Mỹ và các nước phương Tây mới có thể ngừng viện trợ cho Ukraine; từ đó gây sức ép buộc Ukraine chấp nhận đàm phán hòa bình.

Xe bọc thép của Ukraine bị phá hủy trong cuộc phản công hồi tháng 6 trên hướng mặt trận Zaporizhia. Nguồn Bộ Quốc phòng Nga

Thái độ của phương Tây về cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng thay đổi

Truyền thông Mỹ cũng thừa nhận, thái độ của các nước phương Tây đã bắt đầu thay đổi, và việc chấm dứt xung đột đã trở thành nguyện vọng chủ đạo của phương Tây.

Hãng tin Mỹ CNN ngày 8/8 dẫn thông tin từ các quan chức phương Tây khẳng định, thái độ của các nước phương Tây đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bắt đầu thay đổi.

Các phương tiện truyền thông Mỹ thừa nhận rằng, các nước phương Tây đã đánh giá ngày càng "tỉnh táo" về khả năng của quân đội Ukraine và Ukraine không có khả năng thay đổi cán cân của cuộc xung đột hiện nay.

Các phương tiện truyền thông Mỹ chỉ ra rằng, mặc dù Ukraine vẫn đang cố gắng hết sức để thực hiện cuộc phản công, nhưng cuộc phản công kéo dài vài tháng vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ đầu tiên của quân đội Nga. Quả thực, Ukraine đã không thể lay chuyển quân đội Nga trên chiến trường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden là người luôn kêu gọi ủng hộ Ukraine. Nguồn CNN

Nghị sĩ Mỹ thừa nhận, Ukraine đã rơi vào giai đoạn khó khăn nhất, về cơ bản không thể thay đổi tình hình. Dân biểu Mike Quigley, thuộc Đảng Dân chủ bang Illinois, chỉ ra rằng thông tin tình báo từ chiến trường cho thấy, Quân đội Ukraine đang đối mặt với những thách thức to lớn và đang trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến.

Ngay cả khi Ukraine đã phải trả giá đắt về thương vong, đối mặt với việc Nga triển khai hàng trăm nghìn quả mìn và mạng lưới chiến hào khổng lồ trên nhiều lớp phòng thủ, thì họ cũng rất khó chọc thủng những tuyến phòng thủ này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Mỹ nhận ra những khó khăn mà Quân đội Ukraine phải đối mặt. Có thể nói, việc Ukraine thay đổi “cán cân chiến trường” hiện nay, là không còn thực tế.

Binh lính Ukraine bị thương ở chiến trường ngày càng nhiều. Nguồn Reuters

Đến lúc Ukraine phải thỏa hiệp và nhượng bộ

Hội nghị hòa bình Ukraine, diễn ra tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia (còn gọi là Hội nghị Jeddah), đã kết thúc tối 5/8 sau cuộc thảo luận kín kéo dài mà chưa đạt được kết quả cụ thể.

Tại Hội nghị Jeddah, Nga không được mời. Trong cuộc họp, Ukraine đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với phương Tây.

Ông Mikhailo Podolak, cố vấn của văn phòng tổng thống Ukraine, cảnh báo rằng, Ukraine phản đối bất kỳ hình thức ngừng bắn nào vì điều đó có nghĩa là một chiến thắng cho Nga. Và đó là một thất bại lớn đối với thế giới phương Tây và sự kết thúc của trật tự an ninh toàn cầu hiện có.

Nhưng sau khi Ukraine đưa ra lời “cảnh cáo nghiêm khắc với phương Tây”, nhưng không có “bất kỳ tác dụng nào”, thì Kiev cũng bắt đầu lựa chọn thỏa hiệp.

Hội nghị hòa bình Ukraine, diễn ra tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Nguồn CNN

Ukraine bắt đầu phát đi tín hiệu nhượng bộ và chấp nhận đàm phán hòa bình “một cách bất lực” và đó sẽ là lựa chọn cơ bản.

Tại cuộc họp ở Jeddah, Ukraine không khăng khăng yêu cầu tất cả các bên chấp nhận "Mười điểm hòa bình" của Ukraine; không tiếp tục nhấn mạnh “điều kiện tiên quyết” là Nga phải rút quân trước khi đàm phán; cũng không tranh chấp với các đồng minh phương Tây về vấn đề rút quân của Nga.

Những điều này thực sự cho thấy, Ukraine đã bắt đầu từ bỏ lập trường cứng rắn và không còn lựa chọn nào khác ngoài thỏa hiệp và nhượng bộ.

Mặc dù chính phủ Ukraine của Tổng thống Zelensky dường như chưa sẵn lòng chấm dứt xung đột trong tình hình hiện tại; nhưng họ thực sự không có con bài thương lượng nào trong tay.

Thái tử Saudi Arabia Salman (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky ở Jeddah ngày 19/5. (Nguồn: Anadolu)

Bản thân việc triệu tập Hội nghị Jeddah đã là một tín hiệu cho thấy, phương Tây muốn chấm dứt cuộc xung đột này. Có thể nói rằng, đối với phương Tây do Mỹ đứng đầu, sẽ không thu được lợi ích gì nếu tiếp tục xung đột.

Nga cũng công nhận cuộc gặp ở Jeddah, có thể coi là để lại cơ hội đàm phán hòa bình. Mặc dù Nga bị loại khỏi Hội nghị hòa bình Jeddah, nhưng Nga đã cho phép cuộc họp làm trung gian hòa giải xung đột.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng, trong khi Nga bị loại trừ, các cuộc đàm phán có một số ý nghĩa khách quan hơn.

Ông Ryabkov cũng cho biết, sau cuộc họp ở Jeddah, Nga sẽ tổ chức tham vấn với các thành viên BRICS khác. Có thể nói, đây cũng là cơ hội cho Nga đàm phán hòa bình.

Thời điểm “chung cuộc” đã đến và cuộc xung đột Nga-Ukraine đang thực sự đi đến hồi kết.

Tiến Minh (theo CNN)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phuong-tay-co-phan-ung-kip-voi-chien-luoc-moi-cua-nga-ve-ukraine-1888949.html