Phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam

Ngày 24/11, UBND tỉnh phối hợp Bộ NN&PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Hội thảo

Ngày 24/11, UBND tỉnh phối hợp Bộ NN&PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam”. Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt Việt Nam; Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam.

Các đại biểu tham khảo các chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh hại trong đất trồng cây ăn quả có múi trưng bày tại hội thảo.

Các đại biểu tham khảo các chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh hại trong đất trồng cây ăn quả có múi trưng bày tại hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng, địa phương trong cả nước. Hiện nay, tại nhiều tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Các đại biểu đã nghe và thảo luận báo cáo về hiện trạng, định hướng, giải pháp phát triển sản xuất cây ăn quả có múi tại Việt Nam; hiện trạng đất trồng cam và biện pháp quản lý đất, dinh dưỡng cho cây; Kit chẩn đoán nhanh bệnh vàng lá và sử dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh hại trong đất trồng cây ăn quả có múi; hiện trạng và giải pháp cải thiện cung cấp giống cây trồng có múi sạch bệnh tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam; tình hình sản xuất, tái canh và giải pháp phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị: Các địa phương, doanh nghiệp trồng cây ăn quả có múi cần tập trung rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh. Tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng giống. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh,... để kịp thời bổ sung cho sản xuất (trồng mới hoặc tái canh). Thiết lập hệ thống sản xuất giống cây có múi sạch bệnh theo quy trình nhà lưới 3 cấp phục vụ sản xuất tại các địa phương, vùng sản xuất tập trung. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và an toàn thực phẩm. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh Hòa Bình có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp với đa dạng chủng loại cây trồng, vật nuôi. Đa dạng các loại hình kinh tế kết hợp với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tỉnh Hòa Bình hướng phát triển bền vững về nông nghiệp kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái. Mong muốn thông qua hội thảo, các tỉnh trồng cây ăn quả có múi trọng điểm của cả nước sẽ tăng cường hợp tác hiệu quả, góp phần đưa cây ăn quả có múi trở thành cây trồng chủ lực quốc gia.

T.H

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/184165/phuc-hoi-va-phat-trien-ben-vung-cay-co-mui-o-viet-nam.htm