Phước Tỉnh chật vật ngóng bạn chài

5 năm về trước, tôi gặp ngư dân Trà Kháng ở làng biển Phước Tỉnh (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và thường nghe anh nói nửa đùa, nửa thật về cộng đồng ngư dân làm nghề giã cào mà chiếm phần lớn là người dân gốc Quảng Ngãi: 'Phước Tỉnh nay mai bất tỉnh'.

Cuối năm 2022, tôi trở lại thăm làng biển này và tiếp tục nghe một ngư dân bảo: “Nghề biển ở đây đang nối với bình oxy”. Phước Tỉnh từng là niềm tự hào của ngư dân Quảng Ngãi, vì là làng chài tỷ phú giàu nhất nước.

Mỗi năm kiếm 70 cây vàng

4 giờ sáng, làng biển Phước Tỉnh đã "thức giấc". Những quán cà phê dọc đường làng, trên đê bao ven biển nhấp nháy ánh đèn. Bóng người trong màn đêm hiện ra đều mang vẻ trầm tư. Nhiều năm trước, cứ ngồi vào ghế thì ngư dân nói chuyện “chuyến này được mấy cây vàng", hay "mới đóng thêm cặp tàu giã cào 200 cây vàng”. Còn bây giờ thì ngư dân luôn nhắc đến 2 từ “lỗ tổn”.

Ngư dân Nguyễn Văn Tây cho biết, làm nghề biển ở "vùng đất hứa" Phước Tỉnh bây giờ chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Ảnh: Văn Chương

Ông Bạch Cơ, quê gốc ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ chỉ tay ra biển cho biết, vì sao người dân Quảng Ngãi một thời kéo hết vô đây định cư, bởi vì cái eo biển này rất nhiều cá, cá vô sát trong bờ và ngư dân đánh cá quanh năm không hết. Ông Cơ còn hồi tưởng cảnh thả lưới xuống đánh, khi kéo lên thì lúc nào cũng có rất nhiều đẳng biển (rắn biển), cá ngựa. Ngư dân xem đẳng biển là thứ "phá đám" nên kẹp đầu và ném trở lại biển.

Thời vàng son đã đi qua, thời mà các chủ tàu đi làm biển chừng 2-3 năm đã có thể sắm thêm được cặp tàu làm nghề giã cào trị giá 200 cây vàng cũng đã xa rồi, nhưng các ngư dân hiện vẫn cố níu kéo quá khứ, ráng chật vật để sống với nghề giã cào đang đến ngày tàn. Ông Lê Bổn, quê ở xã Phổ Khánh, chủ của một cặp tàu làm nghề giã cào cho biết: “Tàu của tôi đi biển đã gần 4 tháng rồi, trên tàu có mấy người con trai nên cũng đỡ đi phần nào nhân lực”.

Thời trước, cứ ăn Tết xong là trai tráng ở các làng chài Quảng Ngãi ùn ùn vào Phước Tỉnh, xem đây là cơ hội đổi đời tốt nhất (mỗi năm kiếm 3-5 cây vàng). Nhưng tới giờ này thì không mấy ai còn mặn mà quay trở lại. Câu chuyện mà ông Bổn đề cập về “nhân lực” cũng chính là một trong những “điểm nghẽn” của nghề giã cào của ngư dân Phước Tỉnh hiện nay. Ông nói: “Hồi trước, dân Quảng Ngãi mình vô đi bạn, phải xin thì mới có suất xuống tàu để đi, còn bây giờ một mống kiếm cũng không ra, chỉ toàn bạn chài ở miền Tây lên và "cò" bán lại cho chủ tàu”.

Chật vật duy trì nghề giã cào

Gần 10 năm trước, có thể đoán ra được tương lai của nghề giã cào rồi sẽ tàn. Nhưng các chủ tàu là người gốc Quảng Ngãi ở Phước Tỉnh cũng không dễ gì dám mạnh tay rũ bỏ, bởi quá khứ của nghề giã cào rất huy hoàng. Ông Nguyễn Văn Giàu, một người quê gốc xã Phổ Khánh cho biết: “Thời đó, chú chung vốn 1/4 giá trị con tàu, mỗi năm cũng kiếm được từ 50-70 cây vàng”.

Ngư dân chơi “bạo liệt” nhất là Trần Dinh, ở cửa biển Bến Đá (thành phố Vũng Tàu), sở hữu 9 đôi tàu làm nghề giã cào. Thời hoàng kim, mỗi khi tàu cập bến thì xe ô tô xuống đón các ngư dân tới nhà hàng để ăn một bữa ngon, sau đó mới trở về tàu.

Dấu hiệu đầu tiên của sự sụp đổ đội tàu giã cào là thời gian đi biển. Trước đây, mỗi phiên biển kéo dài 1 tháng. Nhưng cá gần bờ cạn kiệt dần nên các tàu bắt đầu đi xa hơn, phiên biển kéo dài gấp đôi và hiện nay lên tới 4-5 tháng, mỗi năm tàu chỉ đi 2-3 phiên biển. Rồi để có đủ sản lượng cá bù vào chi phí 70.000 lít dầu/phiên/tháng (gấp hơn 20 lần tàu làm nghề lưới), các chủ tàu phải liều, cho tàu đi lấn sang vùng biển nước ngoài.

Khi ngư dân bắt đầu nhận ra “nghề giã cào có chuyện” thì cũng là lúc tàu làm nghề giã cào đại hạ giá. Anh Tạ Thái Sơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng, từng nằm trong tốp tập đoàn tàu đánh cá lớn ở cửa biển Phước Tỉnh nói vẻ dứt khoát về một câu chuyện chán chường: “Giá đúng của nó là 4,5 tỷ đồng/đôi, riêng đôi của nhà em thì cho giá nhẹ là 3,5 tỷ đồng/đôi, mọi người thích đôi nào thì lấy, nhưng nói thiệt là đến bữa nay em chấp nhận bán từng chiếc, cứ 800 triệu đồng/tàu, ai lấy thì lấy”.

Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống kê, hiện nay, có 1.414 tàu làm nghề lưới kéo (giã cào), phần lớn đang lâm cảnh khó khăn và nợ nần chồng chất. Khi giá dầu lên cao, sản lượng thủy sản cạn kiệt, chi phí chuyến biển quá lớn (chiếm 60% tổng thu của chuyến biển), tiền chia cho bạn chài cứ thế mà teo tóp lại. Mỗi phiên biển 1 tháng, ngư dân đi biển được chia khoảng 12 triệu đồng.

Ngư dân Tạ Thái Sơn cho biết, bây giờ có nhiều thuyền trưởng nhưng lại mặc áo in logo công ty, sáng sớm chạy tới Khu công nghiệp Phú Mỹ ở thành phố Vũng Tàu làm việc, thu nhập cao hơn nghề biển, thời gian làm việc ít hơn, có điều kiện chăm lo cho gia đình, vậy là nghề giã cào càng "chết" nhanh hơn vì thiếu người.

Cán bộ BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân trên địa bàn. Ảnh: Văn Chương

Đuối vì thiếu bạn chài

Nhiều năm về trước, đội tàu giã cào của các ngư dân Quảng Ngãi luôn đứng tốp “danh sách vàng” về thu nhập, còn hiện nay là “danh sách đỏ” vì nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. “Ngư dân đói quá nên ra tới vùng giáp ranh, chồng lấn, rồi có khi đánh lấn qua bên kia một chút nên bị bắt giữ; cứ vài ngày là dưới ấp lại nhận giấy báo, đưa tới cho các chủ tàu để hỏi tại sao tàu trên biển lại mất liên lạc” - ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Chi bộ ấp Tân Phước, Tổ phó Tổ tuyên truyền, vận động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho biết.

Tại UBND xã Phước Tỉnh, khi phóng viên đến liên hệ làm việc thì ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã đang chủ trì việc đưa ra kiểm điểm trước tập thể đối với các chủ tàu có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình nhiều ngày. Ông Đỗ Viết Trung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Tỉnh cho biết, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu có nghị quyết về chống khai thác IUU nên tất cả các cấp, các ngành đều triển khai quyết liệt.

Ngư dân Quảng Ngãi hiện nay đã không còn ồ ạt vào “vùng đất hứa” Phước Tỉnh để đi biển, các chủ tàu ở đây đành phải tìm kiếm nguồn nhân lực thông qua môi giới. Các ngư dân cho biết, các chủ tàu kiếm bạn chài thông qua "cò" nên có rất nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trong quá trình hành nghề, như ngư dân bỏ tàu nhảy xuống biển bơi vào bờ; bỏ trốn sau khi đã nhận tiền công; ra biển nhưng không có khả năng lao động...

Ngày 24/10/2022, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu đã thụ lý vụ việc ngư dân đi bạn trên tàu cá BV93279TS, do muốn tàu trở về bờ sớm nên đã nhét cát, đổ nước vào bồn nhớt để phá hoại tàu. Nhiều chủ tàu là người Quảng Ngãi lâm vào cảnh phá sản vì bị ngư dân đi bạn (thông qua "cò" tuyển dụng) tìm cách phá hỏng máy tàu để được vào bờ sớm.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phuoc-tinh-chat-vat-ngong-ban-chai-post463897.html