Phúc Giang Thư viện - ngôi trường tư thục danh tiếng

Việc vua Lê Hiển Tông ban sắc phong thần cho Nguyễn Huy Oánh và công nhận Phúc Giang Thư viện là đền thờ Thần Thư viện, 6 đời vua triều Nguyễn tiếp tục ban sắc ghi công cho thấy vị thế, tầm ảnh hưởng của ngôi trường này.

Người khai lưu mở lối

Theo Phượng Dương Nguyễn Tông thế phả (Gia phả dòng họ Nguyễn Huy), khoảng giữa thế kỷ XV cụ Nguyễn Uyên Hậu (giữ chức quan Ngũ kinh Bác sĩ Quốc Tử Giám), từ phương Bắc về định cư ở xã Lai Thạch, huyện La Giang (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Cụ cùng cư dân trong vùng lập nên làng Trường Lưu. Quá trình sinh sống ở đây, cụ Nguyễn Uyên Hậu kết hôn với cụ Trần Thị Ý (con gái gia đình phú hào) xã Trùng Hanh (nay là xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc). Sau khi kết hôn, cụ Trần Thị Ý có danh xưng Uyên thạc Phu nhân. Hai cụ sinh được một con trai là Nguyễn Hàm Hằng.

Phả tộc chép về Nguyễn Hàm Hằng: “Cụ thuộc lớp người trời phú tính thông minh, tinh tế thần kỳ. Là bậc ‘Trường khanh tấu đại nhân’. Cụ đỗ Hương cống năm Đinh Hợi (1467), khi mới 15 tuổi; đỗ Tam trường thi Hội năm Mậu Tý (1468) và đạt Đường thượng xá sinh khi 16 tuổi, sau đó giảng dạy ở Quốc Tử Giám”.

Mộc bản Trường học Phúc Giang được bản quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Nguyễn Hàm Hằng kết hôn với trưởng nữ của Tiến sĩ, Tả thị lang Bộ Lễ, Tá lý Công thần Nguyễn Tâm Hoằng (1434 - 1510), cùng xã Lai Thạch.

Từ cuộc hôn nhân của cụ Nguyễn Uyên Hậu và cụ Trần Thị Ý, hình thành dòng họ Nguyễn với các tên đệm Nguyễn Hàm, Nguyễn Thừa, Nguyễn Như, Nguyễn Công… Đến đời thứ 10, hầu hết các chi phái của Dòng họ cùng mang tên đệm Nguyễn Huy và thường gọi là họ Nguyễn Huy Trường Lưu.

Trải suốt chiều dài lịch sử gần 600 năm, các thế hệ của dòng họ kế tiếp nhau sản sinh ra nhiều hiền nhân làm rạng danh dòng tộc, quê hương. Từ cụ Thủy tổ Nguyễn Uyên Hậu đến giữa thế kỷ XIX, liên tục 12 đời, đời nào cũng có nhiều người đỗ đạt, gồm 2 đại khoa là Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và Tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (hai anh em ruột, cùng đời thứ 10); 32 Hương cống.

Trong đó, Hương cống Nguyễn Công Ban (đời thứ 7) và Hương cống Nguyễn Huy Tự (đời 11) được vua đặc ban Tiến triều ứng vụ, liệt ngang hàng Tiến sĩ. Hàng chục Hương cống khác đỗ tam trường thi Hội và là Giám sinh. Ngoài ra, cả gần trăm người đỗ Tú tài.

Cũng từ Thủy tổ Nguyễn Uyên Hậu, dưới các triều đại quân chủ, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu liên tục có người làm nghề dạy học. Và hầu hết họ đều gắn với nghiệp dạy học cả khi đang chấp chính cũng như lúc trí sĩ (nghỉ hưu). Trong đó, điển hình là Nguyễn Huy Oánh, năm 1783, ông đã cương quyết cáo lão từ chối chức Tham tụng (Tễ tướng) để về quê dạy học.

Ngôi trường tư thục nổi danh thế kỷ XVIII

Đến đời Nguyễn Công Ban (1630 - 1711), đỗ khoa Hoành Từ, làm quan tới chức Giám hộ Đô Tổng binh, Giám sát Ngự sử. Sau khi trí sĩ, ông về quê tiếp tục nghề dạy học.

Theo các tài liệu Hán - Nôm của Dòng họ còn lưu giữ, Nguyễn Công Ban đã tạo nên bước phát triển đột phá về dạy học của Dòng họ từ nội dung, chương trình, mở mang trường lớp đến chiêu mộ môn sinh. Không những vậy, theo đánh giá của PGS.TS Vũ Thanh - Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam “có thể ghi nhận Nguyễn Công Ban là người khai mở cho dòng văn Trường Lưu”.

Đến đời Nguyễn Huy Tựu (1690 - 1750), là cháu nội Nguyễn Công Ban, tiếp tục có công lớn trong việc mở rộng quy mô trường lớp, chiêu mộ môn sinh.

Theo bài ký viết trên bia Ruộng Khoa danh trong gia trang họ Nguyễn, do Nguyễn Huy Oánh (trưởng nam của Nguyễn Huy Tựu) dựng, với mục đích khuyến khích môn sinh chăm lo học hành, Nguyễn Huy Tựu đã lập Quỹ Ruộng Khoa danh để thưởng cho những môn sinh đỗ đạt. Cũng theo bài ký trên, có đoạn: “Cha ta dạy học trước sau là 1218 người". Về sau, Nguyễn Huy Oánh đổi Ruộng Khoa danh thành Quỹ Học điền với diện tích trên 20 mẫu ruộng.

Đến đời Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), trường học của Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu phát triển đến đỉnh cao. Năm 1732, sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương, Nguyễn Huy Oánh tiếp tục mở rộng trường lớp và đặt tên Trường Lưu học hiệu.

Năm 1767, sau khi đi sứ về, ông nâng cấp trường và đổi tên thành Trường học Phúc Giang (còn có tên Thư viện Phúc Giang và khi Nguyễn Huy Oánh được phong thần đổi thành Đền Thư viện Phúc Giang).

Để phục vụ việc dạy học một cách quy củ, bài bản gia đình Nguyễn Huy Oánh đã tổ chức sản xuất các bộ mộc bản in sách, với số lượng hàng nghìn bản, hiện chỉ còn 383 bản do Dòng họ bảo quản và 8 bản trưng bày ở Bảo tàng Hà Tĩnh. Trong đó, 3 bộ sách giáo khoa kinh điển (12 quyển), gồm: Tính lý toản yếu đại toàn, Ngũ kinh toản yếu đại toànThư viện quy lệ được in từ các bộ mộc bản do dòng họ sản xuất (từ 1758-1788). Đây là những tài liệu được dùng để giảng dạy ở Phúc Giang Thư viện và Quốc Tử Giám, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo các tài liệu, tư liệu đã được công bố, mộc bản Trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục do một dòng họ sản xuất ở Việt Nam.

Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Trường tư thục Phúc Giang là thế kỷ XVIII. Trường lớp được xây dựng khang trang, quy củ; tài liệu phong phú, đầy đủ (trên vài vạn cuốn sách). Đội ngũ nhà giáo có trình độ uyên bác, giàu kinh nghiệm như Tham chính, Tả Thị lang, Hương cống Nguyễn Huy Tựu; Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh; Tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh; Hương cống, Đốc đồng Nguyễn Huy Tự; Phó đốc học Quốc Tử Giám (kinh thành Huế), Đốc học Bắc Ninh, Hương cống Nguyễn Huy Tá; Chung sơn cư sĩ Hương cống Nguyễn Huy Vinh, Hương cống Nguyễn Huy Tiêu...

Trong đó Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Cự, Nguyện Huy Tự, Nguyễn Huy Tá, Nguyễn Huy Tiêu... từng giảng dạy ở Quốc tử Giám và làm Thị nội văn chức tùy giảng cho các thế tử trong cung Vua, phủ Chúa.

Đặc biệt, Nguyễn Huy Oánh có thời gian làm A bảo dạy Thế tử trong các phủ đệ Chúa Trịnh, sau đó được sắc phong làm Tư nghiệp (Hiệu phó), rồi sắc phong thăng Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, kiêm Nhập nội Thị giảng.

Với những ưu thế và tiềm năng nổi trội trên đây, Trường tư thục Phúc Giang không chỉ thu hút được Nho sinh ở Nghệ An, Thanh Hóa mà còn thu hút được đông đảo môn sinh ở các tỉnh phía Bắc bộ về học.

Trong tác phẩm Nghệ An ký do Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) biên soạn, viết về Nguyễn Huy Oánh: “Học trò Cụ trước sau có đến vài nghìn người, trong đó có 30 người đỗ Tiến sĩ, còn Hương cống thì rất nhiều, không biết bao nhiêu mà kể. Tiến sĩ Phạm Nguyễn Du ở Đặng Điền (Nghệ An), Tiến sĩ Phạm Quý Thích ở Hoa Đường (Hải Dương), Tiến sĩ Trần Công Xán ở Yên Vỹ (Hưng Yên), Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ ở Thanh Nê (Thái Bình)… đều là môn sinh của cụ Nguyễn Huy Oánh”.

Trong một bức trướng mừng thầy Nguyễn Huy Oánh có danh sách 24 học trò cùng khóa gồm 4 người Nghệ An, còn lại đều là người các tỉnh phía Bắc, trong đó có danh sĩ Ngô Thì Nhậm.

Theo một bài viết đăng trên báo Hà Tĩnh, Trường tư thục Phúc Giang trở thành điểm sáng về giáo dục ở Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất đánh giá, sự nghiệp lớn nhất và cũng là công tích lớn nhất của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là dạy học và trước tác. Và Phúc Giang Thư viện - ngôi trường nổi danh đất nước thế kỷ XVIII là cái nôi của công tích vẻ vang đó.

Với những đóng góp to lớn của Phúc Giang Thư viện và của Nguyễn Huy Oánh cùng cộng sự cho nền văn hóa, giáo dục nước nhà, ngày 26/7/1783, Nguyễn Huy Oánh được vua Lê Hiển Tông phong thần Phúc Giang thư viện Trưởng Hoằng dụ Đại vương và công nhận Phúc Giang Thư viện là đền thần.

Đây là trường hợp rất hy hữu khi một vị quan đương chức được nhà vua phong thần.

Với việc vua Lê ban sắc phong thần Nguyễn Huy Oánh lúc còn sống và công nhận Phúc Giang Thư viện là đền thần, tiếp đến 4 đời vua triều Nguyễn ban sắc ghi công cho thấy vị thế, tầm ảnh hưởng của ngôi Trường này đối với nền văn hóa, giáo dục nước nhà.

Nguyễn Huy Viện

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phuc-giang-thu-vien-ngoi-truong-tu-thuc-danh-tieng-2274453.html