Phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số: Việc cấp bách...

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống di sản văn hóa phi vật thể của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm.

Không để di sản văn hóa mai một

Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là “bảo tàng sống” phản ánh sinh động những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống tâm linh của người dân đồng bào dân tộc, thiểu số. Trong giai đoạn phát triển và hội nhập mạnh mẽ hiện nay, sự du nhập của văn hóa ngoại lai đang đặt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một.

Tỉnh Điện Biên đã có 12 di sản VHPVT được đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên Ảnh: Nguồn Sở VHTT&DL Điện Biên

Đơn cử như lễ mừng cơm mới của dân tộc Tày tại H.Văn Yên, Yên Bái; nghệ thuật khèn Bè của dân tộc Thái tại TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái; múa chuông và múa rùa của dân tộc Dao tại H.Yên Lập, Phú Thọ; múa trống đu của dân tộc Mường tại H.Yên Lập, Phú Thọ; lễ quét làng của dân tộc Phù Lá tại H.Tuần Giáo, Điện Biên; nghề đan võng của dân tộc Thổ tại H.Quỳ Hợp, Nghệ An; dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Ơ Đu tại H.Tương Dương, Nghệ An.... đã được khẳng định đang có nguy cơ mai một.

Cụ thể như tại huyện miền núi rẻo cao Tương Dương- huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Nghệ An. Tại Tương Dương, sáu dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Poọng và Kinh cùng chung sống, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy vậy, trải qua thời gian, những nét văn hóa mang tính đặc trưng của từng dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị mai một…

Trước thực tế đó, mới đây nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3177/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/10/2023 về việc tổ chức Chương trình Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một.

Chương trình nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường mối đoàn kết dân tộc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ qua các hoạt động đa dạng như: sinh hoạt văn hóa, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, truyền dạy nghề truyền thống, nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc mỗi dân tộc; tạo điều kiện cho cộng đồng được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đề cao vai trò năng lực chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình hỗ trợ theo kế hoạch, lộ trình cụ thể. Các bên liên quan thực hiện đồng bộ giữa nghiên cứu, bảo tồn văn hóa nghệ thuật với tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Thường xuyên tuyên truyền, lồng ghép kế hoạch phát triển văn hóa phi vật thể và du lịch vào các chương trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Các hoạt động tổ chức hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tới nỗ lực cụ thể, tích cực của nhiều địa phương

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Pà Thẻn (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) - ảnh: PL

Tỉnh Điện Biên hiện có 12 di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) được đưa vào danh mục di sản VHPVT quốc gia. Những năm qua, Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy di sản VHPVT của đồng bào DTTS&MN, như: Đề án Bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS, Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo tồn lễ hội truyền thống; Đề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Để sưu tầm được cơ bản những nét độc đáo của từng bản sắc văn hóa dân tộc, Phòng Di sản văn hóa Sở VHTT&DL tỉnh Điện Biênphải xây dựng chương trình kế hoạch công tác theo phương án “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) tại bản, tại nhà của các trưởng họ, trưởng bản, người có uy tín. Người làm công tác sưu tầm phải am hiểu phong tục tập quán, biết giao tiếp bằng tiếng dân tộc với đối tượng cần khai thác, có năng khiếu về nghệ thuật (múa, hát, nhạc cụ). Như vậy mới vận động phục dựng lại những lễ hội, tập tục của từng dân tộc thiểu số một cách chân thực, sinh động.

Hay mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông. Trước đó, lễ mừng thọ của người dân tộc Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 8/2022 và trở thành một trong ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.

Lễ mừng thọ của người dân tộc Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Hội thảo nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông. Đồng thời, khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người Mnông.

Tại Nghệ An, thống kê từ Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, đến nay, toàn tỉnh thực hiện kiểm kê được 463 di sản với đầy đủ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể giàu bản sắc, có độ phân bố rộng khắp và có giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu cho sáu dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu ở Nghệ An. Trong đó, di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để di sản văn hóa phi vật thể lan tỏa trong cộng đồng, Nghệ An rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của người dân đã và đang được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Nhiều công trình, đề tài khoa học được đầu tư nghiên cứu, đề ra giải pháp có tính thực tiễn như bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; tôn vinh, tạo điều kiện cho nghệ nhân bảo lưu, thực hành, truyền dạy di sản.

Di sản văn hóa phi vật thể là tài sản tinh thần vô giá mang đậm dấu ấn của từng vùng miền, lớn hơn là hồn cốt đặc trưng của quốc gia, dân tộc. Gìn giữ cho được hồn cốt ấy là nhiệm vụ cấp bách cần phải được làm ngay với bất cứ miền đất chứa đựng di sản nào.

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phuc-hoi-bao-ton-phat-huy-van-hoa-phi-vat-the-cac-dan-toc-thieu-so-viec-cap-bach-post273255.html